Theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các DNNN phải công khai 9 loại thông tin để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau hơn 9 tháng nghị định 81/2015 có hiệu lực, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp “phớt lờ’ việc công bố thông tin.
Trong danh sách này, có nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn thuộc các bộ, ngành chưa chấp hành công bố thông tin, trong đó: Bộ Công Thương có 5 doanh nghiệp, Bộ NNPTNT có 6 doanh nghiệp; Bộ VHTTDL có 15 doanh nghiệp, Bộ Y tế có 7 doanh nghiệp, NHNN có 6 doanh nghiệp;
Trong số các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Hà Nội có 25 doanh nghiệp chưa công bố thông tin và TPHCM có 24 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… cũng chưa công bố thông tin theo quy định.
Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, hạn cuối cùng để các doanh nghiệp công bố thông tin là 31/7/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 14/432 doanh nghiệp công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích; 57/432 báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới; có 40/432 doanh nghiệp báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức; 44/432 doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo tài chính; 75/432 doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo tiền lương, tiền thưởng.
Một điều đáng lưu ý, trong số những doanh nghiệp có báo cáo trên, chỉ có Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) là thực hiện công bố thông tin theo quy định. Còn lại 30 tổng công ty, tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), TCT Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), TCT Giấy Việt Nam, TCT Cà phê Việt Nam (Vinacafe) vẫn “ngó lơ” Nghị định 81/2015.
Được biết , việc công khai thông tin của khối doanh nghiệp này sẽ làm cho các đại diện vốn nhà nước nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí, tham ô. Bên cạnh đó, việc công bố công khai thông tin không chỉ tốt hơn cho chính các doanh nghiệp này, mà Chính phủ và mọi người dân đều có thể tham gia giám sát tình hình hoạt động và tài chính của DNNN dễ dàng hơn.