Theo website Đảng Cộng sản, liên quan đến việc sử dụng công nghệ khi đầu tư của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong quá trình xem xét để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Formosa, Bộ đã có ý kiến thẩm định đối với phần công nghệ của dự án nhưng chỉ ở giai đoạn báo cáo đầu tư, nghĩa là dự án tiền khả thi. Việc thẩm định công nghệ chính thức dự án này thuộc về Bộ Công Thương.
Đây là nội dung được báo chí quan tâm đặt câu hỏi nhiều nhất tại buổi báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra sáng 5-7.
Theo ông Đỗ Hoài Nam, Luật Đầu tư ban hành năm 2005, các cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài, trong trường hợp Formosa là UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp.
Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ dự án tiền khả thi của Formosa tới Bộ Khoa học và Công nghệ để Bộ thẩm định về mặt công nghệ.
Do là dự án tiền khả thi nên trong hồ sơ chỉ trình bày sơ bộ việc lựa chọn phương án công nghệ là loại lò cao truyền thống, vốn được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp luyện thép và không phải là công nghệ mới.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2005, việc lựa chọn loại công nghệ cụ thể nào tại Formosa chưa được đề cập đến trong dự án tiền khả thi.
Ông Nam cũng cho biết tùy theo mức độ dự án đầu tư mà việc thẩm định công nghệ được phân cấp cho các cơ quan khác nhau, có những dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm đinh, có những dự án lại do Sở KH&CN của tỉnh/thành phố thẩm định.
Riêng trường hợp Formosa, trách nhiệm thẩm định công nghệ ban đầu được giao cho Bộ Công thương. Do đó, việc giám sát thay đổi công nghệ xử lý nước thải của Formosa thời gian tới cũng thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương.
Toàn bộ quá trình tiếp theo, nhất là việc thiết kế xây dựng nhà máy Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) thì Bộ Khoa học và Công nghệ không thẩm định mà do Bộ Công thương thẩm định.
Về phương án khắc phục sự cố môi trường sau sự cố Formosa xả thải sẽ phải mất thời gian bao nhiêu lâu, kinh phí thế nào, thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định rằng đây là vấn đề rất rộng lớn.
"Chức năng quản lý chính thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong bộ máy Nhà nước, mỗi cơ quan, đơn vị có một chức năng nhất định, không thể làm thay được. Việc kiểm soát chất thải ở Formosa là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường. Còn chúng tôi lập hội đồng các nhà khoa học để hỗ trợ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, hỗ trợ cho các cơ quan điều tra có chứng cứ trong việc tìm nguyên nhân, thủ phạm gây ra tình trạng cá chết" - thứ trưởng Tạc nói.
Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi – Phó Viện trưởng Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), việc xây dựng phương án phục hồi và khắc phục sự cố môi trường sau khi xác định Formosa xả thải gây ô nhiễm, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội đồng khắc phục sự cố này do thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường là phó chủ tịch. Hội đồng còn có sự tham gia của đại diện của 4 tỉnh miền Trung và đại diện Bộ Khoa học và công nghệ.
PGS - TS. Vũ Đức Lợi cho biết hiện tại Bộ Khoa học và công nghệ vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dữ liệu về vụ việc, đến thời điểm thích hợp sẽ công bố chính thức.
Theo Tuổi trẻ