Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tuần này tới thăm châu Á, dừng chân ở Ấn Độ và Philippines. Mục tiêu của chương trình nghị sự là củng cố mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ với các đồng minh khu vực để nếu xung đột xảy ra, Washington có thể dựa vào họ đối phó tốt hơn với những mối đe dọa, theo Washington Post.
Song, những vấn đề liên quan tới lực lượng tàu ngầm, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến an ninh hàng hải, lại ít được chú ý, dù các hạm đội tàu ngầm đang xuất hiện ngày càng nhiều trên toàn Thái Bình Dương nói chung và ở Biển Đông nói riêng.
Đô đốc Scott Swift, sĩ quan cấp cao thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ, từng khẳng định, đối với ông, tàu ngầm là một "tài sản cực kỳ giá trị". Khi căng thẳng ở Biển Đông liên tục gia tăng gần đây, nhiều nước đã tăng cường triển khai các loại tên lửa phòng không cùng những khí tài hiện đại khác nhằm phô trương sức mạnh, răn đe đối thủ cũng như củng cố năng lực phòng vệ. Tuy nhiên, các loại vũ khí trên lại không thể gây ảnh hưởng cho tàu ngầm bởi một lý do đơn giản: chúng luôn nằm sâu dưới lòng đại dương, Swift nhấn mạnh.
Chính vì thế, hàng loạt quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Australia, đang ráo riết tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang dưới đáy biển. Nếu căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, tiếp tục leo thang, viễn cảnh bùng phát một cuộc chiến tranh bằng tàu ngầm không còn là điều quá xa vời, chuyên gia nhận định.
Cuộc đua dưới đáy biển
Tàu ngầm lớp Ohio USS Michigan của hải quân Mỹ. Ảnh:US Navy
"Chúng tôi năm tới sẽ đầu tư 8 tỷ USD chỉ để đảm bảo rằng hạm đội tàu ngầm cũng như khả năng chống ngầm của Mỹ là ưu việt và hiện đại nhất thế giới", ông Carter tuần trước phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York. Trọng tâm đầu tư là "những tàu ngầm không người lái ở mọi kích cỡ và tải trọng, có khả năng hoạt động ở cả những vùng nước nông, nơi tàu ngầm có người lái không thể đến".Lầu Năm Góc vài năm tới dự kiến chi khoảng 97 tỷ USD cho chương trình thay thế 14 tàu ngầm tên lửa hạt nhân lớp Ohio bằng lớp tàu thế hệ mới tiên tiến hơn. Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 1998 đến nay đổ không ít tiền mua thêm các tàu ngầm tấn công lớp Virginia mới để thế chỗ các tàu ngầm tấn công cũ lớp Los Angeles và Seawolf. Bên cạnh đó, tàu ngầm không người lái cũng là một mục tiêu mà Washington đặt nhiều kỳ vọng.
Ấn Độ đang hoàn tất các khâu thử nghiệm cuối cùng đối với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Arihant, lượng giãn nước 6.000 tấn, được phát triển suốt ba thập kỷ qua trong một chương trình bí mật của chính phủ. Theo Economic Times, INS Arihant sẽ trang bị tên lửa K-15, tầm bắn 750 km và tên lửa đạn đạo K-4, tầm bắn 3.500 km. Cả hai vũ khí trên đều có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Việc triển khai tàu ngầm sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đưa Ấn Độ trở thành cường quốc nắm trong tay bộ ba khí tài hạt nhân chiến lược, với khả năng khai hỏa vũ khí hạt nhân từ cả trên bộ, trên không và trên biển.
Về phía Trung Quốc, một số chuyên gia phân tích an ninh suy đoán để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh cũng sẽ dồn sức cho nhiệm vụ xây dựng hạm đội đáy biển và thiết lập nơi ẩn náu an toàn cho tàu ngầm. Chúng có thể là những khu vực nằm ở độ sâu khoảng 2,4 km dưới đáy đại dương hay các hang ngầm được khoét vào núi dọc bờ biển, nơi tàu ngầm có thể ẩn thân.
Bộ Chỉ huy Chiến lược và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tiết lộ tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu từ năm ngoái, nhưng Bắc Kinh không đưa ra thông báo chính thức về các lần tuần tra này.
Bắc Kinh hồi năm 2014 lần đầu tiên điều các tàu ngầm tấn công đến Ấn Độ Dương với mục đích bề ngoài là hỗ trợ hoạt động chống cướp biển, nhưng thực chất là nhằm thu thập thông tin và phô diễn năng lực tàu ngầm, theo báo cáo thường niên về hoạt động quân sự của Trung Quốc do Lầu Năm Góc phát hành.
Tướng hải quân Vincent Stewart, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, tháng trước dự đoán, quân đội Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực quân sự hóa ở Biển Đông, điều động trái phép vũ khí, khí tài mới tới vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới này. Khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc nhờ vậy cũng sẽ gia tăng, mang đến những nguy cơ khó lường.
Theo ông Stewart, cách hành xử của Trung Quốc đối các hoạt động tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh "sẵn sàng phản ứng với bất cứ động thái quân sự nào diễn ra" gần những tiền đồn mà nước này xây dựng trái phép ở vùng biển chiến lược này.
Ông Malcolm Cook, chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, đánh giá những động thái cả ở trên bề mặt lẫn trong lòng biển của Trung Quốc rõ ràng đang biến Biển Đông trở thành một đấu trường cạnh tranh gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh.
"Chúng ta rất có thể sẽ phải chứng kiến thêm nhiều cuộc xung đột ở những vùng biển nhỏ trong khu vực như Biển Đông hay vịnh Bengal", Iskander Rehman, nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Chương trình Chính sách Đối ngoại thuộc Viện Brookings, Mỹ, nhận xét.
"Căng thẳng chắc chắn sẽ nảy sinh từ những cuộc chạm trán dưới đáy biển, đặc biệt là khi cả tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân lẫn tàu ngầm sở hữu vũ khí quy ước đang xuất hiện ngày càng dày đặc khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Rehman cho biết thêm.
Theo VnE