Biến động nhân sự tại Sabeco mới chỉ là bước khởi đầu?

VietTimes – Mặc dù thương vụ mua bán đã hoàn tất vào cuối năm 2017 nhưng Thai Beverage cũng phải mất đến 5 tháng để có những cái tên đầu tiên tham gia quản trị và điều hành hoạt động tại Sabeco. Vẫn còn đó một số thách thức mà tỷ phú Thái Lan cần phải giải quyết triệt để nhằm đưa Sabeco đi đúng quỹ đạo mong muốn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sabeco)
Ảnh minh họa (Nguồn: Sabeco)

Cuộc họp Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã CK: SAB) diễn ra ngày 9/5 theo đề nghị của vị Chủ tịch mới, ông Koh Poh Tiong, đã thông qua việc bổ nhiệm một loạt vị trí lãnh đạo quan trọng tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, HĐQT Sabeco đã thông qua việc bổ nhiệm “tạm thời” thành viên HĐQT đối với bà Trần Kim Nga. Hoạt động này là do trong HĐQT của Sabeco mới chỉ có 6 thành viên và đang thiếu một thành viên so với điều lệ. Thời hạn bổ nhiệm “tạm thời” chức vụ này có thể sẽ kéo dài tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018.

Như VietTimes đã đưa tin trước đó, ngoài trọng trách (Tổng Giám đốc) tại CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam và Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev), bà Nga còn đang đại diện và điều hành hàng loạt pháp nhân khác. Đa phần là các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi tại Việt Nam.

Có thể kể đến như: Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái Miền Bắc; VPĐD Berli Jucker Public Company Limited tại Tp. HCM; Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái Việt Nam; Công ty TNHH MTV Thực phẩm Phú Thái Miền Trung; Công ty TNHH Lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam; Công ty TNHH Liên kết Thắng Lợi.

Và phần lớn các doanh nghiệp có liên quan này đều có khả năng hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của Sabeco trong thời gian tới.

Biến động nhân sự tại Sabeco mới chỉ là bước khởi đầu? ảnh 1

Đại hội cổ đông bất thường Sabeco hôm 23/4/2018 (Nguồn: Báo Đầu tư)

Bên cạnh thành viên HĐQT, với ba cái tên mới được bổ nhiệm, Thai Beverage (ThaiBev) cũng đã đánh dấu việc tham gia trực tiếp vào hoạt động điều hành tại Sabeco.

Cũng tại cuộc họp, HĐQT Sabeco đã thông qua việc bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc với ông Neo Gim Siong Bennett; bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc phục trách chức năng Kế toán, Tài chính và Hỗ trợ đối với ông Teo Hong Keng và bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Bán hàng đối với ông Melvyn Ng Kuan Ngee.

Các cá nhân kể trên đều có nhiều năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, phụ trách chức vụ quan trọng tại các tập toàn thành viên của ThaiBev.

Trước đó, tại kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 23/4, ĐHCĐ cũng đã thông qua bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT là ông Tan Tiang Hing, Malcolm; ông Sunyaluck Chaikajornwat, và ông Koh Poh Tiong với tỷ lệ tán thành trên 94%.

Sabeco cũng đã có công văn gửi UBCK Nhà nước gia hạn thời gian tổ chức kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Lý do Sabeco đưa ra là doanh nghiệp này vừa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT, các thành viên HĐQT mới bổ sung cần có thời gian tìm hiểu sâu hơn về doanh nghiệp để đề ra những kế hoạch sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Ngoài ra, HĐQT cần thêm thời gian chuẩn bị tài liệu ĐHĐCĐ thường niên và bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới. Thời gian gia hạn đến hết ngày 30/6/2018.

Về kết quả kinh doanh, Sabeco đã báo lãi sụt giảm ngay trong quý đầu về tay người Thái với mức ghi nhận 1.158 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 2,5% so với cùng kỳ.  Thị giá cổ phiếu trên thị trường cũng ghi nhận mức giảm giá mạnh từ vùng đỉnh 320.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 230.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư trên thị trường cũng rất quan tâm về kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), theo đó Sabeco sẽ phải nộp ngân sách số tiền lên tới 2.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Ban Tổng Giám đốc của Sabeco cho rằng ĐHĐCĐ chưa phê duyệt quyết định phân chia cổ tức cho Bộ Công thương và các cổ đông không kiểm soát như đề xuất của KTNN nên doanh nghiệp này chưa có đủ cơ sở để ghi nhận khoản phải trả này. Do đó, Sabeco đã thuyết minh khoản phải trả này là một khoản nợ tiềm tàng trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Dự kiến vấn đề này sẽ trở thành tâm điểm thảo luận tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên sắp tới và có lẽ, vấn đề sẽ không chỉ dừng lại ở tiền.