Biển Đông, Hoa Đông: Trung Quốc vượt “lằn ranh đỏ” sẽ bùng nổ xung đột

VietTimes -- Không bất ngờ trước những hành động của Trung Quốc sau phán quyết ngày 12.07 của Tòa Trọng tài quốc tế. Mỹ, Nhật Bản đồng loạt có những động thái gia tăng sự hiện diện quân sự trên Biển Đông, Hoa Đông nhằm đối phó Trung Quốc đồng thời kêu gọi ủng hộ quyết định của Tòa Trọng tài quốc tế The Hague.
Các máy bay ném bom B1, B2, B 52 trên căn cứ đảo Guam
Các máy bay ném bom B1, B2, B 52 trên căn cứ đảo Guam

Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự trên Biển Đông

Mỹ ngay từ đầu đã duy trì chính sách quyết liệt chống Trung Quốc trong các động thái bồi đắp và mở rộng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, xuất phát từ nguy cơ đe dọa quyền lực thống trị của Washington trên Thái Bình Dương.

Nhằm đáp trả những hành động mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc (PLA) trên Biển Đông, Mỹ tiến hành sứ mệnh “duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không” trên vùng biển quốc tế, đưa các chiến hạm hải quân đi vào vùng nước 12 hải lý của các đảo bồi đắp phi pháp của Trung Quốc, tiến hành hai chuyến bay tuần thám bằng máy bay P-8 Poseidon và cả bằng máy bay B-52. Mỹ cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho hai quốc gia chính có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông như tổ chức huấn luyện diễn tập đa quốc gia với quân đội Philipines và rỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.

Trong những chính sách này, nổi bật là việc Mỹ ký các hiệp định với Philipines cho phép triển khai lực lượng luân phiên trên 5 căn cứ quân sự Philipines và đưa lực lượng Lính thủy đánh bộ tham gia công tác huấn luyện, viện trợ cho các hoạt động tuần tra kiểm soát không phận và vùng biển chủ quyền Philipines.

Ngày 23.05.2016 Mỹ chính thức rỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với, kể từ sau chiến tranh Việt Nam, lần đầu tiên có hai cụm tàu sân bay tấn công chủ lực cùng hoạt động trên vùng nước Biển Đông, nhiều lần tuyên bố chính thức kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế La Haye.

Một điểm đặc biệt là Mỹ không phê chuẩn UNCLOS, lo ngại rằng một số quy định trong Công ước quốc tế về biển có thể đe dọa đối những quyền lực tối thượng mà Mỹ có được từ sau Đại chiến thế giới thứ II. Nhưng Washington kiên quyết kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các quy định trong các điều khoản của UNCLOS, đồng thời thúc giục các quốc gia có tranh chấp đấu tranh với Trung Quốc trên quan điểm tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều đó cho phép trước mắt Lầu Năm Góc có thể triển khai lực lượng quân sự đến bất cứ điểm nào trên vùng nước Biển Đông và biển Hoa Đông và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cần thiết đe dọa lợi ích quốc gia Mỹ.

Triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc

Ngày 07.07.2016, Mỹ và Hàn Quốc chính thức ký thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Lý do chính thức được được đưa ra là nhằm bảo vệ Hàn Quốc từ những động thái ngày càng hiếu chiến và kho vũ khí tên lửa đạn đạo có khả năng đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng động thái này là tạo dựng lá chắn tên lửa đe dọa an ninh của Trung Quốc và sự cân bằng sức mạnh hạt nhân trong khu vực.

Do Triều Tiên có tiềm lực pháo binh nòng dài rất lớn và có số lượng tương đối hạn chế về tên lửa đạn đạo tầm gần. Nguy cơ đe dọa Hàn Quốc chủ yếu từ lực lượng pháo binh và pháo phản lực. Hệ thống THAAD trển khai trên bán đảo Triều Tiên có khả năng ngăn chặn tên lửa đạn đạo tầm gần và tầm trung của Trung Quốc trên vùng nước biển Hoàng Hải, Hoa Đông, bảo vệ lực lượng quân đội Mỹ trong khu vực này nhiều hơn là các tên lửa đạn đạo vốn không rõ ràng về số lượng và chất lượng, có thể được phóng đi từ Triều Tiên.

Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước những động thái này? Có lẽ sẽ bắt đầu tuần tra răn đe hạt nhân với tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới (SSBN) trên vùng nước có thể đe dọa được lãnh thổ Mỹ, hoặc việc triển khai THAAD sẽ thúc đẩy Trung Quốc có những hành động đơn phương đối với Hàn Quốc, hoặc Triều Tiên sẽ có những động thái cứng rắn hơn về quân sự. Cho đến thời điểm này, Bắc Kinh ngoài việc tiến hành các hoạt động tuần tra trên không bằng máy bay ném bom chiến lược H-6K vẫn chưa có một động thái cụ thể nào đáp trả THAAD trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ yểm "bộ ba chiến lược" B-52, B-1 và B-2 ở Guam

Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông báo cho biết: lần đầu tiên các máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1 và B-2 sẽ cùng có điểm đóng quân cố định tại căn cứ không quân Andersen ở Guam. Máy bay ném bom B-52 được triển khai tới Guam trên cơ sở luân phiên nhiều năm. Nhưng đây sẽ là lần đầu tiên máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1 Lancer và máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit được triển khai trên đảo.

Với động thái cùng lúc triển khai các máy bay ném bom chiến lược, Mỹ đang gia tăng sự hiện diện lực lượng quân sự lớn trên vùng nước Tây Thái Bình Dương nhằm răn đe các hoạt động gia tăng sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh trên đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Các máy bay ném bom B-1 và B-2 được thiết kế để có thể bí mật thâm nhập hoặc chọc thủng hệ thống phòng không tiên tiến của đối phương. Các máy bay này đều có thể mang theo vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường dẫn đường vệ tinh có độ chính xác.

Trong tình huống phức tạp và sự phát triển ở cấp độ cao tính dân tộc chủ nghĩa cực đoan Trung Quốc, việc triển khai các phương tiện tấn công chiến lược thúc đẩy Bắc Kinh tiến hành những hoạt động quân sự đáp trả. Có thể dẫn đến việc hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 hiện diện trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp hoặc tăng cường lực lượng các chiến hạm phòng không Trung Quốc trên Biển Đông. Điều đó sẽ gây căng thẳng gia tăng với các nước ven biển láng giềng. Nguy cơ xung đột sẽ rất cao nếu các biện pháp đáp trả này được thực hiện.

Máy bay ném bom B-52, B-1 và B-2 đậu trên đường băng tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.

Nhật Bản tăng cường sức mạnh đối phó Trung Quốc

Nhật Bản sau phán quyết ngày 12.07 của Tòa Trọng tài The Hague cũng chính thức ủng hộ phán quyết có lợi cho Philipines và có những tuyên bố kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ quyết định của Tòa quốc tế. Hơn thế nữa, truyền thông Nhật Bản còn thúc giục chính phủ Tokyo tham gia vào sứ mệnh duy trì “tự do hàng hải” bằng sự hiện diện của các chiến hạm Nhật cùng với các hạm tàu Mỹ trên Biển Đông.

Những tuyên bố này tạo lý do cho Bắc Kinh có nhưng động thái mạnh trên vùng nước xung quanh đảo Senkaku khi Trung Quốc bị đẩy vào thế cô lập và đả kích trên trường quốc tế. Những hành động của Nhật Bản với Philiphines cho thấy quốc gia này đang tăng cường chủ động hợp tác với Mỹ và Philipines trong một thế trận đối đầu với Trung Quốc ngay trên Biển Đông.

Theo tin chính thức được công bố trên đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK ngày 09.08, chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc mua và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn  tên lửa đạn đạo (ABM).

Thông báo này được đưa ra sau khi Triều Tiên thử nghiệm hai tên lửa đạn đạo tầm trung Ngô Đông trên vùng biển Nhật Bản. Một trong những tên lửa này được cho là đã rơi xuống trong vùng EEZ 200 dặm của Nhật Bản. Nếu thông tin này trở thành hiện thực dù chưa rõ ràng, THAAD sẽ ngăn chặn nguy cơ từ Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, Nhật Bản sẽ là tuyến chiến đấu phòng thủ tên lửa gần nhất, có thể vô hiệu hóa được sức mạnh tên lửa đạn đạo tầm gần của Trung Quốc đe dọa căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản và Guam.

Nhật Bản cũng công bố ý định phát triển các tên lửa đạn đạo tầm gần, một  hệ thống tên lửa đất đối hải, dự kiến nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku trước các cuộc tấn công đổ bộ từ hướng biển Hoa Đông.

Triển khai hệ thống tên lửa chống tàu phong tỏa biển Hoa Đông

Ngày 14.08.2016 Tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, Bộ Quốc phòng đưa ra một bản báo cáo trong nội bộ chính phủ, nội dung đề cập đến việc phát triển của một hệ thống phòng thủ biển bằng tên lửa hành trình chống tàu dẫn đường vệ tinh dọc theo tuyến quần đảo Ryukyu nhằm bảo vệ quần đảo tiền đồn Senkaku từ các đe dọa trên hướng biển Hoa Đông.

Tuyến phòng thủ biển của chuỗi đảo Nhật Bản

Hệ thống các tổ hợp tên lửa cơ động này sẽ có phạm vi tấn công khoảng 190 dặm (300 km). Các tổ hợp tên lửa này sẽ sẵn sàng cho triển khai vào năm 2023. Bộ Quốc phòng Nhật Bản không đưa ra bất cứ ý kiến nào xác nhận hoặc phủ nhận các thông tin được đăng tải của báo. Nếu đúng, chương trình quy mô lớn cho thấy quyết tâm của Nhật Bản không chỉ để bảo vệ vùng lãnh thổ chủ quyền, mà còn xây dựng một hệ thống tên lửa phòng thủ trên các hòn đảo, đe dọa phong tỏa hành lang thương mại vận tải biển và cũng là hành lang cơ động của hải quân Trung Quốc qua quần đảo Miyako của quốc gia này tiến vào Thái Bình Dương.

Mặc dù Nhật Bản có thừa khả năng bảo vệ quần đảo Senkaku bằng lực lượng tàu chiến, tàu ngầm và máy bay tiêm kích đa năng, việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ biển trên quần đảo Ryukyu khẳng định một kế hoạch đồn trú lực lượng phòng thủ biển trên các quần đảo, một kế hoạch tương tự đã từng có trong quá khứ.

Ngoài những kế hoạch gia tăng binh lực trong tương lai, yếu tố then chốt của việc gia tăng sức mạnh phòng thủ biển Nhật Bản là Trung đoàn bộ binh Phía Tây thuộc Lực lượng phòng vệ lục quân Nhật Bản được đào tạo đổ bộ tấn công đường biển và đường không, sẽ được triển khai trên quần đảo Senkaku nếu tình huống cần thiết trong tương lai gần. Nhật Bản dự định xây dựng một Lữ đoàn đổ bộ bắt nguồn từ hạt nhân là Trung đoàn bộ binh phía Tây, được trang bị 52 xe đổ bộ lưỡng cư AAV - 7 và 17 chiếc máy bay trực thăng cánh quạt trục xoay V-22 Osprey.

Binh sĩ Nhật Bản thuộc Trung đoàn bộ binh phia Tây diễn tập với lính thủy đánh bộ Mỹ tại Hawaii trong bài tập thực hành đổ bộ tấn công với xe thiết giáp lưỡng cư  AAV - 7A1, tháng 8.2014.

Những tuần sau phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế thuộc PCA tại The Hague, liên quan đến vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, đánh dấu bằng sự gia tăng quân sự trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tình huống căng thẳng lan rộng và ảnh hưởng đến cả hai miền Triều Tiên và Nhật Bản, hình thành một hình thái mới về chiến lược quốc phòng của các quốc gia này. Tất cả các nước liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc đều củng cố sức mạnh quân, ngoại trừ Philippines, có những bước đi nhằm làm suy giảm căng thẳng giữa Manila với Bắc Kinh.

Philippines được coi là quốc gia cứng rắt nhất trong tất cả các quốc gia tham gia trong những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, đột nhiên có những hành động làm dịu tình hình, thậm chí đề xuất cùng với Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm phán song phương nhằm giải quyết các vấn đề liên quan bằng giải pháp hòa bình và thương lượng. Điều này khiến danh tiếng của Tổng thống mới Philippines, Rodrigo Duterte bị ảnh hưởng với rất nhiều ý kiến trái chiều.

Trong tình huống hiện nay, căng thẳng trong khu vực tiếp tục leo thành cho đến khi các bên có thể tìm được một giải pháp phù hợp trong danh dự và công bằng, hoặc sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” theo một hình thức nhất định nào đó. Những "lằn ranh đỏ" có thể là: Trung Quốc bắt đầu bồi đắp đảo trái phép trên bãi cạn Scarborough, Trung Quốc tung quân chiếm quần đảo Senkaku. Những sự cố này chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng cường sự hiện diện lực lượng quân sự của nhiều quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc và các quốc gia khác trên điểm nóng, hình thành nguy cơ xung đột “không chủ ý” hoặc va chạm quân sự, có thể bùng phát thành xung đột cường độ thấp.

Trong mọi tình huống tiềm năng, sự gia tăng sức mạnh quân sự trên các vùng nước tranh chấp sẽ đe dọa không đơn thuần chỉ là an ninh một vùng biển, nó có thể đe dọa tuyến đường vận tải huyết mạch qua Biển Đông, biển Hoa Đông, gây chấn động đến các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và năng động như ASEAN. Điều đó cũng có thể là nguyên nhân cho một cuộc khủng hoảng kinh tế - địa chính trị toàn cầu mới với hậu quả không lường trước được.

Xem bài:  Gia tăng sức mạnh hải quân, Trung Quốc “trả đũa” phán quyết Biển Đông

TTB