Cuộc diễn tập quân sự của nhóm 5 nước trong khối Hiệp ước Phòng thủ Ngũ Cường (Five Power Defence Arrangements FPDA) sẽ kéo dài cho đến ngày 19/10, và theo hãng tin Úc AAP sẽ diễn ra tại Biển Đông.
Vấn đề khiến giới quan sát chú ý là các nước như Úc, New Zealand, và cả Anh đã thông báo điều tàu chiến và máy bay đến tham gia diễn tập. Úc chẳng hạn, cho biết sẽ phái hai tàu Hải quân, 9 chiến đấu cơ F/A-18 Hornet, cùng 4 máy bay quân sự khác đến tham gia. New Zealand cũng góp mặt với khu trục hạm Te Mana. Trong khi đó, chiến hạm Anh Argyll trên đường đến cuộc tập trận, đã cùng luyện tập với chiến hạm Nhật Bản ngoài Ấn Độ Dương.
Dĩ nhiên là nội dung diễn tập của các quốc gia trên không liên can gì tới tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với 4 nước ASEAN quanh Biển Đông. Tuy nhiên cường độ xuất hiện dày đặc của chiến hạm ngoài khu vực trong vùng được cho là sẽ làm Trung Quốc bất an, trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận mình là chủ nhân (phi pháp) của hầu hết Biển Đông, và luôn luôn dọa nạt nước khác mỗi khi lên án tàu thuyền nước họ đi vào vùng mà Trung Quốc luôn tự nhận vơ là lãnh hải của mình.
Theo báo Hongkong South China Morning Post (SCMP) ngày 1/10, bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi cho Trung Quốc và “Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nhiều đối với các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông”, vì các cường quốc lớn ngoài vùng đang càng lúc càng tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Đi đầu tất nhiên vẫn là Mỹ, đã tăng cường các chiến dịch không quân và hải quân để thách thức yêu sách phi lý và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Ví dụ rõ nhất là chuyến tuần tra hôm 30/9 của khu trục hạm USS Decatur vào bên trong vùng 12 hải lý của đá Ga Ven và Gạc Ma.
Bên cạnh đó, Úc và nhất là Nhật Bản, đều tỏ bày tỏ mạnh mẽ thái độ ủng hộ việc thực thi quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Ngoài khu vực, phải kể đến các động thái của Pháp và mới đây là Anh.
Theo SCMP, nhiều chuyên gia phân tích nghĩ rằng trong bối cảnh Mỹ cứng rắn hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, các đồng minh, đối tác của Mỹ khó có thể đứng ngoài.
Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang tại Singapore nhận định: “Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông không phải là điều đáng chú ý duy nhất nữa. Người ta có thể thấy rằng các cường quốc khác cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đây”.
Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cho rằng chính thái độ quyết đoán hẳn lên của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền, được các đảo nhân tạo mới bồi đắp ở Biển Đông hỗ trợ, đã khiến Mỹ cứng rắn hơn. Ông Ngô nói: “Điều đó đã gây áp lực lên Mỹ, và Washington đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Anh, thậm chí là cả Úc, cùng tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông”.