Biển Đông: Ba biện pháp đáp trả hành động gây hấn đơn phương

VietTimes -- Một sự đáp trả hợp pháp của các nước khác có thể là cấm các tàu thuyền và máy bay Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng lãnh hải của mình tương tự như cách Trung Quốc đã làm. Thực tế, điều này sẽ là ngăn cản các thiết bị của Trung Quốc và buộc chúng phải rời đi, chuyên gia Mỹ đề xuất.

 

Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ vừa tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ vừa tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông

Quad Plus là cuộc đối thoại hàng năm do các chuyên gia từ bốn viện nghiên cứu lớn, bao gồm the Heritage Foundation (Mỹ), Vivekananda International Foundation (Ấn Độ), the Tokyo Foundation (Nhật Bản) và Australian Strategic Policy Institute (Australia) khởi xướng từ năm 2013. Mục tiêu của hội nghị này là thúc đẩy sự trao đổi giữa các chuyên gia về các vấn đề chiến lược giữa bốn nước, cùng với một số nước bổ sung (Plus countries).

Vừa qua, cuộc đối thoại Quad Plus lần thứ tư đã diễn ra tại Washington. Lần này, trong số các nước bổ sung có thêm thành viên mới là Singapore.

Các cuộc đối thoại diễn ra đúng vào thời điểm quan trọng, khi bốn nước Quad (nói đúng hơn là nhiều nước trên toàn cầu) đang phải đối mặt với một loạt các thách thức khó khăn. Chỉ trong vòng một năm kể từ hội nghị lần thứ ba diễn ra, thế giới đã chứng kiến xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến thông qua xung đột “vùng xám”.

Còn Trung Quốc tiếp tục củng cố các tiền đồn xây dựng phi pháp trên Biển Đông, không công nhận tính hợp pháp của phán quyết từ Tòa Trọng tài quốc tế phủ nhận căn cứ pháp lý của các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Và nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với sự biến trong các cuộc bầu cử trong nước, khiến các nước này xao nhãng khỏi các vấn đề toàn cầu.

Dù có những vấn đề và thách thức an ninh khác nhau nhưng các nước tham gia hội nghị lần này đều có chung hệ thống giá trị, do đó các chuyên gia dễ tìm được tiếng nói chung về các vấn đề chung. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để các bên cùng nỗ lực giải quyết các thách thức trên.

Các vấn đề an ninh và cân bằng chiến lược là những đề tài chính trong đối thoại Quad Plus. Mối quan ngại này chủ yếu đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và câu hỏi làm thế nào để đối phó và kiểm soát sự trỗi dậy này.

Một trong số những ý tưởng hay nhất được đưa ra trong cuộc họp lần này đến từ phía Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề trên Biển Đông do giáo sư James Kraska từ Đại học Hải chiến Mỹ đề xuất.

Ông đã đề xuất ba biện pháp đối phó với các hành vi đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có hai phương án khá quen thuộc: đó là hỗ trợ và tăng cường các hoạt động thực thi tự do hàng hải của Mỹ (FONOPS) và thúc đẩy cơ sở pháp lý đưa ra bởi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague đối với các tuyên bố sai trái của Trung Quốc.

Ông Kraska cũng cho rằng các nước khác cũng nên tiến hành FONOPS để củng cố luật biển quốc tế. Vì FONOPS tạo ra, hoặc ít nhất là giúp duy trì tài sản chung, gánh nặng này có thể được chia sẻ giữa các quốc gia được hưởng lợi từ nguồn tài sản này. Và FONOPS tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài cũng sẽ giúp củng cố luật pháp mà các bên đều đang tìm cách duy trì.

Các học giả đều rất hứng thú trước ý tưởng thứ ba của ông Kraska, đó là sử dụng các biện pháp đối phó hợp pháp. Các biện pháp đối phó là các hành động khiến nước nào can thiệp vào quyền lợi của nước khác sẽ phải trả giá, tuy nhiên vẫn không vi phạm luật pháp quốc tế.

Khu trục hạm USS Lassen của Mỹ từng tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông
Khu trục hạm USS Lassen của Mỹ từng tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông

Để được coi là hợp pháp, những hành động này phải hết sức cân xứng, không được làm hại bên thứ ba vô can, và cũng phải tuân theo các thông lệ quốc tế.

Theo Strategist, trên Biển Đông Trung Quốc đang hạn chế quyền của các nước khác được UNCLOS cho phép, đặc biệt là quyền qua lại vô hại trong vùng lãnh hải và qua lại không hạn chế trên vùng đặc quyền kinh tế. Lúc này, Trung Quốc vẫn hành động như vậy mà không phải chịu bất kỳ sự tổn thất nào ngoài những phản đối mang tính ngoại giao.

Một sự đáp trả hợp pháp của các nước khác có thể là cấm các tàu thuyền và máy bay Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng lãnh hải của mình tương tự như cách Trung Quốc đã làm. Thực tế, điều này sẽ là ngăn cản các thiết bị của Trung Quốc và buộc chúng phải rời đi.

Các chuyên gia hứng thú với ý tưởng này vì một số lý do. Thứ nhất, biện pháp này sẽ khiến tình hình trên Biển Đông sẽ trở nên cân bằng. Thứ hai, ý tưởng này sẽ không kích động căng thẳng trong khu vực mà các bên thứ ba tuyên bố chủ quyền. Nhưng lý do quan trọng nhất là cách tiếp cận này sẽ làm đảo ngược sự bất cân xứng lợi ích gây khó khăn cho tính toán chi phí- lợi ích của các hoạt động tự do hàng hải trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Theo Strategist, Trung Quốc đã tự coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và đã ngày càng cứng rắn trong việc bảo vệ lợi ích phi pháp này. Chủ nghĩa dân tộc ích kỷ trong xã hội Trung Quốc sẽ khiến chính phủ khó có thể nhượng bộ về Biển Đông hiện nay.

Các hoạt động tuần tra thực thi tự do hàng hải sẽ giúp làm giảm tính hợp pháp của bất kỳ tuyên bố phi pháp nào mà Trung Quốc đưa ra trên các vùng biển xung quanh các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép. Nhưng kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài, cả thế giới đều biết rằng những phán quyết pháp lý đối với Trung Quốc đều không có ý nghĩa lớn.

Khu trục hạm Mỹ USS Decatur cũng đã tuần tra thực thi tự do hàng hải trên Biển Đông
Khu trục hạm Mỹ USS Decatur cũng đã tuần tra thực thi tự do hàng hải trên Biển Đông

Strategist cho rằng sự thận trọng trong việc thực thi FONOPS phải được cân nhắc kỹ khi đáp trả Trung Quốc, và các nguy cơ leo thang căng thẳng sau đó. Có thể biện pháp FONOPS sẽ bị bỏ qua vì nhiều lý do về an toàn hoặc thận trọng, nhưng sự thoái lui đó sẽ hủy hoại nghiêm trọng các nỗ lực đối phó với tham vọng của Trung Quốc.

Nhiều người lo ngại biện pháp trên sẽ không áp dụng được khi tàu thuyền Trung Quốc thách thức trong các vùng biển của các nước khác. Sự bất cân xứng trong lợi ích sẽ bị đảo ngược, thậm chí là còn bị kháng cự. Và leo thang căng thẳng tiềm tàng sẽ phụ thuộc nhiều hơn ở các nước áp dụng biện pháp đối phó. Đó sẽ là lời khẳng định quyền lợi rõ ràng, nhưng lại ít nguy hiểm hơn là tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Các biện pháp đối phó hợp pháp không hạn chế các nước thành viên Quad áp dụng. Về nguyên tắc, đây là chiến lược mà bất kỳ nước nào cũng có thể thực thi. Nhưng các nước Quad lại theo đuổi chiến lược nâng cao năng lực các lực lượng hải quân và không quân hải quân. Đối với mỗi nước, đây sẽ là cách tốt để cảnh báo, còn khi các nước cùng thực hiện, cách làm này sẽ rất mạnh mẽ và hiệu quả.