Trong khi đó, Trung Quốc có thể cấm tàu ngầm nước ngoài đi vào vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, đó là bài nhận định được đăng ngày 21/2 trên trang thông tin news.com.au của Úc.
Báo Úc nhắc lại thông tin trên báo chí chính thức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang tiến hành sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải 1984. Dự luật sửa đổi, theo dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ năm 2020, cho phép hải quân Trung Quốc và lực lượng tuần duyên nước này được quyền ngăn chận những tàu nào bị xem là «vi phạm an toàn hàng hải» hoạt động trong các vùng biển được Bắc Kinh xem là "của Trung Quốc", kể cả vùng nội thủy và vùng đặc quyền kinh tế.
Điều đáng chú ý là dự luật này đặc biệt nhắm vào các tàu ngầm. Dù không nói gì đến Biển Đông, nhưng gần như chắc chắn là nó có liên quan đến sự kiện hải quân Trung Quốc tháng 12/2016 thu giữ một tàu ngầm không người lái của hải quân Mỹ ở Biển Đông và sau đó trả lại phía Mỹ.
Dự luật quy định các tàu ngầm của nước ngoài khi đi ngang qua vùng biển của Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước, treo quốc kỳ và thông báo cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc trước khi đi vào vùng biển này.
Luật sửa đổi cũng ghi rõ là nhà chức trách Trung Quốc có thể khoanh một số vùng đặc biệt và có thể cấm các tàu của ngoại quốc đi qua những vùng này dựa theo đánh giá của họ về mức độ an toàn giao thông hàng hải của những tàu đó. Chiểu theo luật mới, những tàu nào bị xem là vi phạm luật Trung Quốc sẽ bị đuổi ra khỏi cái gọi là "vùng biển của Trung Quốc".
Dự luật này được xem xét vào lúc Trung Quốc gần như đã hoàn tất việc các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông nhằm áp đặt chủ quyền phi pháp, vô lý ở vùng biển này.
Một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông, trực thuộc chính phủ Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh đang cố cải thiện việc quản lý an ninh hàng hải bằng cách đưa vào luật những chi tiết mới, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến cái gọi là «những mối đe dọa ngày càng tăng của việc nước ngoài giám sát quá chặt chẽ (vùng biển của Trung Quốc)».
News.com.au dẫn nguồn cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Asia Maritime Tranparency Initiative) vào tháng 12 vừa qua công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đặt thêm các khẩu đội súng phòng không và dàn tên lửa tại các đường băng và hải cảng trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Việc quân sự hóa các cơ sở này (trước đây Bắc Kinh khẳng định là được xây dựng chỉ nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải ) khiến giới quan sát lo ngại Trung Quốc chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Việc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không có nghĩa là mọi máy bay bay ngang qua không phận vùng này đều phải xin phép Bắc Kinh. Như vậy, Trung Quốc áp đặt sự kiểm soát của quốc gia lên một vùng biển cho tới nay quốc tế có thể được sử dụng.
Đầu tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực The Hague đã ra phán quyết bác bỏ cái gọi là «quyền lịch sử» mà Trung Quốc vẫn dùng để đòi chủ quyền ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông, thể hiện qua bản đồ cái gọi là «đường lưỡi bò».
Cho tới nay, Mỹ vẫn luôn khẳng định các vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc là những vùng biển quốc tế và đã thường xuyên có những hành động nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại vùng biển này. Kể từ tháng 10/2015 đến nay, các chiến hạm của hải quân Mỹ đã bốn lần đến sát các đảo do Trung Quốc chiếm giữ trái phép, bất chấp khẳng định chủ quyền vô lối của Bắc Kinh trên các đảo này.
Cũng nhằm khẳng định quyền của quốc tế được tự do lưu thông ở vùng này mà hải quân Mỹ trong tuần này đã điều cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson đến tuần tra ở Trường Sa. Cụm tàu này, mà gần như chắc chắn sẽ bao gồm cả tàu ngầm, theo dự kiến sẽ «trắc nghiệm» phản ứng của Bắc Kinh bằng cách đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh một hoặc nhiều đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc.
Đây là khoảng cách được luật pháp quốc tế công nhận là ranh giới vùng biển hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của một quốc gia. Hiện nay luật pháp quốc tế không công nhận các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp của Trung Quốc là lãnh thổ quốc gia của nước này, mặc dù Bắc Kinh vẫn khẳng định như thế. Bây giờ nếu Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, đây sẽ là một hành động khiến nguy cơ xung đột với Mỹ gia tăng.
Đợt tuần tra của cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson sẽ là đợt tuần tra đầu tiên của hải quân Mỹ ở Biển Đông kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Sau khi nghe thông tin về đợt tuần tra sắp tới của tàu Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh vẫn tôn trọng quyền tự do hàng hải chiểu theo luật quốc tế, nhưng yêu cầu Mỹ «không được có bất kỳ hành động nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".
Trung Quốc cho rằng luật An toàn Giao thông Hàng hải được sửa đổi dựa trên các quyền của Trung Quốc trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Nhưng trên thực tế dự luật trái với UNCLOS, vì công ước này bảo đảm quyền đi lại vô hại ( innocent passage ), cho phép tàu dân sự và quân sự được đi qua vùng lãnh hải các nước mà không bị ngăn chặn, trừ phi các tàu này có một số hoạt động không được phép.
Dự luật nói trên sẽ được áp dụng như thế nào là còn tùy thuộc vào việc Bắc Kinh diễn giải khái niệm của cái gọi là «vùng biển Trung Quốc» rộng đến đâu. Cho tới nay, thật sự Bắc Kinh vẫn chưa nói rõ toàn bộ vùng nằm trong "đường lưỡi bò», chiếm khoảng 85% diện tích Biển Đông, là thuộc chủ quyền Trung Quốc hay không.
Theo news.com.au, điều chắc chắn là Mỹ và các nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc sẽ không chấp nhận luật sửa đổi với những nội dung như trên. Nhất là đối với Washington, tự do hàng hải ở Biển Đông là tuyệt đối, dù là đối với tàu dân sự hay tàu quân sự, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố vào ngày 4/2 vừa qua.