Bị xe tăng, lính Mỹ rầm rập áp sát, Nga "lạnh gáy"?

120 xe tăng, xe bọc thép cùng 3.000 lính Mỹ đã được triển khai đến xung quanh biên giới Nga với mục đích rõ ràng là nhằm để đối phó với Nga. Động thái đầy thách thức và mang tính khiêu khích này của Washington chắc chắn sẽ khiến Moscow nổi giận.
Bị xe tăng, lính Mỹ rầm rập áp sát, Nga "lạnh gáy"?

Mỹ hôm qua (9/3) đã đưa 120 phương tiện, thiết bị vũ khí vào các nước Baltic là thành viên của NATO với mục đích được tuyên bố là nhằm để cung cấp cho các đồng minh dễ bị tổn thương của họ năng lực đối phó, ngăn chặn với các mối đe dọa tiềm năng từ Nga.  

Việc triển khai vũ khí rầm rộ nói trên là để “thể hiện sự kiên quyết trước Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga rằng chúng tôi có thể hợp tác, phối hợp cùng nhau”, Thiếu tướng John R. O'Connor của Mỹ đã nói như vậy khi ông này đứng giám sát hoạt động đưa vũ khí vào cảng Riga.  

Những vũ khí được triển khai đến các nước Baltic bao gồm xe tăng Abrams, phương tiện chiến đấu Bradley, Scout Humvees cũng như thiết bị hỗ trợ. Theo ông O'Connor, các phương tiện bọc thép sẽ được triển khai “đủ lâu đến chừng nào còn cần để ngăn chặn sự xâm lược của Nga”.  

3 nước Baltic cựu Xô viết gồm Estonia, Latvia và Lithuania hiện đều đã là thành viên của NATO và Liên minh Châu Âu (EU). Các nước này có rất ít vũ khí của riêng mình.  

Cùng với việc triển khai các phương tiện bọc thép, Mỹ cũng bắt đầu tung 3.000 quân đến các nước Baltic để tham gia vào một cuộc tập trận quân sự kéo dài đến 3 tháng. Cuộc tập trận là nhằm để trấn an các nước láng giềng đang lo ngại về Nga ở Baltic, giới chức quân sự Mỹ hôm qua đã tuyên bố như vậy.  

Cuộc tập trận mang tên Operation Atlantic Resolve sẽ chứng kiến các lực lượng lớn của NATO phối hợp với các đồng minh của họ ở Latvia, Lithuania và Estonia.  

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc – Đại tá Steven Warren cho hay, các phương tiện, trực thăng và vũ khí hạng nặng đã bắt đầu được đưa vào thủ đô Riga của Latvia và rằng cuộc tập trận sẽ kéo dài trong 90 ngày. Ông Warren cũng cho biết thêm, đơn vị được triển khai đến các nước Baltic là một lực lượng chiến đấu với khoảng 3.000 binh lính ở tuyến đầu.  

Theo nguồn tin giấu tên từ phía Mỹ, các phương tiện chiến đấu và vũ khí sẽ được để lại khu vực sau khi binh lính kết thúc cuộc tập trận và rút đi.  

Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine.

Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.  

"Những gì chúng tôi đang thể hiện là một mặt trận thống nhất từ bắc đến nam”, Thiếu tướng O'Connor của Mỹ tuyên bố.  

Trong khi đó, Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite hồi tuần trước lên tiếng cảnh báo rằng, các nước Baltic phải sẵn sàng tự mình đáp trả và đẩy lùi bất kỳ cuộc xâm lược nào  “trong vòng ít nhất 72 giờ” trước khi quân đồng minh NATO đến giúp.  

Những động thái trên của Mỹ và NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Ngoài ra, việc Moscow tăng cường các chuyến bay quân sự trên bầu trời Châu Âu được cho là một hành động đáp trả. 

Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng. Nga tin rằng, Mỹ cùng NATO đang dựa vào cái cớ là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là cái được gọi là “mối đe dọa” từ Nga để tăng cường sự hiện diện quân sự ở mức độ chưa từng có trong các khu vực xung quanh Nga.

Moscow tố cáo NATO bội ước khi không thực hiện đúng thỏa thuận được ký kết giữa Nga và NATO năm 1997. Theo đó, NATO cam kết không đưa quân đến triển khai ở các nước Baltic, gây ra mối đe dọa an ninh đối với Nga.

Những cuộc triển khai quân, vũ khí rầm rộ cùng hàng loạt các cuộc tập trận quy mô lớn, bắn đạn thật của NATO ở sát biên giới Nga trong thời gian vừa qua đã khiến Moscow không thể không cảm thấy bất an.
Vì thế, không có gì là lạ khi Nga hồi cuối năm ngoái đã công khai xác định NATO là mối đe dọa quân sự số 1 của quốc gia này đồng thời tuyên bố sẽ nâng cao khả năng sử dụng vũ khí thông thường chính xác ở quy mô rộng hơn để ngăn chặn sự gây hấn, xâm lược của thế lực nước ngoài. Đây là hai trong số những nội dung chính trong học thuyết quân sự mới của Nga được Tổng thống Vladimir Putin ký kết hôm 26/12.  

Học thuyết quân sự mới nhất của Nga tuyên bố việc NATO củng cố sức mạnh quân sự và bành trường các cơ sở quân sự đến biên giới của Nga là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh nước Nga. Học thuyết cũng nhấn mạnh việc các lực lượng quân sự nước ngoài được triển khai ở những nước láng giềng của Nga được sử dụng để “gây áp lực về chính trị và quân sự” đối với Moscow.

Theo: VnMedia