Bi hài quanh chiếc khẩu trang ở Mỹ giữa thời đại dịch Covid-19

VietTimes –Tiến sĩ Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ chia sẻ những quan sát và góc nhìn thú vị về cuộc chiến bi hài quanh vấn đề đeo khẩu trang hay không đeo khẩu trang thời đại dịch Covid-19.
 Người đeo khẩu trang che nửa khuôn mặt. Ảnh: WSJ.
Người đeo khẩu trang che nửa khuôn mặt. Ảnh: WSJ.

Tôi rất không may bị mắc kẹt lại Mỹ từ ngày 3/3 đến giờ và vẫn loay hoay không thể về với gia đình ở Việt Nam vì đại dịch Covid-19.

Trên chuyến bay trở lại nước Mỹ, ngay khi đặt chân đến New York tôi đã sốc bởi ngoài tôi ra, không một ai đeo khẩu trang, kể cả những kẻ móc túi chuyên nghiệp, cả những tên cướp đang trà trộn đâu đây, hoặc cả những kẻ biến thái rình rập trên các con phố.

Vốn đã thấm nhuần văn hóa đeo khẩu trang ở Việt Nam, ngay lập tức cơ thể tôi căng cứng với nỗi lo lắng: Liệu chiếc khẩu trang trên mặt tôi lúc này có đang biến tôi thành “kẻ lạc loài” nơi đất mẹ?

Những người đồng bào đi lướt qua tôi, nhân viên các cửa hiệu nơi tôi đến mua hàng và cả hàng xóm nhà tôi đều băn khoăn liệu có phải tôi đơn giản là “kẻ chết nhát” bởi đối với họ việc đeo khẩu trang là chỉ dấu của sự yếu đuối, ẻo lả.

Có người khi trông thấy tôi đeo khẩu trang thì không nén được cảm xúc liền giơ cả hai tay lên – hành động này trong những bộ phim cao bồi miền Tây chính là “giơ hai tay lên trời” khi gặp cướp và hét: Đừng bắn, tiền của tôi đó, cầm hết lấy đi và làm ơn tha cho tôi!!!

Lại còn những người khác thì cho rằng chắc tôi đang mắc một căn bệnh kinh niên và siêu lây nhiễm nào đó, và họ làm dấu tay chữ thập, đúng kiểu để xua tà đuổi ma trong các phim kinh dị rồi rảo bước tránh xa.

Thoạt đầu, người dân Mỹ được nghe một “giai điệu bất hủ” từ các chuyên gia y tế, trong đó có cả Tổng Y sỹ Hoa Kỳ, ông Jerome Adams, rằng không cần phải đeo khẩu trang. Trả lời câu hỏi về việc này trong một buổi phát sóng toàn quốc trên truyền hình, ông Adams nói: “Thôi nào, thực tế lên đi mọi người. Làm ơn bỏ cái khẩu trang ra đi!”.

Đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng xấu và lúc này người ta mới biết rằng chỉ đạo của chính phủ về việc không cần đeo khẩu trang chủ yếu vì lý do thiếu khẩu trang trầm trọng chứ chả vì khoa học hay sự thông thái nào hết.

Chính sách của chính phủ Mỹ là khẩu trang phải được ưu tiên hàng đầu cho đội ngũ nhân sự đang làm việc ở tuyến đầu để họ có thể cứu những người dân nhiễm bệnh vì không có khẩu trang.

Lập tức nhiều người thắc mắc liệu có phải sẽ hợp lý hơn nếu trang bị cho người dân khẩu trang để họ khỏi bị nhiễm bệnh và đỡ cho tuyến đầu khỏi vất vả. Quả là một điều trớ trêu không ai giải thích được thấu đáo.

May mắn thay, đã có Tổng Y sỹ Hoa Kỳ ra tay cứu giúp. Trong một chương trình truyền hình toàn quốc sau đó, ông Adams hướng dẫn người dân tự làm khẩu trang cá nhân. Với lý do thực tế là hầu hết các gia đình Mỹ không còn dùng máy khâu tại nhà, thậm chí nhiều nhà còn chẳng có sẵn kim chỉ, ông Adams đã rất khéo léo làm một chiếc khẩu trang mẫu mà không cần phải may vá kim chỉ gì hết.

Nhìn vậy có lẽ bất kỳ một người Việt Nam nào với đức tính tỉ mỉ và bàn tay tinh xảo không thể không băn khoăn về việc làm sao mà chiếc khẩu trang của ông Adams có thể sống sót được qua các cơn bão lốc nhiệt đới – nhưng tất nhiên, chả ai hơi đâu mà bình luận.

Tổng Y sỹ Hoa Kỳ đang tạo chiếc khẩu trang. Ảnh: CDC Hoa Kỳ.
Tổng Y sỹ Hoa Kỳ đang tạo chiếc khẩu trang. Ảnh: CDC Hoa Kỳ.

Rồi ngay sau đó, vì lợi ích quốc gia, gần như tất cả người dân Mỹ, từ trẻ em đến sinh viên đại học, rồi các câu lạc bộ may thêu của phụ nữ đồng loạt ra quân làm khẩu trang không chỉ để dùng mà còn để gửi tặng các bệnh nhân nhiễm virus và tất nhiên để ủng hộ đội ngũ nhân viên sơ cấp cứu.

Nước Mỹ lúc này như con tàu lớn giữa biển khẩu trang – khẩu trang nhiều đến mức nhiều người dân của nước khác còn tự hào khoe nhau những chiếc khẩu trang “xịn” đang đeo được làm tại Mỹ.

Hầu như chẳng ai nhận ra một điều là trên khẩu trang còn có các dòng chữ: “không dùng khi xảy ra đại dịch, trong điều kiện thời tiết xấu hoặc khi đi xe máy”; “cần lắp ghép trước khi dùng”; “nhà sản xuất không chịu trách nhiệm pháp lý về việc nhiễm bệnh khi đeo khẩu trang này”.

Ở Mỹ, chuyện kiện tụng nhau xảy ra như cơm bữa.

Khẩu trang dư thừa, và chính phủ quyết định vậy thì người dân phải đeo. Thế là thông điệp mới được đưa ra: Người dân cần đeo khẩu trang. Dân không chịu.

Điều này cũng dễ hiểu thôi: lãnh đạo cả ở cấp liên bang và tiểu bang đều không đeo khẩu trang. Mà người dân Mỹ thì vốn đã luôn thắc mắc liệu họ có bắt buộc phải làm tất cả những gì chính phủ yêu cầu không.

Ông Trump không đeo khẩu trang. Ảnh: AFP.
Ông Trump không đeo khẩu trang. Ảnh: AFP.

Sau đó, chính quyền liên bang và các tiểu bang bắt đầu yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang với các chế tài cụ thể là các khoản phạt tiền lớn và cả án tù.

Lúc đầu, lệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang không có kết quả tốt lắm. Những người dân Mỹ chưa từng đeo khẩu trang trong đời bao giờ đã rất lúng túng và không biết làm thế nào cho đúng: người thì đeo ngược mặt trong ra ngoài, người thì lộn trên xuống dưới, người lại đeo mà không cài vào sau tai.

Cũng giống như trong bất kỳ thảm họa nào, sự thiếu hụt khẩu trang trên thị trường  trở thành cơ hội cho những kẻ làm ăn phi đạo đức đầu cơ tích trữ và bán ra với giá cắt cổ. Ngay đầu dịch, một số kẻ bất lương đã tích trữ 500,000 khẩu trang.

Số khẩu trang được đầu cơ này trở thành một loại tiền tệ không chính thức, cạnh tranh với những cuộn giấy vệ sinh ở “chợ đen” vốn đang là một loại tiền tệ được nhiều người lựa chọn.

Đầu cơ tích trữ là phạm pháp, nên chính phủ bắt đầu truy tố những kẻ vi phạm. Khắp các ngóc ngách của nước Mỹ, các biển quảng cáo lập tức được dựng lên: “Ai muốn nhận khẩu trang miễn phí?” – nhưng tất nhiên viêc truy tố đã khiến giá khẩu trang trở nên đắt đỏ hơn nhiều bởi nguồn cung hạn hẹp. Làm kinh tế thành công đâu phải chuyện dễ dàng!

Luật về đeo khẩu trang được đưa ra cũng là lúc ra đời các “đội tự quản” – luôn để mắt trông chừng, buộc tất cả mọi người phải có trách nhiệm, khiến những người không đeo khẩu trang bị xấu hổ và bẽ mặt với lựa chọn: hoặc đeo khẩu trang hoặc sẽ bị “buộc phải đi chỗ khác”.

Ở một số quốc gia, như Iran, các đội tự quản chính là các cảnh sát tôn giáo - họ đi xe máy lùng sục mọi ngõ ngách và đánh người vi phạm bằng roi.

Người Mỹ thì thích duy trì mối quan hệ hàng xóm hữu hảo hơn là đối đầu với những người sống quanh mình. Trách phạt tự quản là dịp để trả đũa những người hàng xóm nhìn vô tội mà đầy tội lỗi.

Một số chính quyền địa phương, bất bình với “hành vi” của những người không tuân thủ quy định đeo khẩu trang, đã thiết lập “các đường dây nóng” để những người dân “bất bình” có thể tố giác các trường hợp hàng xóm vi phạm. Tất nhiên là tố giác ẩn danh.

Ở Mỹ, việc tố giác ai đó lên chính quyền chỉ làm nảy sinh rắc rối. Mà người chịu trận chả ai khác ngoài chính quyền. Tại thành phố New York, đường dây nóng của chính quyền thành phố đã bị sập bởi lượng tin nhắn khiêu dâm khổng lồ được gửi đến.

Người Mỹ đã quá quen với việc là ngay khi một vấn đề nào đó được người dân thông suốt thì kiểu gì cũng có vài chuyên gia từ đâu đó xuất hiện để làm hỏng cuộc vui - trong trường hợp này là bác sỹ Russel Blayblock.

Trong một bài viết ở mục Ý kiến, ông Blayblock viết: “khẩu trang gây ra nhiều rủi ro cho người khỏe mạnh!”. Hừm, muộn còn hơn không đây!

Kết quả là, những người theo chủ nghĩa tự do/cấp tiến/xã hội chủ nghĩa kết luận rằng những người không tuân thủ quy định đeo khẩu trang, những người không đeo khẩu trang chỉ có thể là người theo chủ nghĩa bảo thủ/tự do cá nhân/đấu tranh cho tự do/ái quốc và tất nhiên cả các chuyên gia về đại dịch như bác sỹ Deborah Birx và bác sỹ Tony Fauci.

Điều này, dĩ nhiên, dẫn đến thực tế là: phe cánh tả thì đeo khẩu trang còn phe cánh hữu thì mang vũ khí. Các nhà phê bình thì vẫn tiếp tục nói rằng đại dịch không chừa một ai, nhưng nước Mỹ nhất định phải là ngoại lệ.

Biểu tình ở Michigan. Ảnh: Getty.
Biểu tình ở Michigan. Ảnh: Getty.

Đã ba tháng trôi qua, đại dịch vẫn đang tiếp diễn, “nghi thức khẩu trang” lại một lần nữa thay đổi.

Các fashionista (những người sành điệu), các chuyên gia sáng tạo, và các doanh nhân khởi nghiệp đã khiến việc đeo khẩu trang trở thành một trào lưu thời trang, ít nhất là như vậy khi việc đó chẳng giúp loại trừ được đại dịch.

Giờ đây, người dân Mỹ dùng khẩu trang để thể hiện tín ngưỡng cá nhân, khuynh hướng chính trị và gu thời trang.

Người Việt đeo khẩu trang đi xe máy. Ảnh:
Người Việt đeo khẩu trang đi xe máy. Ảnh: 

Rất có thể, khi bước ra đường phố người ta sẽ thấy một nước Mỹ giống như đang “tích hợp” văn hóa khẩu trang của các quốc gia châu Á, ít nhất là trong một thời gian ngắn.

Vậy là cuối cùng thì chủ nghĩa toàn cầu hóa đã thực sự có mặt ở đây.

Nhưng đến lúc nào thì cơn điên rồ mang tên khẩu trang sẽ kết thúc và lúc đó người Mỹ sẽ làm gì với những chiếc khẩu trang quái quỷ này?

Có gì đâu: đóng gói thành các thùng hàng viện trợ nước ngoài và chuyển sang Trung Quốc (?!)./.