Bị Hải quan Mỹ bắt giữ các sản phẩm silicon, hãng Longji Trung Quốc mất 50 tỉ NDT trong một ngày

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Giá trị thị trường mất gần 50 tỷ NDT trong một ngày”, sản phẩm của công ty quang điện khổng lồ China Longji bị Hải quan Mỹ bắt giữ khiến cổ phiếu của hãng này lao dốc và gây rúng động dư luận ở Trung Quốc.
Hải quan Mỹ đã bắt giữ số lượng lớn sản phẩm tấm polysilicon của Công ty Longji Trung Quốc khiến giá trị thị trường của công ty này bốc hơi mạnh (Ảnh: Bloomberg).
Hải quan Mỹ đã bắt giữ số lượng lớn sản phẩm tấm polysilicon của Công ty Longji Trung Quốc khiến giá trị thị trường của công ty này bốc hơi mạnh (Ảnh: Bloomberg).

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), các sản phẩm quang điện của hãng Longji (Long Cơ) bị Mỹ bắt giữ vì cho rằng nó chứa polysilicon được sản xuất ở Tân Cương. Tuy nhiên, Longji nói rằng lệnh tạm giữ chưa gây ra ảnh hưởng bất lợi lớn trong thời điểm hiện tại; họ cũng có thể chứng minh rằng “vật liệu silicon được sử dụng trong các sản phẩm bị bắt giữ phù hợp các yêu cầu quy định của chính phủ Mỹ”.

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 3/11 đưa tin, trong bối cảnh Chính phủ Mỹ kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm có nguồn gốc từ Tân Cương, Trung Quốc, các sản phẩm của China Longji (China’s Longi Green Energy Technology Co) - nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đã bị Hải quan Mỹ bắt giữ.

Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông nêu trong bản tin, các sản phẩm quang điện của Longji được cho là có chứa polysilicon được sản xuất ở Tân Cương, trong khi Washington cho rằng các vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Tân Cương.

Điện Mặt trời hiện là nguồn năng lượng quan trọng của Mỹ (Ảnh: Getty).

Điện Mặt trời hiện là nguồn năng lượng quan trọng của Mỹ (Ảnh: Getty).

Cũng bị thu giữ là các sản phẩm của China JinkoSolar, Canadian Solar và Trina Solar. Bloomberg đưa tin, các công ty này đều liên kết với Công ty Công nghiệp Silicon Hoshine (Hoshine Silicon Industry) có trụ sở tại Tân Cương, chuyên sản xuất sản phẩm silicon luyện kim được sử dụng trong các tấm pin mặt trời.

Kể từ tháng 6 năm nay, Mỹ đã cấm nhập khẩu một số sản phẩm quang điện được sản xuất ở Tân Cương với lý do liên quan đến nạn lao động cưỡng bức; trong đó bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm làm từ silicon do Công ty Hoshine sản xuất và các mặt hàng có sử dụng các sản phẩm này. Phía Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc về có nạn lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 4/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích Mỹ nói có lao động cưỡng bức ở Tân Cương là "hoàn toàn dối trá" và tuyên bố rằng Mỹ "thu giữ một cách vô lý các sản phẩm năng lượng mặt trời của các công ty Trung Quốc" và Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Vào ngày 3 tháng 11, cổ phiếu của Longji ở mức thấp khi mở cửa và ngày càng đi xuống, giảm mạnh trong phiên giao dịch trong ngày, có lúc giảm hơn 9%. Tính đến khi đóng cửa cuối ngày, cổ phiếu Longji giảm 8,98% và giá trị thị trường bốc hơi tới 48,6 tỷ Nhân dân tệ. Thông tin về các sản phẩm của Longji bị bắt giữ tại biên giới Mỹ rõ ràng đã khiến thị trường vốn của hãng trở nên căng thẳng.

Tuy nhiên, theo South China Morning Post, các nhà phân tích dường như không quá lo lắng về ảnh hưởng của vụ việc đối với các lô hàng trên toàn cầu của Longji. Ông Tề Hải Thâm (Qi Haishen), Chủ tịch công ty năng lượng mới THE Solar của Bắc Kinh, nói rằng vụ việc sẽ không có ảnh hưởng quá lớn, bởi vì Mỹ rất khó có thể hoàn toàn áp chế các công ty quang điện của Trung Quốc. “Các công ty nội địa của Mỹ năng lực sản xuất các tấm polysilicon rất nhỏ, các sản phẩm quang điện của Mỹ rất khó để không sử dụng nguyên liệu thô hoặc công nghệ của Trung Quốc".

Tề Hải Thâm cũng nói rằng các công ty quang điện của Trung Quốc cũng có năng lực sản xuất số lượng lớn polysilicon ở Nội Mông, Ninh Hạ, Tứ Xuyên và các khu vực khác, không hoàn toàn dựa vào Tân Cương, nên cũng có thể tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ trong tương lai.

Trong một thông báo giải thích được đưa ra để trả lời các thông tin của các cơ quan truyền thông, China Longji nói rằng việc Hải quan Mỹ tạm giữ các sản phẩm tạm thời không gây nên ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến hoạt động kinh doanh của họ. Các lô hàng bị bắt giữ chỉ chiếm khoảng 1,59% doanh số xuất khẩu năm 2020 của công ty đến Mỹ. “Hiện tại, các chuyến hàng của công ty sang thị trường Mỹ vẫn tiến hành bình thường để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của khách hàng Mỹ”.

Công ty có trụ sở chính tại Tây An này cũng tuyên bố rằng họ đã thiết lập các biện pháp quản lý truy xuất nguồn gốc và quy trình sản xuất đối với các sản phẩm liên quan, đồng thời có thể cung cấp bằng chứng có thể truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm "để chứng minh rằng nguyên liệu silicon được sử dụng trong các sản phẩm bị Hải quan Mỹ tạm giữ phù hợp với yêu cầu giám quản của chính phủ Mỹ".

Phần lớn các tấm pin năng lượng mặt trời ở Mỹ đều có thành phần nhập từ Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Phần lớn các tấm pin năng lượng mặt trời ở Mỹ đều có thành phần nhập từ Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Trong thông báo làm rõ, Longji cũng chỉ ra rằng theo dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc, các cơ sở lắp đặt quang điện mới trong năm 2020 ở Mỹ chiếm 14,8% tổng công suất lắp đặt toàn cầu. Khu vực bán hàng của Longji được phân bổ trên toàn cầu và sẽ không phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ.

Thông báo của Longi đã được các cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng tải rộng rãi.

Polysilicon là một trong những nguyên liệu chính cho các sản phẩm điện năng lượng mặt trời. Theo các cơ quan truyền thông Trung Quốc trích dẫn dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc, sản xuất polysilicon của Trung Quốc đã đứng đầu thế giới kể từ năm 2011. Vào năm 2020, sản lượng polysilicon của Trung Quốc chiếm tới 76% sản lượng toàn cầu; có tới 7 trong số 10 công ty sản xuất polysilicon hàng đầu thế giới là của Trung Quốc.