Đó là tình trạng của một bệnh nhân đang điều trị tại Viện Sức khoẻ Tâm thần (SKTT) Bệnh viện Bạch Mai, được BSCKII. Vương Đình Thuỷ – Phòng Rối loạn loạn thần và y học tự sát Viện SKTT - chia sẻ tại hội thảo về bệnh hoang tưởng, một chứng rối loạn tâm thần hiếm gặp, diễn ra vào chiều nay, 22/4.
Hoang tưởng biến gia đình thành “địa ngục”
Nữ bệnh nhân 48 tuổi có 3 con, kinh tế khá giả, nhập viện với triệu chứng ám ảnh rằng chồng ngoại tình, dù đã được mọi người đã giải thích, chứng minh. Chị kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt của chồng, liên tục theo dõi tin nhắn điện thoại và mạng xã hội của chồng vì nghi ngờ chồng. Thấy chồng có nhiều tin nhắn công việc với kế toán của công ty, chị lại càng nghi hơn. Mỗi lần chồng đi công việc, chị bắt chồng chụp ảnh để kiểm tra.
Nữ bệnh nhân còn lên tận công ty nơi chồng làm giám đốc để ghen tuông, doạ chết, doạ giết cả nhà, khiến gia đình chị sống căng thẳng suốt 2 năm qua. Khi các biểu hiện tăng dần, gia đình đã cưỡng chế chị đến Viện SKTT để khám.
Tại đây, các bác sĩ xác định chị bị rối loạn hoang tưởng dai dẳng và điều trị phối hợp các thuốc chống loạn thần với liệu pháp tâm lý cá nhân, gia đình. Sau 28 ngày, tâm lý bệnh nhân ổn hơn, không còn ý nghĩ kiểm soát chồng như trước.
“Các bệnh nhân hoang tưởng thường không tự biết mình bị bệnh, mà khi đã nặng thì việc đưa bệnh nhân đi khám rất khó. Cho nên, nếu nhờ những người thân thuyết phục không được phải cưỡng chế đi bệnh viện. Khi điều trị, hoang tưởng giảm thì bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn cụ thể hơn”, BS. Thuỷ lưu ý.
BSCKII. Ngô Văn Tuất – Trưởng phòng Rối loạn loạn thần và y học tự sát - thông tin thêm, trong số các bệnh nhân điều trị ở Viện SKTT, còn có người ghen quá đã bỏ việc để theo dõi chồng, thậm chí tấn công người mà họ cho rằng có quan hệ với chồng mình. Những bệnh nhân này nếu không được phát hiện và điều trị sớm, sẽ rất nguy hiểm.
5 dạng bệnh hoang tưởng thường thấy
Theo ThS. Nguyễn Thị Hoa – Phòng Rối loạn loạn thần và y học tự sát - có 5 loại bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng: Hoang được tưởng được yêu, tự cao, ghen tuông, bị hại…
Hoang tưởng được yêu: Bệnh nhân luôn tin rằng có người khác đang yêu họ nên thường cố gắng gọi điện, nhắn tin, liên lạc, khiến người kia bị thấy phiền, thậm chí, vi phạm quyền riêng tư của họ. Loại hoang tưởng này thường gặp ở sau tuổi 40 và nữ nhiều hơn nam.
BSCKII. Ngô Văn Tuất ví dụ về trường hợp một bác sĩ có chồng, 2 con, hoang tưởng được yêu một chuyên gia người Pháp, cho rằng bị mọi người ngăn cấm, nên bỏ việc vào nam theo vị chuyên gia.
“Tất cả các chứng hoang tưởng đều điều trị không dễ dàng, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người xung quanh, gia đình...Trong đó, mối quan hệ gia đình rất quan trọng”, BS. Tuất lưu ý.
Hoang tưởng tự cao: Lúc nào bệnh nhân cũng nghĩ rằng họ có tài năng lớn nào đó, hoặc đã có những nghiên cứu, khám phá quan trọng.
Hoang tưởng ghen tuông: Bệnh nhân luôn bị ám ảnh việc vợ/chồng hoặc người yêu mình không chung thủy, mà những bằng chứng của họ rất mơ hồ như thấy chồng quần áo xộc xệch, có vết bẩn trên ga giường. Ghen tuông dễ dẫn đến việc tấn công bằng bạo lực rất nguy hiểm.
Theo BSCKII. Ngô Văn Tuất, hoang tưởng ghen tuông thường gặp ở đàn ông nghiện rượu.
Hoang tưởng bị hại: Bệnh nhân thường tin họ đang bị người khác theo dõi, đầu độc. Bệnh nhân bị hoang tưởng rằng cơ thể luôn cảm thấy bị nhiễm côn trùng hoặc ký sinh trùng, rằng cơ thể mình có mùi hôi thối và các bộ phận của cơ thể không hoạt động, bị biến dạng hoặc xấu xí.
Ngoài ra còn có một số hội chứng đặc trưng về rối loạn hoang tưởng khác, như tin rằng một người quen đã bị thay thế bằng một kẻ mạo danh giống hệt; một người quen được cải trang thành người khác; tin rằng họ đã mất hết tài sản, địa vị, toàn bộ con người bao gồm cả nội tạng, hoang tưởng kiện cáo…
“Những điều này thường là dấu hiệu báo trước của giai đoạn trầm cảm hay bệnh tâm thần phân liệt”, BS. Nguyễn Thị Hoa nhấn mạnh.
Bệnh hoang tưởng dai dẳng ở nam giới chỉ bằng 2/3 so với nữ. Trong khi hoang tưởng bị hại, hoang tưởng ghen tuông phổ biến ở nam giới, thì hoang tưởng được yêu, hoang tưởng tự cao lại xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn.
Đặc biệt, BS. Hoa nhấn mạnh: Có tới 20% người mắc rối loạn hoang tưởng dai dẳng tiến triển thành tâm thần phân liệt. Di truyền, stress, sang chấn thời thơ ấu, lòng tự trọng thấp, sử dụng các chất gây nghiện là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh hoang tưởng. Gia đình có bố mẹ, anh chị em bị hoang tưởng, con cái có nguy cơ mắc rối loạn hoang tưởng cao hơn đáng kể so với tỷ lệ mắc chung.
Cách nhận biết bị mắc hoang tưởng
Theo bác sĩ, từ giai đoạn đầu tuổi trưởng thành, những người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng có biểu hiện mất lòng tin và nghi ngờ người khác cũng như động cơ của họ, với các triệu chứng:
Cảm thấy bị lợi dụng.
Bận tâm đến sự trung thành hoặc đáng tin cậy của bạn bè.
Gán ý nghĩa mang tính chất đe dọa với các sự kiện đời thường.
Sẵn sàng phản ứng với những điều nhỏ nhặt được nhận thấy.
Có những hành vi không rõ ràng là kỳ quái hay kỳ quặc.
Đặc biệt, những người mắc chứng rối loạn hoang tưởng có xu hướng hoạt động tương đối tốt, trừ khi hoang tưởng của họ gây ra vấn đề, như trong hôn nhân nếu họ tin tưởng sai lầm rằng vợ/chồng mình không chung thủy.
Tuy nhiên, để nhận biết đúng bệnh hoang tưởng cần có thời gian xuất hiện kéo dài từ 3 tháng trở lên.
Cũng theo BS.Hoa, những người mắc chứng rối loạn hoang tưởng thường mắc các rối loạn kèm theo như lo âu. Các hoang tưởng như tự cao, bị hại thường xảy ra đồng thời ở những cá nhân hay lo lắng.
Hiện nay không có biện pháp dự phòng hoang tưởng, nhưng việc phát hiện và điều trị sớm giúp làm giảm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, gia đình và các mối quan hệ bạn bè.
TS. tâm lý Trịnh Thanh Hương lưu ý các liệu pháp tâm lý, nhất là tâm lý gia đình, đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh hoang tưởng.