Belarus bị tố “cướp máy bay” khi chặn chuyến bay của Ryanair

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Belarus hôm Chủ nhật (23/5) vừa qua đã buộc một chuyến bay của hãng Ryanair chở một nhà hoạt động đối lập phải hạ cánh ở Lithuania, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ các lãnh đạo thế giới.
Nhà báo Roman Protasevich bị cảnh sát bắt giữ trong một cuộc tuần hành ở Minsk năm 2017 (Ảnh: EPA)
Nhà báo Roman Protasevich bị cảnh sát bắt giữ trong một cuộc tuần hành ở Minsk năm 2017 (Ảnh: EPA)

Nhiều nhà lãnh đạo đã lên án hành động của Belarus, gọi đây là “cướp máy bay” và là “hành động khủng bố nhà nước”.

Kênh truyền hình nhà nước Belarus đưa tin rằng, Roman Protasevich, một nhà báo 26 tuổi lưu vong ở Ba Lan, đã bị bắt giữ ở thủ đô Minsk sau khi chuyến bay mang số hiệu FR4978 bị chuyển hướng khỏi lịch trình ban đầu là Athens-Vilnius, do vấn đề an ninh.

Cuối cùng máy bay này vẫn hạ cánh ở Vilnius, dù bị trễ vài giờ so với lịch trình – tuy nhiên trên chuyến bay lúc này lại không có Protasevich. Nhiều hành khách kể lại rằng họ trông thấy nhà hoạt động này tỏ vẻ sợ hãi khi chuyến bay bị chuyển hướng tới Belarus.

“Anh ta quay sang nói với mọi người rằng mình sắp phải đối mặt với án tử” – Monika Simkiene, một công dân Lithuania 40 tuổi, kể lại.

Edvinas Dimsa, một hành khách 37 tuổi, nói: “Anh ta không la hét, nhưng rõ ràng là rất sợ hãi. Như thể nếu như cửa sổ máy bay mở ra, anh ta sẽ nhảy ngay ra ngoài vậy”.

Sau khi vụ việc xảy ra, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ thảo luận về việc thắt chặt thêm các lệnh trừng phạt sẵn có đối với Belarus – vốn đã được áp đặt sau khi xảy ra vụ đàn áp do chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko thực hiện với những người biểu tình phe đối lập – trong hôm đầu tuần này.

“Hành vi phi pháp và xúc phạm này của chính quyền Belarus sẽ đối mặt với nhiều hậu quả” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên Twitter, kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Protasevich, và thêm rằng những người đứng đằng sau vụ việc “cần bị trừng phạt”.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã gọi hành động của Belarus là hành động "khủng bố nhà nước", trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi một “hành động phản ứng chung mạnh mẽ” từ EU. Lithuania và Latvia kêu gọi các chuyến bay quốc tế không sử dụng không phận của Belarus nữa.

Trong khi đó, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nói rằng, hành động ép buộc máy bay hạ cánh “có thể cấu thành hành động đi ngược lại Công ước Chicago” vốn bảo vệ chủ quyền không phận của các quốc gia.

Sân bay của Minsk, Belarus trước đó đã đưa ra một tuyên bố nói rằng chuyến bay trên đã phải hạ cánh khẩn cấp do vấn đề an ninh – cụ thể là lo sợ có bom trên máy bay.

“Chiếc máy bay đã được kiểm tra, không có trái bom nào được phát hiện và tất cả hành khách đều được kiểm tra an ninh” – Nexta, một kênh của phe đối lập ở Belarus trên ứng dụng nhắn tin Telegram, nói.

Máy bay của Ryanair được kiểm tra an ninh tại sân bay quốc tế Minsk hôm Chủ nhật vừa qua (Ảnh: AFP)

Máy bay của Ryanair được kiểm tra an ninh tại sân bay quốc tế Minsk hôm Chủ nhật vừa qua (Ảnh: AFP)

Các hãng truyền thông thân với Tổng thống Lukashenko nói trên kênh Telegram rằng, Tổng thống đã ra chỉ thị chuyển hướng chuyến bay và lệnh cho một chiến đấu cơ Mig-29 hộ tống máy bay.

Cộng đồng quốc tế phẫn nộ

Mỹ đã “cực lực lên án” vụ bắt giữ này, trong đó Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi trả tự do lập tức cho Protasevich.

“Hành động gây sốc mà chính quyền của Lukashenko gây ra đã gây nguy hiểm cho sinh mạng của hơn 120 hành khách, trong đó có nhiều công dân Mỹ” – ông Blinken nói trong một tuyên bố.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng phản ứng rất phẫn nộ. Ở Athens, nơi chuyến bay khởi hành, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis viết trên Twitter: “Việc ép một chuyến bay thương mại hạ cánh để bắt giữ một nhà báo là hành động chưa từng có tiền lệ và gây sốc”.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda mô tả hành động của Belarus là “đáng ghê tởm”, trong khi giới công tố cho hay họ đã mở cuộc điều tra nhằm vào hành động cướp máy bay.

Chính phủ ở Ireland, nơi có trụ sở của hãng RyanAir, mô tả vụ việc này “hoàn toàn không thể chấp nhận”, trong khi NATO gọi đây là hành động “nguy hiểm” và yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế.

Kể từ sau kỳ bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 8/2020, nhiều người ở Belarus đã đổ ra các tuyến đường yêu cầu ông Lukashenko từ chức. Cũng trong năm ngoái, Protasevich và người sáng lập Nexta Stepan Putilo, 22 tuổi, bị liệt vào danh sách “những cá nhân tham gia vào hoạt động khủng bố”. 2 blogger này – giờ đều sống lưu vong ở Ba Lan – bị buộc tội gây ra tình trạng bất ổn diện rộng và có thể đối mặt với bản án 15 năm tù giam.