Theo Bloomberg ngày 27/1, trích dẫn dữ liệu bí mật của hải quan Nga, trong 9 tháng đầu năm 2023, Nga đã nhập khẩu được số chip trị giá hơn 1,7 tỉ USD từ các công ty Mỹ và châu Âu. Trong đó bao gồm một số chip được thiết kế cho máy tính của khách hàng, một số khác có thể được sử dụng cho các cơ quan an ninh đặc biệt của Nga và số còn lại là chip lưỡng dụng có thể được sử dụng cả trong công nghệ vũ khí. Bloomberg cho biết hơn một nửa số chip này được Nga mua từ các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ và châu Âu.
Theo dữ liệu bí mật của hải quan Nga mà Bloomberg có được, trong số lượng chip trị giá 1,7 tỉ USD được họ nhập theo cơ chế này, số lượng chip trị giá 1,2 tỉ USD được sản xuất bởi tổng cộng 20 công ty, bao gồm các nhà sản xuất từ châu Âu và Mỹ; số chip có giá trị ước tính 500 triệu USD còn lại có thể do các các hãng khác nhỏ hơn sản xuất.
Các thương hiệu nổi tiếng tham gia vào thương vụ này có AMD (bao gồm Xilinx), Analog Devices, Intel (Altera), Infineon Technologies, Macom, Marvell, Microchip Semiconductor, NXP Semiconductors, STMicroElectronics, Realtek và Texas Instruments.
Theo Bloomberg, mặc dù nhập khẩu chip của Nga bị giảm đi trong quý 4, nhưng nước này có thể đã mua được nhiều loại chip trị giá hơn 2 tỉ USD trong năm 2023.
Theo bài báo, một phần lớn số chip bị hạn chế này đến được Nga thông qua việc tái xuất khẩu tới Nga từ các nước thứ ba, bao gồm nước láng giềng lớn nhất cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã luôn tích cực cố gắng ngăn chặn các tuyến đường cung cấp thay thế này, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công lắm. Họ đặc biệt tập trung vào việc ngăn chặn dòng sản phẩm công dụng kép và sản phẩm tiên tiến đã được xác định là dùng cho mục đích quân sự hoặc rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất của công nghiệp quân sự.
Đại diện của các công ty lớn bao gồm AMD, Analog Devices, Intel, Infineon, Marvell, Microchip NXP, STM và Texas Instruments đều nói với Bloomberg rằng họ đang tuân thủ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Họ cho biết ngay sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ, họ đã ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga và thực hiện các quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo tuân thủ các quy định. Ngoài ra, họ nhấn mạnh cam kết ngăn chặn việc di chuyển bất hợp pháp các sản phẩm của mình và cho biết đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan để giám sát và kiểm soát việc phân phối tiêu thụ chip của họ.
Cần lưu ý rằng phần lớn doanh số bán chip của ngành này được xử lý bởi các nhà phân phối, những người này lại sở hữu nhiều đại lý kinh doanh. Tính chất của chuỗi phân phối này có nghĩa là các nhà sản xuất không phải lúc nào cũng có thể theo dõi sản phẩm của họ cuối cùng sẽ được đưa tới đâu sau khi được bán cho các công ty này, mặc dù một số loại chip quân sự cụ thể phải tuân theo các yêu cầu theo dõi chặt chẽ hơn.
Tình hình này làm nổi bật những thách thức mà Mỹ và EU phải đối mặt trong việc cố gắng cắt đứt nguồn cung cấp công nghệ tiên tiến cho Nga. Các lệnh trừng phạt nhằm mục đích cản trở khả năng bảo trì hoặc nâng cấp thiết bị quân sự của Nga. Tuy nhiên, việc tiếp tục nhập khẩu được những con chip này cho thấy Nga đã có thể duy trì sản xuất phần cứng quân sự của họ, làm suy giảm ảnh hưởng dự kiến của các lệnh trừng phạt.
Đồng thời, EU đang nghiên cứu đề ra một phương án trừng phạt mới. Một số quốc gia thành viên EU đang chủ trương các biện pháp chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với các công ty từ các nước thứ ba liên quan đến buôn bán các con chip này, cũng như những công ty có nguồn gốc từ chính EU.
Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc vừa công bố khám phá vụ buôn lậu chip Mỹ đầu tiên, đưa lậu chip sang Trung Quốc tới 144 lần trong 3 năm
Để kiềm chế sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã hợp tác với các đồng minh để hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc, tuy nhiên, truyền thông quốc tế thường đưa tin Trung Quốc vẫn mua được chip tiên tiến của Mỹ bằng các con đường bất hợp pháp.
Ngày 26/1, trang truyền thông tài chính Hàn Quốc Business Korea đưa tin giới chức hải quan Seoul đã bắt giữ giám đốc điều hành cấp cao của một công ty vì nghi ngờ buôn lậu 53.000 con chip bán dẫn sản xuất tại Mỹ trị giá 11,6 triệu USD vào Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một vụ buôn lậu chip Mỹ vào Trung Quốc bị Hàn Quốc phát hiện.
Theo Business Korea, công ty bán linh kiện điện tử ở nước ngoài này được gọi là Công ty A. Theo thông báo từ Cục Hải quan Seoul ngày 25/1, CEO và một quản lý cấp cao của Công ty A đã bị chuyển giao cho Văn phòng Công tố trung ương ở Seoul với cáo buộc vi phạm “Luật quan hệ với nước ngoài”.
Quan chức hải quan cho biết, Công ty A đã mua chip nhập khẩu thông qua một nhà phát triển thiết bị viễn thông của Hàn Quốc, trong đó bao gồm chip được xếp vào loại mặt hàng chiến lược, sau khi nhập khẩu lẽ ra chỉ được sử dụng tại lãnh thổ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, loại chip viễn thông Mỹ do Công ty A mua này đã được tuồn lậu sang Trung Quốc bằng đường hàng không mà không khai báo hải quan, số lượng lên tới 144 lần vận chuyển.
Theo Business Korea, nhà sản xuất và model cụ thể của những con chip này chưa được tiết lộ, báo này chỉ nói rằng chúng là bộ xử lý liên lạc và có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí sát thương hàng loạt.
Hiện tại, toàn bộ ban giám đốc điều hành của Công ty A đã bị truy tố và có thể phải đối mặt với mức án tù từ 3 năm. Trước đó, quy mô tối đa vụ chip nhập lậu vào Trung Quốc bị Hàn Quốc phát hiện là 4 triệu USD, bao gồm CPU, SSD và các loại chip khác được đưa vào Trung Quốc đại lục thông qua Hong Kong.
Theo Creaders