Đầu năm nay, Hà Lan đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu một số hệ thống in thạch bản cực tím của nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ASML sang Trung Quốc. ASML là đơn vị chuyên cung cấp máy in thạch bản, được xem là chìa khoá để sản xuất các vi mạch tiên tiến.
Lệnh cấm được ban hành sau khi Mỹ siết chặt kiểm soát xuất khẩu các công cụ sản xuất chip và chip bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, dựa trên các quy định trước đó. Washington lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng những con chip tiên tiến này trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và quân sự.
“Nếu Mỹ có thêm các biện pháp hạn chế khác, điều này không gây ngạc nhiên, vì chúng ta đang chứng kiến một cuộc đấu 'ăn miếng trả miếng'. Và có rất nhiều người có quan điểm 'diều hâu' ở Mỹ thực sự lo ngại về việc xây dựng quân đội của Trung Quốc”, Dan Hutcheson, Phó Chủ tịch và nhà nghiên cứu cấp cao tại TechInsights, cho biết.
Bắc Kinh đã lên tiếng về hành động của Chính phủ Hà Lan và yêu cầu Hà Lan "duy trì quan điểm khách quan, công bằng và tuân thủ nguyên tắc thị trường."
Bộ Thương mại Trung Quốc tuần trước cho biết Mỹ đang “vũ khí hóa” các biện pháp kiểm soát xuất khẩu như một công cụ, đồng thời nói thêm rằng họ “rất lo ngại về sự can thiệp trực tiếp của Mỹ” vào vấn đề xuất khẩu công nghệ cao của các công ty Hà Lan sang Trung Quốc.
“Đó là bằng chứng nữa cho thấy không chỉ Chính phủ Mỹ, mà cả các nước phương Tây khác như Hà Lan, sẽ tiếp tục áp dụng một số hạn chế đối với cả thiết bị sản xuất chip và cả chip bán dẫn tiên tiến”, Chris Miller, tác giả của cuốn “Chip War” nói với CNBC.
Vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã cấm bán chip A800 và H800 mà Nvidia sản xuất riêng cho thị trường Trung Quốc.
Các chip A800 và H800 hiệu suất kém hơn của Nvidia được phát triển sau khi chính phủ Mỹ cấm vận chuyển chip A100 và H100 – các đơn vị xử lý đồ họa tiên tiến được bán cho các doanh nghiệp – sang Trung Quốc vào tháng 8/2022.
Điều này khiến Nvidia phải tung ra những con chip thậm chí còn kém hơn ở Trung Quốc vào tháng 12 để tuân thủ các hạn chế xuất khẩu của Mỹ.
“Chính phủ Mỹ đã báo hiệu rằng họ đang có kế hoạch triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm thường xuyên khắc phục các lỗ hổng”, ông Miller cho biết.
Theo dữ liệu hải quan công bố hôm thứ Sáu (12/1) tuần trước, nhập khẩu mạch tích hợp của Trung Quốc vào năm 2023 đã sụt giảm trong bối cảnh bị Mỹ hạn chế, giảm 15,4% so với cùng kỳ xuống còn 349,4 tỉ USD vào năm 2023. Dữ liệu cho thấy khối lượng vận chuyển cũng giảm 10,8%.
“Khi cuộc bầu cử ở Mỹ sắp diễn ra và căng thẳng địa chính tiếp diễn, thật khó để hình dung ra một sự thoái lui đối với các đòn trừng phạt. Nếu như có động thái mới, tôi tin rằng họ còn siết chặt hơn nữa”, Daniel Newman, nhà phân tích tại Futurum Research, nhận định.
Trung Quốc muốn tự chủ về nguồn cung
Những nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc đã thúc đẩy gã khổng lồ kinh tế phải trông cậy vào các doanh nghiệp nội địa để tự lực cánh sinh.
Kể từ năm 2019, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, buộc Bắc Kinh phải thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa.
Theo CINNO Research có trụ sở tại Thượng Hải, doanh thu của 10 nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu Trung Quốc đã tăng 39% trong nửa đầu năm 2023 so với một năm trước đó.
“Tôi thực sự nghĩ rằng trong ngắn hạn, điều này mang lại lợi thế cho phương Tây, nhưng Trung Quốc sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng họ không bị loại khỏi cuộc đua chip”, ông Newman đến từ Futurum cho biết.
Trung Quốc có truyền thống phụ thuộc vào các công ty nước ngoài để cung cấp các linh kiện quan trọng.
Sau khi Chính phủ Hà Lan thu hồi giấy phép xuất khẩu của ASML, Bắc Kinh không còn quyền tiếp cận một số công cụ sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới.
Trung Quốc cũng bị cấm nhập khẩu máy in thạch bản cực tím của ASML, loại máy mà các công ty như TSMC cần để chế tạo những con chip nhỏ nhất và tinh vi nhất./.
"Sóng thần" chip cấp thấp Trung Quốc khiến giới chức Mỹ đứng ngồi không yên
Mỹ hỗ trợ 162 triệu USD để mở rộng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn
Toyota và các công ty Nhật Bản thành lập nhóm nghiên cứu Hệ thống trên chip cho xe điện
Theo CNBC
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu