Bài báo nhấn mạnh, một mình nước Mỹ khó lòng ngăn chặn được sự bá quyền trên biển của Trung Quốc, Australia buộc phải đứng ra chống lại, cho dù phải trả giá rất đắt về kinh tế, vì điều này phù hợp với lợi ích chiến lược lâu dài của Australia.
Australia sẽ không ngừng các hoạt động giám sát bằng máy bay trên biển Đông
The Australian nhấn mạnh, hành động tìm kiếm sự bá quyền trên biển Đông của Trung Quốc không hề có dấu hiệu suy giảm, mặc dù Australia đứng trong hàng ngũ các nước lên án Trung Quốc vì hành vi xây dựng đảo nhân tạo trái phép, nhưng rõ ràng những điều chúng ta làm là chưa đủ.
Những kỳ vọng Trung Quốc tự chấm dứt sự thay đổi trật tự ở khu vực Đông Nam Á không phải là một sách lược hay, Australia cần xem xét thận trọng lợi ích chiến lược của mình, đồng thời quyết định trả giá những gì để ngăn chặn Trung Quốc.
Rõ ràng việc để một nước lớn về kinh tế thích o ép nước khác đóng vai trò chủ đạo ở khu vực Đông Nam Á, thay thế Mỹ bảo vệ nền hòa bình ở châu Á – Thái Bình Dương không phù hợp với lợi ích của Australia. Hầu hết các nước châu Á – Thái Bình Dương đều quay lưng với khái niệm trật tự an ninh do Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo, vì điều này đồng nghĩa với việc sức mạnh quân sự và kinh tế sẽ thay thế luật quốc tế và các chuẩn tắc hành vi được công nhận.
Tham vọng của Bắc Kinh thành công hay không là điều được quyết định bởi Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương. Họ buộc phải truyền tải một thông điệp tới Trung Quốc rằng, hành vi trên biển Đông sẽ phải trả một cái giá mang tính chiến lược.
Một máy bay trinh sát AP-3C Orion của Không quân Australia đã tiếp cận đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông (Ảnh: AFP)
Bài báo nhấn mạnh, những lời cảnh cáo đơn thuần đã không đủ để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông, một mình Mỹ chống chọi với Trung Quốc ở khu vực này cũng là nhiệm vụ khó hoàn thành. Canberra cho rằng suy nghĩ Australia có thể hành xử một cách thoải mái giữa Mỹ và Trung Quốc là điều hoàn toàn sai lầm.
Do đó, các nhà hoạch định chính sách của Australia cần đối mặt với vấn đề sau: Đối với Australia, sự bá quyền trên biển của Trung Quốc ở Đông Nam Á có phải là kết quả có thể chấp nhận hay không?
Nếu câu trả lời là phủ định thì Australia cần đề ra một kế hoạch ngay lập tức, để có thể hỗ trợ Mỹ chống lại với những hành vi cứng rắn, vô lối của Trung Quốc trên biển Đông, kể cả kế hoạch này sẽ khiến Australia phải trả giá. Mục tiêu của kế hoạch này là để Bắc Kinh thấy rằng, những hành vi của họ trên biển Đông sẽ khiến họ quay lưng lại với các quốc gia khác trong khu vực này. Và các quốc gia này sẽ phối hợp với nhau để đối chọi lại với Trung Quốc nhằm tạo thế cân bằng. Australia cần ủng hộ Mỹ thông qua các hoạt động tuần tra trên biển liên tiếp, để chất vấn về tính hợp pháp về chủ quyền của những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng.
Ngoài ra, Australia cần ủng hộ Philippines khi quốc gia này đệ đơn kiện lên tòa án trọng tài quốc tế về vấn đề biển Đông, đồng thời khích lệ các nước ASEAN liên kết chống lại Trung Quốc. Australia còn cần phải tính đến khả năng bắt tay với Nhật Bản, đồng thời chấp nhận mọi giá phải trả về kinh tế do mối quan hệ giữa Canberra với Trung Quốc trở nên xấu đi.
Mặc dù những biện pháp này có vẻ cấp tiến, nhưng nếu muốn giảm thiểu những hành động lấn át của Trung Quốc trên biển Đông, thì đây lại là việc buộc phải làm, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích chiến lược lâu dài của Australia.
The QPAN