Biển Đông: Quốc tế chưa buộc Bắc Kinh trả cái giá thích đáng

Trong bài phân tích, học giả Brahma Chellaney cảnh báo về hậu quả cực kỳ nguy hại nếu thế giới không mạnh tay với những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc đang ồ ạt bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông
Trung Quốc đang ồ ạt bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông

Từ cuối năm 2013 tới nay, Trung Quốc ráo riết xây đắp một loạt đảo nhân tạo để tiến tới quân sự hóa Biển Đông. Hành động này là một phần trong chiến dịch rất đáng báo động nhằm kiểm soát hành lang biển cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược, nơi chứng kiến lưu lượng thương mại trị giá 5,3 ngàn tỉ USD mỗi năm.

Nhưng điều còn gây sốc hơn và nguy hiểm hơn là quốc tế hầu như chưa thể buộc Bắc Kinh trả cái giá thích đáng và cụ thể nào cho cách hành xử của mình.

Nguy cơ “chiếm hữu thực sự”

Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cấp bách, chẳng hạn như khủng hoảng người tị nạn xuất phát từ tình hình hỗn loạn ở Trung Đông. Tuy nhiên, chừng nào Trung Quốc còn cảm thấy có thể tự tác làm càn mà không gặp bất cứ hậu quả nào, nước này sẽ không bao giờ dừng tay. Căng thẳng sẽ dâng cao đến mức dẫn đến nguy cơ một cuộc đối đầu toàn diện, đe dọa an ninh, ổn định và phát triển của châu Á.

Một thành tố chủ chốt trong chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông là bồi đắp đảo nhân tạo, bao gồm cả những khu vực mà chính Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân gần đây thừa nhận là “cách xa đất liền Trung Quốc”. Chính vì sự xa xôi này mà Trung Quốc cảm thấy “cần thiết” phải xây dựng cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo. Và thực tế là 3 trong 7 hòn đảo mới mọc lên trên Biển Đông có đường băng đủ để chiến đấu cơ Trung Quốc thách thức những hoạt động bình thường trong khu vực.

Nghiêm trọng hơn, bằng cách quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc đang muốn lẳng lặng thiết lập trên thực tế một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ).

Hồi năm 2013, nước này đã đơn phương tuyên bố lập ADIZ trên biển Hoa Đông, khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với những đảo mà mình không kiểm soát. Trung Quốc thừa hiểu là theo luật quốc tế, cái gọi là “quyền lịch sử” không thể đóng vai trò cơ sở vững chắc cho tuyên bố chủ quyền gần như liếm trọn Biển Đông. Đây cũng là lý do nước này khăng khăng từ chối mọi sự phân xử pháp lý của tòa án quốc tế. Thay vào đó, Bắc Kinh đang cố giành được “sự chiếm hữu thật sự” như đã làm với dãy Himalaya và một số nơi khác. Theo luật quốc tế, đạt được “chiếm hữu thật sự” sẽ nâng cao rõ rệt tính hợp pháp cho tuyên bố chủ quyền của các nước.

Cần nhấn mạnh là tham vọng của Trung Quốc không chỉ gói gọn trong phạm vi Biển Đông mà hướng đến mục tiêu trở thành hạt nhân bá chủ của châu Á. Gần đây, nước này đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài: một cơ sở hải quân tại Djibouti nằm ở khu vực Sừng châu Phi đâm thẳng vào Ấn Độ Dương, đồng thời liên tục xua tàu ngầm vào vùng biển này. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang triển khai những kế hoạch liên kết kinh tế lớn tại khu vực để gia tăng hiện diện, từ đó ảnh hưởng đến địa chính trị châu Á.

Vừa thiếu vừa yếu

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama lại tỏ ra ngập ngừng, không có nhiều hành động thật sự có ý nghĩa dù đã tiến hành “chiến dịch PR” hết sức rầm rộ cho chính sách xoay trục sang châu Á.

Thay vì cấm vận hay gia tăng áp lực quân sự tại chỗ lên Trung Quốc, chính quyền Washington lại cố đẩy phần lớn việc cần làm cho các đồng minh và đối tác. Mỹ đã gia tăng hợp tác quân sự với nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương, khuyến khích các bên tham gia tranh chấp khác tăng cường khả năng phòng thủ và ủng hộ Ấn Độ, Nhật Bản lẫn Úc đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực.

Thật lòng mà nói, tất cả vẫn chưa đủ. Theo Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS), các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp từ những bãi đá chỉ nhô lên mỗi khi thủy triều xuống thấp không thể có chủ quyền đối với khu vực 12 hải lý bao quanh. Vậy mà đến mãi gần đây, Mỹ mới chỉ một lần cho tàu chiến đi vào khu vực này. Hơn nữa, chỉ đi băng qua mà không làm gì thêm, đến nỗi chính tờ Hoàn Cầu thời báo còn gọi sự kiện này chỉ là “một màn diễn chính trị”. Đến nay, Washington vẫn chưa chính thức trực tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông hay đích danh yêu cầu bên kia ngừng xây đắp đảo.

Trung Quốc đã dựng lên những hòn đảo nhân tạo có tổng diện tích hơn 1.200 ha và không có gì bảo đảm nước này sẽ dừng lại. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ vẫn khăng khăng là không để vấn đề Biển Đông chiếm lĩnh quan hệ song phương.

Hiện rất nhiều nước nhỏ trong khu vực đang lo ngại vì họ thừa hiểu rằng ai là người thua khi hai nước lớn ngã giá với nhau. Cần nhớ lại vào năm 2012, Mỹ vừa đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc về việc cùng rút tàu ra khỏi khu vực bãi cạn Scarborough. Chữ ký còn chưa ráo mực thì Bắc Kinh xua tàu trở lại chiếm luôn quyền kiểm soát bãi cạn và Washington không có hành động nào, bất chấp hiệp ước phòng thủ chung với Manila.

Nhưng không chỉ có những nước nhỏ ở châu Á mới phải lo ngại. Với giá trị chiến lược của Biển Đông, tình trạng bất ổn tại đây sẽ đe dọa gây mất ổn định cho toàn khu vực. Hơn nữa, nếu Trung Quốc có thể tự tung tự tác ở Biển Đông thì nước này sẽ càng trở nên hung hăng hơn trên toàn tây Thái Bình Dương và cả Ấn Độ Dương. Điều quan trọng nhất là nếu những hành vi của Trung Quốc cho phép họ phớt lờ luật pháp và chuẩn mực quốc tế thì sẽ tạo nên một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm. Một nước làm được thì không có gì ngăn cản những nước khác theo chân.

B-52 “vô tình” bay sát đảo nhân tạo phi pháp

Tờ The Wall Street Journal hôm 19.12 dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc tuyên bố 1 trong 2 oanh tạc cơ B-52 tuần trước đã “vô tình” bay vào phạm vi 2 hải lý xung quanh Đá Châu Viên. Đá này nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng bị Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo phi pháp. Theo các quan chức Mỹ, có thể “thời tiết xấu khiến phi công phải đổi hướng” trong lúc thực hiện sứ mệnh tuần tra thường lệ ở Biển Đông.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban khẳng định Washington triển khai đều đặn các chuyến bay của B-52 trong khu vực nhưng chưa có kế hoạch cho oanh tạc cơ áp sát các đảo nhân tạo phi pháp nào. Ông xác nhận phía Trung Quốc đã ra cảnh báo nhằm vào chiếc B-52 nhưng không có dấu hiệu cho thấy quân đội nước này triển khai chiến đấu cơ ứng phó.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố 2 chiếc B-52 vào ngày 10.12 đã “tự ý vào không phận xung quanh các đảo và bãi đá liên quan” ở Trường Sa, nhưng không nêu rõ khu vực cụ thể. Bộ này còn lên giọng nói những hoạt động của Mỹ ở khu vực là “sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng”. Theo The Wall Street Journal, từ năm 2004, Mỹ thường cho B-52 cất cánh từ đảo Guam bay xuyên qua châu Á - Thái Bình Dương để thể hiện cam kết duy trì an ninh trong khu vực.

Theo Thanh niên