Theo báo Trung Quốc, 20 giờ 30 phút ngày 16/6, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng khẩn cấp triệu tập hội nghị thường vụ Quân ủy, chỉ thị cho quân đội sử dụng mọi lực lượng triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.
Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã đích thân chỉ huy, 5 giờ 30 phút ngày 17/6 đã lên tàu Cảnh sát biển Việt Nam số hiệu 4039 đến vùng biển liên quan để tiến hành tìm kiếm cứu nạn.
Ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã đích thân đến Hải Phòng chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn.
Tờ báo Trung Quốc cho biết, 22 giờ 30 phút ngày 16/6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam đã lên lịch gặp Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng, đề nghị Trung Quốc phối hợp với Việt Nam triển khai tìm kiếm cứu nạn 2 máy bay mất tích.
Theo báo Trung Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị: Nếu Trung Quốc phát hiện thì có thể kịp thời thông báo thông tin cho phía Việt Nam và hy vọng Trung Quốc cho phép tàu thuyền và máy bay Việt Nam tạm thời triển khai tìm kiếm cứu nạn ở “phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ”.
Bài viết đã điểm lại những thông tin chính về sự kiện máy bay chiến đấu Su-30 số hiệu 8585 của Không quân Việt Nam và máy bay tuần thám CASA 212 số hiệu 8983 gặp nạn.
Việt Nam cho biết, lô máy bay CASA này chủ yếu dùng để thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra trên biển, trên không, giám sát bờ biển, ngăn chặn hoạt động đánh cá phi pháp, tấn công buôn lậu ma túy.
Nhưng bài báo cho rằng thực ra, loại máy bay này lấy CASA C212-300 làm nền tảng để nghiên cứu phát triển, đã đổi sang trang bị thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, trang bị hệ thống radar đường không MS6000 do Công ty SSC Thụy Điển sản xuất.
Máy bay này có thể dùng để trinh sát và phát hiện tàu chiến, tàu ngầm và các loại tàu khác của đối phương. CASA 212 là một loại máy bay phát hiện tàu ngầm trên biển thực sự, có khả năng cảnh báo sớm trên không nhất định.
Báo Trung Quốc cho rằng nhìn từ tai nạn máy bay Su-30 rơi trên biển cũng cho thấy “Quân đội Việt Nam bắt đầu chú trọng tăng cường khả năng kiểm soát vùng trời trên biển, tìm cách không ngừng nâng cao khả năng tác chiến trên biển, trên không” của lực lượng đường không.
Do độ khó và cường độ huấn luyện đều tăng mạnh, tỷ lệ gặp sự cố của máy bay sẽ tăng lên.
Máy bay tuần thám CASA 212 gặp nạn càng cho thấy Quân đội Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề trong mua sắm vũ khí trang bị của nước ngoài và huấn luyện nhân viên... – tờ Tin tức Tham khảo nhận định.
Máy bay nguyên mẫu CASA 212 bắt đầu được nghiên cứu phát triển từ cuối thập niên 1960, năm 1974 bay thử lần đầu tiên, từ tháng 6/1983 đến năm 2011 đã xảy ra 71 sự cố rơi vỡ, khiến cho 558 người chết. Lần này là sự cố đầu tiên trong 5 năm qua.
Mặc dù loại máy bay này đã được cải tiến, nhưng có tỷ lệ sự cố lớn như vậy cho thấy, tính năng của nó thực sự đáng chú ý.
Phi công Lê Kiêm Toàn của máy bay này có quân hàm và chức vụ cao hơn (Đại tá, lữ đoàn trưởng), từng được đào tạo ở Công ty Airbus Tây Ban Nha, rõ ràng phải có kinh nghiệm phong phú.
Theo tiết lộ của Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam sáng ngày 17/6, khi sự cố xảy ra, chiếc máy bay CASA 212 này đang tiến hành tìm kiếm ở tầng trời thấp, nhưng không may rơi vỡ.
Nội dung bài viết trên tờ TTTKTQ chỉ có giá trị tham khảo, VietTimes muốn cung cấp cho độc giả các thông tin phản ánh từ báo chí Trung Quốc.
Việc các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao Việt Nam rất quan tâm đến sự cố rơi liên tiếp của các máy bay quân sự gần đây như báo chí Trung Quốc phản ánh là điều đương nhiên, dễ hiểu, bởi điều đó thể hiện tình cảm và trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo Việt Nam với Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn vẫn đang được các lực lượng chức năng của Việt Nam dốc sức tiến hành đối với các thành viên của tổ bay trên chiếc tuần thám CASA 212 rơi ngày 16/6 trên Vịnh Bắc Bộ.
Về vụ tai nạn chiếc Su-30MK2, phi công Nguyễn Hữu Cường - một trong 2 thành viên điều khiển chiếc Su-30MK2 gặp nạn hôm 14/6 đã trở về an toàn.
Trong khi đó, thi thể phi công - Thượng tá Trần Quang Khải đã được tìm thấy, đưa về đất liền để lo hậu sự, mai táng trong sự tiếc thương vô hạn của người thân, gia đình, bạn bè, đồng đội và người dân cả nước.
Hiện cơ quan chức năng của Việt Nam chưa hoàn tất quá trình cứu nạn, trục vớt các máy bay gặp nạn nên chưa thể tiến hành điều tra và công bố nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đáng tiếc nói trên. Chính vì vậy, với các thông tin trên báo chí nước ngoài, một lần nữa VietTimes xin nhắc lại rằng đó chỉ là những thông tin phản ánh, nhìn nhận chủ quan, chỉ có giá trị tham khảo. - PV
Thăng quân hàm Đại tá cho phi công Trần Quang Khải Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định thăng quân hàm từ Thượng tá lên Đại tá cho phi công Trần Quang Khải. Đây là sự ghi nhận những đóng góp và hy sinh của phi công Trần Quang Khải đối với quân đội, với đất nước. Đại tá Trần Quang Khải, sinh ngày 20/10/1973, là phi công cấp 1, Phó Trung đoàn trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không Không quân. Đại tá hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu trên máy bay SU30-MK2 vào lúc 7 giờ 15 phút ngày 14/6/2016 trên vùng biển ở khu vực gần đảo Mắt Nghệ An. Chiều 19/6, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, sáng 20/6 tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 (Quân khu 4) đóng tại xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh, Nghệ An, Bộ Quốc phòng và các đơn vị, địa phương liên quan đã tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu cho Đại tá Trần Quang Khải theo nghi thức Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau đó thi hài Đại tá Trần Quang Khải được quân đội và gia đình đưa từ nhà tang lễ về quê ở thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. |