Xe tăng chiến đấu T-90S do Nga chế tạo. Ảnh: Sputnik. |
Xe tăng T-90S phù hợp khí hậu Việt Nam
Tờ Lenta Nga gần đây cho rằng Việt Nam mua một lô xe tăng chiến đấu T-90S của Nga đã gây ra "tò mò" cho Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc đã có những bài viết phân tích về tính năng của loại xe tăng này, cho rằng khí hậu nhiệt độ cao, độ ẩm cao và địa hình, địa mạo của Việt Nam không thích hợp cho xe tăng T-90S. Điều này đã gây chú ý cho báo chí Nga.
Tờ Lenta Nga cho rằng T-90S là một trong những sự lựa chọn tốt nhất của Việt Nam. Chẳng hạn, xe tăng Nga nặng tổng cộng 46 tấn, thích hợp hơn với địa hình mà các xe chiến đấu hạng nặng khác khó có thể đi lại. Ngoài ra, hỏa lực và thiết giáp của T-90S cũng phù hợp với nhu cầu của quân đội Việt Nam.
Chuyên gia Nga Aleksey Khlopotov khẳng định, xe tăng Nga có thể hoạt động bình thường trong điều kiện nhiệt độ 50 độC hoặc cao hơn. Các nước có thời tiết nóng bức như Algeria, Azerbaijan, Turkmenistan, Uganda đều đã trang bị rất nhiều xe tăng T-90. Loại xe tăng này thể hiện tính năng ưu việt ở Syria. Aleksey Khlopotov cho rằng báo chí Trung Quốc thông qua "nghi ngờ trang bị Nga" để đề cao bản thân.
Ngoài ra, theo tờ Lenta Nga, báo cáo năm 2016 do nhà máy chế tạo Uralvagonzavod công bố vào tháng 7/2017 cho biết họ cung cấp xe tăng T-90 cho Việt Nam.
Phần nội dung liên quan đến kế hoạch hợp tác kỹ thuật quân sự của báo cáo chỉ ra công ty này dự định thực hiện 2 hợp đồng cung ứng xe tăng T-90S/SK, trong đó một hợp đồng 64 chiếc là hợp đồng ký kết với Việt Nam.
Tàu hộ vệ lớp Gepard tăng mạnh thực lực hải quân Việt Nam
Ngoài xe tăng T-90S/SK, trang tin Sina Trung Quốc ngày 30/1 còn đưa tin về việc Việt Nam đã trang bị đầy đủ 4 tàu hộ vệ lớp Gepard mua của Nga. Bài viết đề cập đầy đủ thông số tính năng và vũ khí trang bị của loại tàu này.
Theo Sina, việc trang bị 4 tàu hộ vệ lớp Gepard đã tăng mạnh thực lực của hải quân Việt Nam, giúp cho hải quân Việt Nam tiếp tục tiến lên một bước trong xây dựng hiện đại hóa.
Tàu hộ vệ Gepard chuyên dùng để đối phó với kẻ thù ở trên không, trên mặt biển và dưới mặt biển, tiến hành hộ tống và bảo vệ hạm đội, bảo vệ và tuần tra biên giới quốc gia, tấn công buôn lậu, đánh bắt trái phép và cướp biển, hỗ trợ cho tàu thuyền gặp nguy hiểm, tìm kiếm và cứu nạn.
Theo đánh giá của Forbes vào năm 2016, hải quân Việt Nam có hơn 120 tàu chiến đấu các loại, bao gồm tàu hộ vệ, tàu tên lửa và tàu ngầm thông thường. Chúng phần lớn là tàu do Liên Xô viện trợ trước đây, thiếu bảo dưỡng và cung ứng linh kiện, thực lực yếu.
Để tiếp tục nâng cao thực lực quân sự, do bản thân Việt Nam chưa có khả năng chế tạo tàu chiến đấu lớp 2.000 tấn trở lên, vì vậy tập trung tiền của để mua sắm từ bên ngoài, trong đó nước được lợi nhất là Nga.
Trang bị của quân đội Việt Nam hầu như đều mua sắm của Nga, nhưng do việc xây dựng của bản thân Nga cũng còn chưa đảm bảo, sự lựa chọn của Việt Nam cũng trở nên hạn hẹp hơn.
Sau khi nhập khẩu tàu hộ vệ lớp Gepard, Việt Nam lại chi tiền lớn đặt mua 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma của Hà Lan (?), loại tàu này được cho là tàu hộ vệ hạng nhẹ mạnh nhất của phương Tây. Báo chí Trung Quốc xuyên tạc rằng Việt Nam muốn thông qua loại tàu này để áp đảo những tàu hộ vệ như Type 056, Type 054A (Trung Quốc).
Nhưng về tổng thể, thực lực của hải quân Việt Nam còn chưa mạnh, 4 tàu hộ vệ lớp Gepard là chủ lực của hải quân. Mặc dù tàu hộ vệ hạng nhẹ Sigma rất mạnh, nhưng cũng không thể bằng tàu hộ vệ Type 054A Trung Quốc – Sina tự tin kết luận.