Bão số 16 đang tiến thẳng vào Tây Nam Bộ khá giống bão Linda năm 1997

VietTimes -- Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Cộng đồng Quốc gia, bão Tembin -- Cơn bão số 16 trong năm nay đã chính thức đi vào biển Đông và còn khả năng mạnh thêm lên cấp 12-13, giật cấp 15-16 trước khi hướng thẳng vào các tỉnh Nam Bộ ở cường độ rất mạnh (cấp 9-10). Tembin có nhiều nét tương đồng với cơn bão Linda năm 1997.
Bão số 16, tên quốc tế là Tembin đang di chuyển nhanh hơn và vẫn đang mạnh lên. Ảnh: TTDBKTTVTW.
Bão số 16, tên quốc tế là Tembin đang di chuyển nhanh hơn và vẫn đang mạnh lên. Ảnh: TTDBKTTVTW.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Cộng đồng Quốc gia, bão Tembin (cơn bão số 16) trong năm nay đã chính thức đi vào biển Đông và còn khả năng mạnh thêm lên cấp 12-13, giật cấp 15-16 trước khi hướng thẳng vào các tỉnh Nam Bộ ở cường độ rất mạnh (cấp 9-10).

Tình hình rất nguy cấp, các lệnh ban bố tình trạng rủi ro thiên tai lên tới cấp 4 (mức cảnh báo màu đỏ, mức độ cao nhất từ trước đến nay) cho vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau, bao gồm Côn Đảo. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Sẵn sàng hành động, chuẩn bị đối phó với thiên tai cấp độ 5, cấp thảm họa” - (cấp độ chưa từng có trong lịch sử khí tượng Việt Nam).

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão quốc tế Tembin sẽ khiến năm 2017 lập thêm một kỷ lục nữa về số lượng bão. Tuy nhiên cơn bão cuối mùa này sẽ mạnh và có nét tương đồng với cơn bão Linda năm 1997 về mức độ nguy hiểm.

Theo đó, ngay từ đêm nay (24/12) vùng biển ngoài khơi từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh dần lên cấp 6-7, gần sáng (25/12) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 14-15, biển động dữ dội.
Từ ngày (25/12) đến hết ngày (27/12), ở các tỉnh miền Nam có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn cảnh báo: Sóng vùng tâm bão cao 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Ninh Thuận tới Cà Mau nước dâng do bão có khả năng cao 1,0m, riêng khu vực ven biển Cần Giờ đến Cà Mau khoảng 2,0m. 

Trong 24-60 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0°N đến 11,0°N và phía Tây kinh tuyến 106,0°E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4 (cấp báo động đỏ).

Trung tâm lưu ý, khu vực được xác định nằm trong vùng nguy hiểm của bão thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ (đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Khu vực ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão bao gồm phía nam Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và toàn Nam Bộ.

Trung tâm cũng đã phát đi thông báo đề nghị chính quyền địa phương và người dân các khu vực nằm trong vùng nguy hiểm của bão cần khẩn trương chuẩn bị các phương án phòng tránh trú bão an toàn trước 11h trưa ngày 25/12.

Các khu vực ven biển bao gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang khẩn trương chằng chống, neo đậu tàu thuyền vào khu vực an toàn, và di dời các hộ dân ven biển trước 13h chiều ngày 25/12.

"Xin nhắc lại, đây là một cơn bão rất mạnh. Mọi công dân các tỉnh phía nam cần đặc biệt theo dõi các bản tin tiếp theo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng", đại diện Trung tâm khí tượng Thủy văn nhấn mạnh.