Tháng 4/2016, ông Phạm Lương Sơn - khi đó đang là Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (BHYT) của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện đang là Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Việt Nam - gửi email cho trưởng phòng giám định bảo hiểm thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước để chỉ đạo các nội dung liên quan tới kế hoạch đấu thầu thuốc bệnh viện năm 2016.
Đáng lưu ý, emai được sử dụng là gmail – một dịch vụ thư điện tử miễn phí và phổ biến, chưa được khuyến khích sử dụng trong hoạt động quản lý hành chính ở Việt Nam. Trong email, ông Sơn chỉ đạo với tư cách đại diện cho Ban thực hiện Chính sách BHYT, nhưng nội dung lại không thể hiện ý kiến tập thể Ban chính sách hay ý kiến của Bảo hiểm Việt Nam.
Theo đó, ông Sơn chỉ đạo 63 tỉnh thành về việc lập kế hoạch đấu thầu thuốc 2016 đối với nước cất ống nhựa, thuốc tiêm ống nhựa, thuốc Cerebrolyzate, Gliatilin. Nội dung chỉ đạo như sau: “Ban CSYT đề nghị các đồng chí thành phần giám định chỉ đạo cán bộ tham gia vào Hội đồng xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2016 không đưa dạng đóng gói “ống nhựa” của các loại thuốc vào kế hoạch đấu thầu”.
Lý do của việc đưa ra chỉ đạo này, cũng theo email của ông Sơn, là do hiện có rất nhiều thuốc đóng gói bằng ống nhựa độc quyền trong cung ứng thuốc có giá cao bất hợp lý so với dạng ống thủy tinh.
Giải thích có vẻ rõ ràng như vậy, nhưng ngay câu sau đó, ông Sơn lại lộ ra sự mập mờ rất khó hiểu.“Chỉ ghi chung thuốc tiêm dạng ống/lọ/chai. Tạm thời chưa đưa thuốc Cerebrolizat vào kế hoạch đấu thầu; kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định thuốc Gliatilin (hoạt chất Choline Alfoscerate).
Như vậy, một đằng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế chỉ đạo BHYT các địa phương phải “không mua” thuốc chứa trong dạng ống nhựa, nhưng đằng khác, ban này lại yêu cầu cán bộ “chỉ ghi chung” trong danh mục thuốc đấu thầu là thuốc tiêm dạng ống/lọ/chai (tức là không thể hiện đặc tính vỏ là thủy tinh hay nhựa), để không “lộ” việc “không mua” này.
Nếu việc chỉ đạo là công khai, minh bạch, thì tại sao việc thể hiện đó lại phải giấu giếm?
Với việc chỉ đạo qua email mà không bằng văn bản, cộng với kiểu mập mờ về cách ghi này, ông Sơn tạo ra nhiều nghi vấn về sự thiên lệch, bảo kê cho một vài doanh nghiệp, hơn là tạo ra sự công bằng, chống độc quyền trong đấu thầu thuốc.
Mặt khác, hiện nay chưa có quy định nào công nhận email là hình thức chỉ đạo có giá trị pháp lý. Nói cách khác, email của ông Sơn có nguy cơ vi phạm quy định quản lý hiện hành, lại vừa mâu thuẫn về nội dung chỉ đạo.
Khảo sát tại các doanh nghiệp cho thấy, hiện Việt Nam chỉ có vài ba doanh nghiệp đã và sắp sản xuất mới đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc đựng trong ống nhựa. Trước đó, Việt Nam hoàn toàn nhập khẩu thuốc tiêm, nước cất ống nhựa từ Ấn Độ.
Với chỉ đạo của ban thực hiện chính sách BHYT, vô hình trung các nhà sản xuất thuốc tiêm ống nhựa, nước cất ống nhựa trong nước đều bị lẳng lặng loại khỏi vòng chấm thầu thuốc bệnh viện, đe dọa sự sống sót của doanh nghiệp tiên phong cũng như ngăn cản sự đầu tư của các doanh nghiệp khác, tạo cơ hội cho các sản phẩm nhập khẩu cùng loại của nước ngoài.
Chưa hết, chỉ đạo Tạm thời chưa đưa thuốc Cerebrolizate vào kế hoạch đấu thầu; kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định thuốc Gliatilin (hoạt chất Choline Alfoscerate) cũng không có căn cứ. Vì Cerebrolizate là sản phẩm được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu chuyến và được phép lưu hành trong thời gian quota còn hiệu lực nên không có cơ sở để đưa ra một lập luận mập mờ “không có số đăng ký, có thành phần tương tự như Cerebrolysin) nhưng Bộ Y tế trả lời chưa rõ ràng là có thuộc phạm vi thanh toán BHYT hay không?”.
Thêm nữa, sản phẩm mang tính sáng chế Gliatilin bị chỉ tên là sản phẩm nằm trong top 20 sản phẩm dược có chi phí lớn cũng là điều hết sức bất hợp lý, vì chi phí phải trả cho sản phẩm Cerebrolysin gấp đến 7-10 lần.
Điều đáng nói là, hoạt chất Choline Alfoscerate có trong sản phẩm Gliatilin hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nên việc loại Gliatilin khỏi doanh mục đấu thầu đồng nghĩa với việc đã triệt tiêu cơ hội sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho thuốc nhập ngoại tiếp tục duy trì vị thế độc tôn.
Đáng lưu ý, các chỉ đạo của ông Sơn được thực hiện với tư cách Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (không lâu sau đó ông được đề bạt vị trí Phó giám đốc Bảo hiểm Việt Nam). Tuy nhiên, trong email chỉ đạo của ông lại không thể hiện đây là một quyết định của tập thể Ban chính sách hay được sự chấp thuận của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.