10 năm ì ạch và 01 lần điều chỉnh tổng thể
Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long hay còn được gọi phổ thông là BIM Group - là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Tập đoàn này vốn có tiếng về bất động sản nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh, Phú Quốc nhưng tại Hà Nội những dự án BIM Group thực hiện chỉ kể đến như: Tòa tháp Syrena Hà Nội, Khu căn hộ cao cấp cho thuê Fraser Suites Hà Nội,...
Với nhiều đại gia bất động sản việc thâu tóm, sở hữu đất tại Hà Nội luôn là cuộc cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, với BIM Group mặc dù chưa sở hữu nhiều đất tại Hà Nội nhưng đã sẵn sàng chia sẻ 9,5ha đất ngay giữa Thủ đô cho Tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật Bản) cũng là điều đáng được bàn.
Nhắc đến dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông quy mô 16,5ha cũng là câu chuyện dài của BIM Group khi ấp ủ hàng 10 năm nay nhưng vẫn chưa thể triển khai. Thay vào đó, hôm 13/3 vừa qua Tập đoàn bán lẻ AEON đã làm lễ động thổ xây dựng Trung tâm mua sắm ngay chính trong khuôn viên này thông qua 01 quyết định điều chỉnh tổng thể, và bằng động tác “bắt tay” hữu hảo.
Cụ thể, trong thương vụ này chính Quyết định điều chỉnh tổng thể số 3251/QĐ-UBND, ngày 26/5/2017 của UBND TP Hà Nội đã khai sinh Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông với diện tích 9,5ha và xác lập việc thu hẹp quy mô cũng như diện tích dự kiến dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông của BIM Group xuống còn 7,1ha.
Cầu nối của sự kiện trên là việc trước đó vào khoảng đầu tháng 3/2017 BIM Group đã kịp thỏa thuận ký kết hợp tác Tập đoàn Aeon đầu tư phát triển dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông trong một phần khu đất của dự án Bệnh viện quốc tế.
Thực tế, khu đất 16,65ha tại phường Dương Nội này ngay từ ngày 25/4/2008 đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt Quy hoạch chi tiết Bệnh viện Quốc tế Hà Đông tỷ lệ 1/500, đến tháng 6/2008 được Giấy chứng nhận đầu tư số 03121000253, quy mô 860 giường bệnh, tổng mức đầu tư 4.061 tỷ đồng.
Sau lần điều chỉnh tổng thể, Bệnh viện quốc tế Hà Đông với tổng diện tích dự kiến 16,65ha, quy mô tối đa 860 giường bệnh nay giảm xuống còn 600 giường bệnh và diện tích còn lại vỏn vẹn khoảng 7,1ha để nhường quá nửa diện tích đất cho Trung tâm thương mại của người Nhật.
Tuy nhiên, việc thay đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi nội dung dự án hoặc thay đổi nhà đầu tư đều phải tuân thủ các thủ tục xin điều chỉnh và được thành phố Hà Nội cho phép theo pháp luật Đầu tư, pháp luật Doanh nghiệp,… Bên cạnh đó, mọi sự thay đổi không phải tùy thích mà phải phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch vùng, phù hợp hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh,... Có lẽ những việc này đã được nhà đầu tư cùng Thành phố Hà Nội thẩm định kỹ sau khi ra quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể.
Thực tế hiện nay địa điểm xây dựng Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông đều đã được quây tôn kín mít, xung quanh vẫn là bãi đất nông nghiệp được người dân tận dụng canh tác mặc dù có thể đã bị cưỡng chế thu hồi.
Ngăn cách giữa dự án Trung tâm Thương mại AEON Mall Hà Đông và các dự án bất động sản của Tập đoàn lớn như FLC hay Tập đoàn Nam Cường là một tuyến đường lớn đang mở chưa hoàn thiện. Dấu hiệu xây dựng nền móng, hay động thổ của dự án có tên Bệnh viện quốc tế Hà Đông thực địa đều chưa thấy.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Lãnh đạo Thành phố giao Sở TN&MT rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 10/7/2014; yêu cầu làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa đất vào sử dụng; báo cáo TP trước ngày 30/4/2018. Vậy với việc hợp tác đầu tư Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông đây có thể là nước đi khôn ngoan của chủ đầu tư.
Soi những dự án sẽ bị thanh tra
Mặc dù gặp những khó khăn nhất định trong việc triển khai dự án Bệnh viện quốc tế tại Hà Nội nhưng Tập đoàn BIM Group đã và đang thực hiện nhiều bất động sản nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh, Phú Quốc,… như: Khách sạn Halong Plaza, Khu đô thị Halong Marina, Chung cư Green Bay Towers, Tổ hợp thương mại và giải trí Halong Marine Plaza, Khu phức hợp du lịch Phu Quoc Marina, Tổ hợp Trung tâm Thương mại & văn phòng cho thuê cao cấp Royal Square...
Tuy nhiên, trong số đó các dự án: Khu đô thị Hùng Thắng; Chung cư Green Bay; Hạ Long Marine Plaza của BIM Group lại đang nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2018 của Bộ Xây dựng về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở.
Với dự án Green Bay Village nằm trên tổng diện tích 10ha được cho là nơi cộng đồng dân cư khép kín đầu tiên tại Quảng Ninh, thiết kế theo hình thức kiểm soát an ninh an toàn bằng cổng rào bảo vệ, hệ thống camera nội bộ & đội ngũ quản lý chuyên nghiệp. Dự án bao gồm nhà liền kề, nhà vườn, nhà phố thương mại & chung cư cao cấp.
Trong khi đó, Tổ hợp thương mại & giải trí Halong Marine Plaza chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 có tổng diện tích hơn 11ha. Halong Marine Plaza bao gồm các hạng mục dịch vụ như: Khu vui chơi giải trí hiện đại dành cho trẻ em tiNi World, bãi biển, rạp chiếu phim tiêu chuẩn quốc tế CGV, bảo tàng chụp ảnh 3D, làng truyền thống, nhà hàng, khu mua sắm, khu chợ đêm...
Còn Halong Marina (Khu đô thị Hùng Thắng) là khu đô thị đầu tiên tại Hạ Long được quy hoạch & phát triển đồng bộ trên tổng diện tích 248ha. Với vị trí nằm giữa Bãi Cháy & Tuần Châu, Halong Marina được coi là trái tim của Hạ Long, với những dịch vụ & tiện ích như: trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, chung cư, khách sạn, biệt thự, trung tâm tài chính, trường học & bệnh viện...
Những thông tin về dự án trên hoàn toàn từ lời giới thiệu của nhà đầu tư còn các hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại các dự án này nhà đầu tư đã thực hiện đúng hay sai như thế nào sẽ phải chờ kết quả thanh tra của cơ quan chức năng.