Báo Đức viết về ý đồ của ông Tập Cận Bình khi ký “Đề cương hành động quân sự phi chiến tranh”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Đề cương về hành động quân sự phi chiến tranh của quân đội" do ông Tập Cận Bình ký bắt đầu thực thi vào đúng ngày sinh đang gây nên các luồng ý kiến khác nhau về mục đích ban hành nó vào thời điểm này
Deutsche Welle cho rằng ông Tập Cận Bình kí Đề cương hành động phi chiến tranh của quân đội tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quân sự của PLA (Ảnh: AP).
Deutsche Welle cho rằng ông Tập Cận Bình kí Đề cương hành động phi chiến tranh của quân đội tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quân sự của PLA (Ảnh: AP).

Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) bản tiếng Trung Quốc ngày 18/6 đăng bài viết nhan đề "Ông Tập Cận Bình kí Đề cương hành động quân sự phi chiến tranh của Quân đội có ý đồ gì?", phân tích cho rằng, việc Trung Quốc ban hành văn bản quan trọng vào thời điểm này dẫn đến suy đoán liệu điều đó có phải là Trung Quốc sẽ bắt chước Nga ở Ukraine, chuẩn bị cho một "chiến dịch quân sự đặc biệt" chống lại Đài Loan hay không? Đồng thời, cũng có ý kiến ​​phân tích dư luận cho rằng chính sách quân sự mới nhất này thực chất là nhằm chĩa mũi dùi vào bên trong nước Trung Quốc.

Bài báo viết, ngày 15/6 năm nay là kỉ niệm lần thứ 69 ngày sinh của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào ngày hôm đó, ông Tập Cận Bình không chỉ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, thể hiện với thế giới rằng "Trung Quốc mong muốn tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau với Nga trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi như chủ quyền và an ninh và các mối quan tâm lớn ", mà còn ký ban hành một chính sách quân sự không bình thường, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày hôm đó.

Quân đội Trung Quốc hiện có hạm đội tàu mặt nước số lượng nhiều nhất thế giới (Ảnh: Xinhua/Deutsche Welle).

Quân đội Trung Quốc hiện có hạm đội tàu mặt nước số lượng nhiều nhất thế giới (Ảnh: Xinhua/Deutsche Welle).

Chính sách này là phiên bản thử nghiệm của "Đề cương các hành động quân sự phi chiến tranh" (sau đây gọi là "Đề cương"). Truyền thông nhà nước Trung Quốc lần đầu tiên đưa tin về việc Tập Cận Bình ký bản Đề cương, nhưng không tiết lộ các nội dung cụ thể.

Tuyên truyền của truyền thông chính thức Trung Quốc

Theo tin của các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc bao gồm Bản tin Thời sự buổi tối của CCTVGiải phóng quân Báo, "Đề cương" có 6 chương và 59 điều, chủ yếu là quy phạm hệ thống các nguyên tắc cơ bản, tổ chức chỉ huy, các loại hình hoạt động, hỗ trợ hoạt động và công tác chính trị cho quân đội Trung Quốc; cung cấp cơ sở pháp lý để quân đội thực hiện các hoạt động quân sự phi chiến tranh.

Trong bài viết, Giải phóng quân Báo chỉ ra rằng: "Đề cương tập trung vào việc phòng ngừa và hóa giải hiệu quả các nguy cơ, thách thức, ứng phó xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, bảo vệ hòa bình thế giới và ổn định khu vực, đổi mới phương thức vận dụng lực lượng quân sự, quy phạm việc tổ chức thực thi hành động quân sự phi chiến tranh của quân đội, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện sứ mạng, nhiệm vụ của quân đội trong thời đại mới”.

Máy bay quân sự Trung Quốc liên tục bay vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan (Ảnh: Deutsche Welle).

Máy bay quân sự Trung Quốc liên tục bay vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan (Ảnh: Deutsche Welle).

Về vấn đề này, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) phiên bản tiếng Anh, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng quân đội Trung Quốc có thể ngăn chặn các hiệu ứng lan tỏa của bất ổn khu vực ảnh hưởng đến Trung Quốc, bảo vệ các tuyến đường vận chuyển quan trọng đối với các nguyên liệu chiến lược như dầu mỏ, hoặc bảo vệ các khoản đầu tư, dự án và nhân sự ở nước ngoài của Trung Quốc.

Tấn công Đài Loan – “Chiến dịch quân sự đặc biệt” phiên bản Trung Quốc?

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về cương lĩnh chính sách mới nhất của quân đội hầu hết chỉ giới hạn ở những nội dung kể trên. Tờ báo mạng China Table của Đức chuyên về các vấn đề Trung Quốc, đã đăng một bài báo phân tích, viết: "Mặc dù nội dung liên quan của “Đề cương” không được công khai, các tin tức chính thức cũng rất ngắn, nhưng tác động của nó quả thực rất sâu xa”.

Michael Radunski, một nhà báo chuyên nghiệp từng nhiều năm làm báo ở Trung Quốc, phân tích trong bài viết rằng, bản “Đề cương” do ông Tập Cận Bình ký đã tạo cơ sở pháp lý để Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bảo vệ hiệu quả chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát triển ở nước ngoài. Nhưng đồng thời, cách nói "hành động quân sự phi chiến tranh" không tránh khỏi gợi nhớ đến thuật ngữ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đang dùng. Bởi dù là Điện Kremlin hay đại diện chính phủ Nga, đều không bao giờ dùng từ “chiến tranh” khi mô tả cuộc chiến tranh chống Ukraine hiện nay của Nga mà chỉ nói rằng đó là một "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Ông Radunsky cho rằng điều này khiến bản “Đề cương" mới được ông Tập Cận Bình ký có nhiều điểm có thể so sánh với tình hình Ukraine hiện nay; ông trích dẫn ý kiến các chuyên gia, viết: "Ý nghĩa của Ukraine đối với Nga giống như Đài Loan đối với Trung Quốc".

Bài báo của Radunsky phân tích: “Quan sát kỹ, cách dùng từ ngữ trong "Đề cương" quả thực khiến người ta lo lắng về khuynh hướng áp dụng hành động quân sự phi chiến tranh giúp đảm bảo chủ quyền quốc gia. Theo quan điểm của Bắc Kinh, một cuộc tấn công vào Đài Loan chính xác là một hành động nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia. Dẫu sao, hòn đảo này được họ coi là một tỉnh phản đào và không thể tách rời thuộc về Trung Quốc đại lục. Theo cách hiểu này, đây không liên quan đến một cuộc tấn công vào quốc gia khác. Hành động này sẽ giống như hoạt động của cảnh sát ở trong nước Trung Quốc hơn. Trung Quốc thậm chí còn coi đưa Đài Loan về với đất mẹ là trách nhiệm dân tộc. Ông Tập Cận Bình tin chắc về điều này.

Máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc bay phía trên bãi Scaborough tranh chấp với Philippines (Ảnh: AP/Deutsche Welle).

Máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc bay phía trên bãi Scaborough tranh chấp với Philippines (Ảnh: AP/Deutsche Welle).

Ông Radunsky chỉ ra rằng cụm từ "hành động quân sự phi chiến tranh" (military operations other than war, MOOTW) cho phép Bắc Kinh không gọi cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan là một cuộc chiến tranh theo nghĩa truyền thống. Theo cách nói này, đó sẽ là một tranh chấp trong nước; đồng thời đó cũng là sự kết thúc cuộc nội chiến chống lại Quốc Dân Đảng.

Tiến sĩ Quách Dục Nhân (Guo Yuren), một nhà phân tích tại Viện Chính sách Quốc gia của Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ABC News của Australia: “Tôi cho rằng đây hiển nhiên là một bản sao của thuật ngữ 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của ông Putin. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, bản ‘Đề cương’ này gửi một tín hiệu rất có tính đe dọa tới Đài Loan, Nhật Bản và các nước xung quanh Biển Đông".

Tuy nhiên, trong dư luận cũng có một số ý kiến ​​cho rằng việc ông Tập Cận Bình ký "Đề cương hành động quân sự phi chiến tranh" mới nhất là nhằm vào tình hình nội bộ của Trung Quốc đại lục nhiều hơn.