Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam vừa có báo cáo công tác báo chí năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.
Theo báo cáo, hiện cả nước có 884 cơ quan báo chí, trong đó có 812 báo, tạp chí và 74 đài PTTH. Trong năm 2024, báo in, báo điện tử có doanh thu ước đạt 8.080 tỷ đồng, giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm khoảng 5,6%. Phát thanh, truyền hình đạt doanh thu 9.140 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí không biến động nhiều, khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người. Tính đến tháng 12/2024, có khoảng 21.000 người được cấp thẻ nhà báo.
Khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng
Về tình hình hoạt động của báo chí năm 2024, cơ bản các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, cùng hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống; tuyên truyền kết quả các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Kỳ họp Quốc hội, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; tuyên truyền đậm nét, sâu rộng các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước...
Năm 2024, báo chí tiếp tục chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; lan tỏa, biểu dương gương người tốt, việc tốt... khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng để thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng, tạo đồng thuận xã hội.
Đặc biệt, thông tin báo chí nêu bật chỉ đạo của Bộ Chính trị, xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách, số lượng tin, bài về truyền thông chính sách tăng từ 11% lên 20% (tổng tin bài trên báo chí hàng năm là 40 triệu; truyền hình 50 nghìn giờ; phát thanh 20 nghìn giờ). Kinh phí dành cho truyền thông chính sách của các địa phương tăng khoảng 10%, trong đó có một số tỉnh kinh phí cho truyền thông chính sách tăng 50%.
Báo chí đã thực hiện tốt trong công tác thông tin, tuyên truyền về bão số 3, cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền đổ bộ trực tiếp vào nước ta, song công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, các lực lượng, trong đó có hệ thống thông tin, tuyên truyền...do đó đã phần nào giảm thiểu được thiệt hại.
Báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế của báo chí trong năm 2024. Cụ thể, dấu hiệu người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, kiểm soát nội dung thông tin không sát sao, chặt chẽ.
Vẫn còn một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo, tham gia quỹ danh nghĩa hoạt động xã hội của cơ quan báo chí hoặc thu lợi bất chính.
Đây là những hoạt động thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật. Từ đầu năm 2024 tới nay, có khoảng 14 nhà báo bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can, trong đó có cả người đứng đầu cơ quan tạp chí.
Báo cáo cũng chỉ rõ, tính chuyên sâu, chuyên ngành của tạp chí thuộc hội, viện, nhất là loại hình tạp chí điện tử vẫn chưa được quan tâm, tiếp cận đúng mức; vẫn còn nhiều tạp chí điện tử thể hiện xu hướng phản ánh, thông tin sự kiện đơn thuần, dẫn đến thông tin không phù hợp tôn chỉ mục đích, tính chất hoạt động của tạp chí.
Tháo gỡ khó khăn về kinh tế báo chí
Năm 2024, Bộ TT&TT đã nỗ lực tiến hành các quy trình, thủ tục, báo cáo để ngày 7/11, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trong đó có dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Qua đó, giải quyết căn cơ những bất cập, tồn tại thời gian qua và thúc đẩy báo chí phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng và làm tốt công tác quản lý nhà nước.
Bộ TT&TT tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong đó, các mạng xã hội xuyên biên giới, các nền tảng phải thoả thuận với các cơ quan báo chí về việc có cho phép sử dụng bài báo của mình, chia sẻ đường link, chia sẻ nội dung bài báo hay không.
Nguồn thu của các cơ quan báo chí từ quảng cáo, phát hành tiếp tục sụt giảm mạnh. Nền công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho báo chí.
Lượng phát hành của báo, tạp chí in giảm mạnh do bạn đọc chuyển sang đọc tin tức trực tuyến miễn phí hoặc qua mạng xã hội. 80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok (khoảng hơn 01 tỷ đô la Mỹ), 20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước như 24h, VnExpress/Eclick, Dân trí, VCCorp/Admcro, Adtima,... Thêm vào đó, các trang tin, trang mạng xã hội cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến quảng cáo dành cho các cơ quan báo chí ngày càng bị thu hẹp.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí, ngày 14/6, Bộ TT&TT ban hành Thông tư số 05 hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công sử dụng NSNN trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đơn vị báo chí triển khai thực hiện chính sách của nhà nước về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và tăng cường điều kiện nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo tiếp tục thống nhất phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí. Bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, bảo đảm để báo chí giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin được triển khai thực hiện với phương thức đổi mới, chủ động, kịp thời bằng nhiều hình thức: Văn bản, trao đổi trực tiếp, sử dụng nền tảng xã hội Zalo, ứng dụng Viber...
Theo đánh giá, trong năm 2024, các cơ quan quản lý báo chí cũng đã tăng cường nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời đối với các dấu hiệu thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, biểu hiện không bám sát tôn chỉ, mục đích; kiên quyết xử lý các trường hợp thông tin sai sự thật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích.
Đặc biệt, đã kịp thời ban hành văn bản nhắc nhở, yêu cầu cơ quan chủ quản miễn nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí, kiên quyết không bổ nhiệm lại chức vụ người đứng đầu đối với cơ quan báo chí xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động báo chí.
Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo thông tin; duy trì thực hiện phương thức “quản lý theo số lớn”, trong đó sử dụng công nghệ đo đếm, đánh giá hoạt động báo chí để nắm bắt, nhận biết các xu thế thông tin, phát hiện các biểu hiện cần có sự điều chỉnh kịp thời.
Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí; nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng bộ Quy tắc về tiêu chuẩn “đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người làm báo”.
Tăng cường công tác thanh tra, xử lý sai phạm hoạt động báo chí
Theo báo cáo, năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được chú trọng, tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật.
Bộ TT&TT đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực báo chí có 25 quyết định với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. Lực lượng thanh tra TT&TT các tỉnh thành xử phạt vi phạm hành chính 181 vụ việc với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Với tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội, năm 2024, Bộ TT&TT đã ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 516,5 triệu đồng. Trong đó 2 tổng biên tập bị xử phạt về hành vi giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu