Báo cáo của Anh: Trung Quốc cố “giành quyền kiểm soát” và “vũ khí hóa” các tổ chức quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang cố gắng “giành quyền kiểm soát” các tổ chức quốc tế mang tầm quan trọng chiến lược để họ có thể “vũ khí hóa chúng”, theo báo cáo mới của Quốc hội Anh.
Anh và Trung Quốc đang căng thẳng trong hàng loạt vấn đề, trong đó có nhân quyền (Ảnh: Reuters)
Anh và Trung Quốc đang căng thẳng trong hàng loạt vấn đề, trong đó có nhân quyền (Ảnh: Reuters)

Báo cáo của Hội đồng đối ngoại, Quốc hội Anh được công bố trong hôm 17/6 cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt” nhiều nước để từ đó đưa các ứng viên mà họ lựa chọn lên các vị trí hàng đầu, sử dụng nhiều biện pháp – bao gồm tài chính – để “khiến các chính sách tách rời khỏi sự hợp vốn là mục đích thúc đẩy của các tổ chức”.

Báo cáo này, có tựa đề “Trong căn phòng: Vai trò của Vương quốc Anh trong ngoại giao đa phương”, còn kêu gọi chính phủ Anh tăng cường nỗ lực “chống lại tầm ảnh hưởng của những bên đang tìm cách thao túng và làm suy yếu các tổ chức đa phương, bằng cách công khai chỉ ra những nước đang lạm dụng và làm suy yếu hệ thống này”.

“Chúng tôi nhận thấy nỗ lực của một số quốc gia như Trung Quốc nhằm chiếm quyền kiểm soát các tổ chức mang tầm quan trọng chiến lược và định nghĩa lại một cách cơ bản các nguyên tắc từng được thống nhất về cách vận hành của chúng” – báo cáo có đoạn – “Điều này khiến cho các tổ chức đa phương bị vũ khí hóa, đi ngược lại những nguyên tắc nền tảng mà chúng được xây dựng nên”.

Nghị sĩ Tom Tugendhat, Chủ tịch Hội đồng đối ngoại và là một trong số những chính trị gia phản đối Trung Quốc có tầm ảnh hưởng nhất, nói: “Những thể chế được xây dựng từ đống đổ nát của Thế chiến II với mục đích bảo vệ nền dân chủ đang bị chiếm đoạt”.

Báo cáo này của Anh chắc chắn sẽ vấp phải phán ứng của Bắc Kinh. Hai quốc gia vốn đã căng thẳng về vấn đề nhân quyền – trong đó có việc áp dụng luật an ninh quốc gia ở Hong Kong hồi năm ngoái, khiến Anh đưa ra cơ chế nhập tịch đối với người dân ở thành phố này.

Hai nước cũng áp lệnh trừng phạt lẫn nhau sau các cáo buộc về lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương mà phía Bắc Kinh cực lực phản đối.

Ông Tugendhat nằm trong số 9 cá nhân và 4 tổ chức ở Anh bị Trung Quốc trừng phạt trong tháng 3 năm nay, do “phát tán những lời dối trá và thông tin sai lệch” về hành động của Trung Quốc ở Tân Cương.

Báo cáo của Quốc hội Anh tập trung vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) và Hội đồng Nhân quyền LHQ (HCR), Interpol và Tòa án Tội phạm Quốc tế. Một cơ quan quốc tế khác được nêu trong báo cáo – Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu – bị báo cáo cho là đang “gián đoạn” do Nga.

“Việc Trung Quốc sử dụng kiểu ngoại giao hung hăng, điều mà chúng tôi được nghe qua cụm từ “bắt nạt”, có thể được thấy trong hoạt động ở OHCHR và HRC, cũng như ở WHO” – báo cáo nêu.

6 tổ chức phải dựa vào nguồn tiền tài trợ từ các nước đã cho phép Trung Quốc mua tầm ảnh hưởng chính trị, theo báo cáo.

Báo cáo cho rằng, Trung Quốc đã dành được cơ hội mà chính quyền Donald Trump tạo nên – sau quyết định Mỹ cắt nguồn tiền tài trợ hoặc rút khỏi các tổ chức quốc tế - như trường hợp của WHO.

“Tổng thống Biden đã có những bước đi quan trọng để đảo ngược các vị trí đó; tuy nhiên có thể sẽ mất thời gian lâu hơn để lấy lại tầm ảnh hưởng đã bị mất” – báo cáo viết. Một trong những động thái đầu tiên của ông Joe Biden sau khi nhậm chức là tái gia nhập WHO.

Báo cáo trên xuất hiện trong lúc mà Anh dường như đang bước đi một cách cô độc trên trường quốc tế, sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

London mới đây còn sáp nhập cơ quan viện trợ quốc tế (DFID) với Văn phòng đối ngoại để tạo nên một cơ quan duy nhất: Văn phòng Đối ngoại, Thịnh vương chung và Phát triển. Họ cũng tuyên bố sẽ giảm nguồn viện trợ quốc tế từ mức 0,7% GDP xuống còn 0,5% GDP.

Trước đây, Anh thường đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức quốc tế khi đứng ở vị trí kết nối các quốc gia để đưa ra quan điểm chúng, báo cáo nói. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tầm ảnh hưởng của nước này đã phai nhạt dần mặc dù vẫn là một nhà tài trợ lớn.

“Dịch COVID-19 bùng phát càng khiến điều đó rõ ràng. WHO, tổ chức nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất từ Anh, đã bị Trung Quốc thống trị, trong khi họ đóng góp ít hơn nhiều” – ông Tugendhat nói.

Một báo cáo mà WHO đưa ra hồi năm ngoái cho thấy, 58 quốc gia và thể chế đã tài trợ 728 triệu USD cho tổ chức này, tính đến ngày 30/6/2020. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 10 với khoản đóng góp 25 triệu USD, đứng sau Kuwait, Nhật BẢn và Mỹ. Anh đứng ở vị trí đầu bảng với khoản đóng góp lên tới 108 triệu USD.

Một tổ chức khác được chỉ ra trong bản báo cáo của Anh là Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tháng 10/2020, Trung Quốc nằm trong số các nước được bầu chọn vào Hội đồng này, bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động và tổ chức cho rằng nước này gây ra nhiều vấn đề nhân quyền. Báo cáo của Anh chỉ ra rằng Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thất bại trong việc can thiệp vào vấn đề ở Tân Cương.

Theo SCMP