Báo Ấn Độ: bùng nổ xung đột biên giới Trung-Ấn, 20 lính Trung Quốc bị thương, Bắc Kinh phủ nhận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc đối đầu quân sự biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu từ tháng 5/2020 vẫn tiếp tục căng thẳng. Theo báo chí Ấn Độ, quân đội hai bên gần đây đã xung đột trở lại, hàng chục lính Trung Quốc đã bị thương.
Binh lính Ấn Độ tuần tra ở biên giới Trung-Ấn (Ảnh: Dwnews).
Binh lính Ấn Độ tuần tra ở biên giới Trung-Ấn (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) ngày 25/1, cùng ngày quân đội Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố xác nhận quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã có một cuộc đối đầu quy mô nhỏ ở khu vực Naku La trong lãnh thổ Ấn Độ vào ngày 20/1. Các sĩ quan chỉ huy địa phương đã giải quyết vấn đề theo thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên. Các phương tiện truyền thông được yêu cầu không đưa tin phóng đại không phù hợp với sự thật.

Trước đó, nhiều cơ quan truyền thông chính thống ở Ấn Độ đưa tin đã có một cuộc xung đột mới giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới. Tờ Times of India ngày 25/1/2021 đưa tin, nhiều nguồn tin tiết lộ rằng quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ ở khu vực Naku La thuộc khu vực Sikkim của biên giới vài ngày trước và cả hai bên đều có người bị thương.

Bản tin chỉ ra rằng Naku La là một trong những địa điểm đối đầu ban đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ hồi đầu tháng 5/2020. Các địa điểm đối đầu khác bao gồm khu vực Pangong Tso, Thung lũng Galwan, và khu vực Hot Springs (Suối nước nóng). Nguồn tin chỉ ra rằng tình hình hiện đã được kiểm soát.

Lính Trung Quốc ở biên giới Trung-Ấn (Ảnh: CCTV).

Lính Trung Quốc ở biên giới Trung-Ấn (Ảnh: CCTV).

Hãng tin India News Asia International (ANI) ngày 25/1 cũng dẫn các nguồn tin cho biết quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ thực tế ở khu vực Naku La thuộc khu vực biên giới Sikkim hồi tuần trước và binh sĩ của cả hai bên đều bị thương.

Tờ India Today nói rõ thêm: “Khoảng 20 lính Trung Quốc đã bị thương, trong đó 4 người bị thương nặng”.

Tờ Hindustan Times ngày 25/1 đưa tin, các quan chức Ấn Độ cho biết, quân đội Ấn Độ sẽ sớm đưa ra tuyên bố về cuộc xung đột. Họ cũng nói rằng binh lính Trung Quốc đã định xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ nên đã dẫn đến xung đột xảy ra.

Trong khi đó, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu truyền thông nhà nước Trung Quốc, viết trên Weibo hôm 25/1: “Các thông tin trên các cơ quan truyền thông Ấn Độ cơ bản là sai sự thật. Nhật ký tuần tra của quân đội Trung Quốc ở biên giới không có ghi chép gì về vụ việc này. Gần đây, vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 9 đã diễn ra chứ không xảy ra xung đột biên giới mới. Hai bên chắc chắn không xảy ra xung đột quy mô như các cơ quan truyền thông Ấn Độ mô tả. Lực lượng tuyến trước của hai nước thỉnh thoảng có xích mích nhỏ. Nếu có va chạm gây ra thương vong, chắc chắn sẽ được phản ánh trong nhật ký tuần tra của phía Trung Quốc".

Lính Trung Quốc dựng lều trú quân trên tuyết ở khu vực biên giới tranh chấp (Ảnh: Dwnews).

Lính Trung Quốc dựng lều trú quân trên tuyết ở khu vực biên giới tranh chấp (Ảnh: Dwnews).

Theo các nguồn tin truyền thông Ấn Độ, Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 9 vào ngày 24/1 nhằm phá vỡ thế bế tắc trong cục diện đối đầu ở biên giới. Tờ The Print của Ấn Độ ngày 25/1 tiết lộ rằng cuộc đàm phán kéo dài trong 16 giờ rưỡi. Hai bên đã phá vỡ thành công "thế bế tắc" về Tuyến kiểm soát thực tế (LAC), nhưng vẫn chưa đạt được bước đột phá trong việc cách ly tiếp xúc quân đội hai bên.

Đa Chiều cho biết, kể từ đầu tháng 5/2020, lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đã liên tục đối đầu nhau ở khu vực biên giới. Vào ngày 15/6, quân hai bên đã đụng độ tại Thung lũng Galwan và gây ra thương vong nặng nề hiếm thấy. Sau đó cuộc đối đầu vẫn tiếp tục và tình hình khu vực Hồ Pangong là vấn đề bế tắc lớn nhất. Hai bên đã lần lượt chiếm một số khu vực trọng yếu ở bờ nam và bờ bắc của Hồ Pangong.

Trong một diễn biến liên quan, các cơ quan truyền thông Ấn Độ tiết lộ Trung Quốc xây dựng các ngôi làng mới trong khu vực tranh chấp ở biên giới Trung-Ấn tiếp tục gây ra tranh cãi. Bắc Kinh xây dựng một ngôi làng mới có ý đồ gì? Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc đã tiết lộ nội tình.

Xe tăng Trung Quốc (mũi tên đỏ) đối đầu với xe tăng Ấn Độ (xanh) tại khu vực biên giới (Ảnh: Dwnews).

Xe tăng Trung Quốc (mũi tên đỏ) đối đầu với xe tăng Ấn Độ (xanh) tại khu vực biên giới (Ảnh: Dwnews).

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 24/1, một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói, việc xây dựng các ngôi làng mới trong khu vực tranh chấp ở biên giới Trung-Ấn là “một phần của kế hoạch xóa đói giảm nghèo quốc gia”.

Nguồn tin giấu tên này nói rằng việc Trung Quốc xây dựng những con đường mới cho mục đích quân sự trong khu vực đã “mang lại cơ hội tốt xây nhà ở cho người Tây Tạng địa phương bằng quỹ xóa đói giảm nghèo”.

Trương Gia Đống, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cố gắng mở rộng sự hiện diện của mình tại các khu vực tranh chấp. Ông nói, cả hai bên đều cố gắng kiểm soát biên giới và không muốn nhượng bộ nhau.

Ngôi làng gây tranh cãi được Trung Quốc khánh thành hôm 17/12/2020 (Ảnh: Dwnews).

Ngôi làng gây tranh cãi được Trung Quốc khánh thành hôm 17/12/2020 (Ảnh: Dwnews).

Lâm Dân Vượng, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phúc Đán cho rằng ngôi làng này được xây dựng không phải để chống lại Ấn Độ.

Ông nói: “Việc xây dựng làng mạc và nâng cấp cơ sở hạ tầng không phải là hành động nhằm vào Ấn Độ, mà là chính sách lâu dài của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề mất nguồn nhân lực ở khu vực biên giới. Điều này (mất nguồn nhân lực) có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh biên giới".

Tuy nhiên, các học giả Ấn Độ cho rằng việc Bắc Kinh xây nhà ở các khu vực tranh chấp với Ấn Độ là một ví dụ khác về “chủ nghĩa xâm lược bành trướng” của Trung Quốc.

Ông Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Centre for Policy Research (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách), một tổ chức tư vấn của Ấn Độ, cho biết: “Việc Trung Quốc xây dựng các khu định cư dân sự là để tạo lập nền tảng cho các yêu sách lãnh thổ của họ về mặt luật pháp quốc tế. Hiện tại, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đang thiếu cơ sở luật pháp”.

Giáo sư Chellaney cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các ngôi làng ở biên giới Trung-Ấn là "ví dụ mới nhất về việc vận dụng mô hình Biển Đông để xâm chiếm các vùng nội địa của Ấn Độ, Bhutan và Nepal".

TRuyền thông cho rằng ngôi làng được xây sâu bên trong lãnh thổ Ấn Độ 4,5km (Ảnh: NDTV).

TRuyền thông cho rằng ngôi làng được xây sâu bên trong lãnh thổ Ấn Độ 4,5km (Ảnh: NDTV).

Đài truyền hình New Delhi (NDTV) của Ấn Độ ngày 18/1/2021 đã công bố hình ảnh vệ tinh chụp ngày 1/11/2020. Theo đó, vào năm 2020, Trung Quốc đã xây dựng một ngôi làng với 101 hộ gia đình có sức chứa hàng nghìn người ở khu vực Thượng Subansiri thuộc bang Arunachal Pradesh, nơi có tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Trung Quốc gọi là Tạng Nam).

Đài truyền hình cũng đã phỏng vấn một số chuyên gia và phân tích những hình ảnh này và kết luận rằng những ngôi nhà này "nằm trong khoảng 4,5 km về phía Ấn Độ của Đường kiểm soát thực tế (LAC)".

Ngày 21/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói trong cuộc họp báo thường kỳ: “Lập trường của Trung Quốc đối với đoạn phía đông của biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, tức là khu vực Tạng Nam của Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc chưa bao giờ công nhận ‘bang Arunachal Pradesh’ được Ấn Độ thành lập bất hợp pháp trên lãnh thổ Trung Quốc”.