Theo thông báo của Cục thông tin Bộ Quốc phòng Nga, trong hội đàm, ông Sergey Shoigu cho biết quan hệ hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự Nga - Việt đạt được nhiều thành quả. Nga cảm ơn Việt Nam cho phép tàu chiến Nga vào vịnh Cam Ranh.
Nga và Việt Nam đã ký kết văn kiện quan trọng đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến đối phương vào cảng của nhau với mong muốn điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy giao lưu hạm đội hai bên, tăng cường hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự song phương.
Trong hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã đánh giá cao trình độ hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự Việt - Nga. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng sau chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu quyết định cử tàu cứu hộ của Hạm đội Thái Bình Dương đến Việt Nam tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn liên hợp. Việt Nam đánh giá cao đối với vấn đề này.
Ngoài ra, theo Sputnik Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết tới đây Việt Nam sẽ cử một Thứ trưởng Quốc phòng chuyên trách hợp tác kỹ thuật quân sự sang Nga tham dự Diễn đàn "Quân đội - 2018" ở Nga. Việt Nam sẽ tham gia các cuộc thi "Tank Biathlon", "Việt dã y tế" và "Bếp dã chiến" trong khuôn khố Thế vận hội quân đội - 2018".
Về hợp tác đào tạo quân sự, đáng chú ý trong năm 2018 Nga sẽ dành cho Việt Nam 176 suất đào tạo chuyên viên quân sự tại Nga. Hiện nay, quan hệ quốc phòng Việt - Nga tiếp tục phát triển tích cực. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước thường xuyên thăm nhau. Tháng 1/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã có chuyến thăm Việt Nam thành công.
Khi đó, ông Sergey Shoigu cho biết Nga có ý định chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm thử nghiệm trang bị kỹ thuật quân sự trong điều kiện chiến đấu. Theo ông Sergey Shoigu, duy trì quan hệ tin cậy và chặt chẽ với Việt Nam là một trong những phương hướng ưu tiên của chính sách đối ngoại Nga.
Ông Sergey Shoigu nói: "Chúng tôi coi quý quốc là đồng minh chiến lược, người bạn lâu dài và tin cậy. Việt Nam là một trong những đối tác hợp tác quan trọng nhất của chúng tôi trên phương diện bảo đảm an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Quan hệ quốc phòng luôn được đặt lên vị trí cao trong quan hệ Việt - Nga. Việt Nam là một trong những khách hàng vũ khí lớn của Nga trong những năm qua.
Trao đổi cấp cao Việt - Nga ngày càng thường xuyên. Ngoài cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư chúc mừng ông Vladimir Putin tiếp tục được bầu lại làm Tổng thống Nga (ngày 19/3/2018) và tiến hành điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin (ngày 28/3/2018). Những hoạt động trao đổi cấp cao này đã tiếp tục giúp cho hai bên đạt thêm nhiều đồng thuận quan trọng, tăng cường lòng tin chiến lược và thúc đẩy làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Đánh giá về quan hệ quốc phòng Việt - Nga, báo chí Trung Quốc cho rằng những năm gần đây quân đội Việt Nam đã dành nhiều kinh phí cho hiện đại hóa quân đội, đã mua rất nhiều vũ khí mới của Nga, từ đó tăng mạnh khả năng tác chiến.
Báo chí Trung Quốc rất chú ý theo dõi từng chương trình hợp tác quốc phòng cụ thể giữa Việt Nam và Nga như: Nga bán tàu hộ vệ lớp Gepard, tàu ngầm lớp Kilo, xe tăng chiến đấu T-90S/SK, máy bay chiến đấu dòng Sukhoi… cho Việt Nam; Nga và Việt Nam hợp tác chế tạo tàu tên lửa; Nga giúp Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm và cơ sở hạ tầng hải quân hiện đại, giúp Việt Nam đào tạo rất nhiều cán bộ kỹ thuật…
Theo báo chí Nga, Việt Nam đang tiến gần đến mục tiêu trở thành một lực lượng hải quân mạnh, hiện đại mang tính khu vực. Ngoài khả năng tác chiến được tăng cường trên và dưới mặt biển, các vũ khí trang bị của Nga có thể giúp cho Việt Nam “phô diễn” sức mạnh quân sự.
Trong tương lai, kế tiếp Trung Quốc, Nga còn có thể bán hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 cho Việt Nam. Rất nhiều kinh phí Việt Nam mua sắm vũ khí Nga đều đến từ nguồn vay do Nga cung cấp.
Hiện nay, Nga tiếp tục coi trọng quan hệ với các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương với mục đích chính là đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí trang bị. Nga sẽ thực hiện một chính sách “cân bằng”, không tham gia vào các tranh chấp chủ quyền, không nghiêng về bên nào. Đây sẽ là chính sách lâu dài của Nga.