Rác thải tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Tại Hà Nội, người dân vẫn chưa thể quên được những hình ảnh rác thải “ngập” phố phường trong những ngày người dân chặn lối vào bãi rác Nam Sơn, hay như việc công nhân “đình công” khiến rác tài tồn đọng tại các quận Tây Hồ và Nam Từ Liêm.
Đối với một địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, việc xử lý rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt từ lâu đã được coi trọng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 900 tấn chất thải sinh hoạt. Khối lượng này đang được xử lý bằng phương pháp đốt, riêng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của CTCP Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) đã xử lý được từ 100 – 105 tấn rác/ngày.
Theo công bố, Thuận Thành EJS và JFE Engineering Corporation mới đây đã được chấp thuận làm chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng của tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành. Dự án này có tổng kinh phí đầu tư hơn 1.348 tỉ đồng, bắt đầu triển khai từ Quý 4/2020 và dự kiến hoàn thành vào Quý 4/2023.
Thuận Thành EJS, như VietTimes từng đề cập, là doanh nghiệp xử lý rác thải công nghiệp lớn bậc nhất miền Bắc, chính là đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác thải cho nhà xuất khẩu công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay: Tập đoàn Samsung.
Thành lập từ năm 2009, quá trình phát triển của Thuận Thành EJS in đậm dấu ấn của đại gia Vũ Văn Đắc - người được mệnh danh là "vua rác" Bắc Ninh.
Dưới sự dẫn dắt của vị doanh nhân sinh năm 1966, Thuận Thành EJS đều đặn ghi nhận doanh thu nghìn tỉ đồng năm này qua năm khác, đồng thời báo lãi trăm tỉ đồng mỗi năm.
Cơ cấu sở hữu Thuận Thành EJS, dĩ nhiên, thể hiện sự chi phối của nhà "vua rác". Nhưng có một chi tiết đáng chú ý, về một cổ đông ít được để ý.
...
Cập nhật tới ngày 21/6/2016, ông Vũ Văn Đắc trực tiếp sở hữu 55% cổ phần, nắm giữ tỷ lệ chi phối tại Thuận Thành EJS. Bà Nguyễn Thị Thoa – phu nhân của ông Đắc, một bác sĩ – cũng trực tiếp đứng tên 5% cổ phần.
40% cổ phần còn lại tại Thuận Thành EJS thuộc về một cổ đông ít được để ý, là ông Nguyễn Trọng Khánh (SN 1972). Mà không chỉ ở Thuận Thành EJS, ông Nguyễn Trọng Khánh còn song hành cùng đại gia Bắc Ninh Vũ Văn Đắc ở nhiều doanh nghiệp khác.
Cập nhật tới tháng 1/2016, ông Vũ Văn Đắc và Nguyễn Trọng Khánh là các cổ đông của Công ty Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi sao Xanh (TNHH) – viết tắt: Green Star - với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 54,7% và 45,3% vốn điều lệ. Pháp nhân này được thành lập từ tháng 4/2006, là chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất giấy công nghệ sạch tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, trên diện tích 12.371,3 m2.
Hay tại CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ môi trường sạch (nay là CTCP Đầu tư công nghiệp và TMD Tân Yên), ông Nguyễn Trọng Khánh và vợ chồng doanh nhân Vũ Văn Đắc – Nguyễn Thị Thoa là các cổ đông sáng lập. Trong đó, gia đình doanh nhân Vũ Văn Đắc nắm tỷ lệ sở hữu chi phối với 62% vốn, còn ông Nguyễn Trọng Khánh sở hữu 38% vốn điều lệ còn lại.
CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ môi trường sạch là chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp, địa chỉ tại thôn Lăng Cao, xã Cao Xá, huyện Tân Yên. Dự án được chấp thuận đầu tư từ ngày 5/11/2013 song bị chậm tiến độ nhiều năm. Đến tháng 11/2019, dự án này vẫn nằm trong diện “không đưa, chậm đưa đất vào sử dụng, dự án phải gia hạn”.
Công ty TNHH Tiếp vận Dasuka
Chung vốn cùng đại gia nức tiếng xứ Kinh Bắc - ông Vũ Văn Đắc - ở nhiều công ty, hẳn thị trường sẽ tò mò rằng ông Nguyễn Trọng Khánh là ai (?).
Một nguồn tin cho biết, ông Khánh bắt đầu công tác tại nhà máy Toyota Vĩnh Phúc từ năm 1997 đến năm 2007, từng làm đến chức vụ Trưởng phòng sản xuất.
Sau đó, ông Khánh có vài tháng làm việc tại Panasonic Electric Việt Nam, trước khi chung vốn thành lập Công ty TNHH Tiếp vận Dasuka (Dasuka Logistics) cùng ông Vũ Văn Đắc vào tháng 8/2008.
Kịch bản góp vốn tại Dasuka Logistics cũng như nhiều doanh nghiệp khác mà VietTimes đã đề cập. Đó là ông Vũ Văn Đắc sở hữu quá bán với 54,7% vốn, còn ông Nguyễn Trọng Khánh chỉ sở hữu 45,3% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, vai trò của ông Nguyễn Trọng Khánh ở đây lớn hơn một cổ đông đơn thuần, khi còn đảm nhiệm vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải – phu nhân của ông Khánh – cũng đồng hành cùng chồng, trên cương vị Trưởng phòng kinh doanh của Dasuka Logistics.
Dưới sự điều hành của vị doanh nhân sinh năm 1972, Dasuka Logistics trong các năm gần đây đều báo lãi, tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của Dasuka Logistics tăng trưởng tới 2 chữ số. Đỉnh điểm là năm 2019, Dasuka Logistics ghi nhận doanh thu thuần đạt 363,6 tỉ đồng, tăng 45% so với năm 2018.
Tương tự, lợi nhuận thuần của Dasuka Logistics cũng được cải thiện. Năm ngoái, doanh nghiệp này báo lãi thuần 8 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 2%.
Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Dasuka Logistics đạt 151,3 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu./.