“Trong thời gian vừa qua, Bamboo Airways đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ”, fanpage của Bamboo Airways mở đầu dòng trạng thái có tựa đề: “Bamboo Airways duy trì hoạt động bình thường”, đồng thời cho hay: “hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để đảm bảo lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất”.
“Đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối”, hãng bay này nhấn mạnh.
Tờ Vietnamnet dẫn lời ‘đại diện chủ đầu tư mới’ của Bamboo Airways nói rằng hãng bay gặp khó khăn trong thời gian vừa qua, tuy nhiên không có chuyện nộp đơn xin bảo hộ phá sản ra tòa án như tin đồn lan truyền trên thị trường.
Trước đó, Thanh Niên dẫn lời ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines – phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Giao thông vận tải, cho biết “một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản”. Thông tin này ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông và mạng xã hội.
Thời gian qua, cùng với các động thái tái cấu trúc, thượng tầng của Bamboo Airways cũng chứng kiến nhiều biến động.
Tuần trước, Hội đồng quản trị (HĐQT) Bamboo Airways đã chấp thuận đơn từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT Oshima Hideki, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng và hai Phó Chủ tịch HĐQT Doãn Hữu Đoàn, Phan Đình Tuệ.
Ở hướng ngược lại, ông Lê Thái Sâm được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways. Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Trọng còn kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc Bamboo Airways thay ông Nguyễn Minh Hải.
Bảo hộ phá sản là gì, làm thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Trả lời Vietnamnet, ông Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh – cho hay, bảo hộ phá sản là khái niệm của nước ngoài, pháp luật Việt Nam hiện chưa có định nghĩa cụ thể cho thuật ngữ này.
“Theo ông Truyền, ở Việt Nam, theo Luật Phá sản 2014 thì khi doanh nghiệp nộp hồ sơ phá sản thì toà án sẽ xem xét, khi thụ lý vào doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng dưới sự giám sát của toà án và quản tài viên.
Trên thực tế, có thể hiểu bảo hộ phá sản là việc một doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề tài chính.
Nếu việc phục hồi của doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, trả được các khoản nợ cho chủ nợ của mình và tiếp tục các hoạt động kinh doanh”, tờ này viết./.