Cơ cấu cổ đông mới nhất của Bamboo Airways

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cơ cấu cổ đông hiện thời của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – Mã CK: BAV) được làm rõ bởi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng ngay tại ĐHĐCĐ bất thường (EGM) của hãng bay này hôm 9/5.

Theo đó, Bamboo Airways được sáng lập bởi duy nhất ông Trịnh Văn Quyết, song đến thời điểm này, BAV được sở hữu bởi nhiều cổ đông.

Trong đó, có 5 cổ đông lớn đã định danh, gồm có: ông Trịnh Văn Quyết sở hữu trên 10% cổ phần, ông Lê Thái Sâm sở hữu 12,5% cổ phần, ông Doãn Hữu Đoàn sở hữu 23% cổ phần, Tập đoàn FLC nắm hơn 21% cổ phần và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) sở hữu khoảng 11% cổ phần.

Sau phiên EGM, cổ đông lớn Lê Thái Sâm - người được Chủ tịch Bamboo Airways gọi là "nhà đầu tư mới" - trở thành cái tên được thị trường và truyền thông chú ý hơn cả. Phần vì ông là người đã kiến nghị phương án tăng vốn mới của Bamboo Airways (phương án này sau đó đã được ĐHĐCĐ thông qua).

Nhưng công chúng quan tâm hơn tới ông Sâm ở chi tiết - được chính ông chia sẻ - là ông là người đã cho Bamboo Airways vay 7.727,8 tỉ đồng (bao gồm cả gốc và lãi), để hỗ trợ công ty qua giai đoạn đầy thử thách 2022. Các các hợp đồng cho công ty vay tiền mặt ấy - theo như ông Sâm viết - là "không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp và không có tài sản đảm bảo".

Cổ đông lớn Lê Thái Sâm

Thật ra, ông Lê Thái Sâm đã ra mặt ở BAV từ tháng 8/2022 với vai trò thành viên HĐQT. Từ trước đó một tháng, ông đã vào HĐQT FLC - tập đoàn mẹ một thời của Bamboo Airways. Khi báo cáo tài chính bán niên của FLC được công bố (cuối tháng 7/2022), ông Sâm cũng gây chú ý với khoản cho vay hơn 600 tỉ đồng với FLC. Nhưng khoản cho vay khủng với Bamboo Airways thì đến lúc này công chúng mới được thông tin.

Trước đó, công chúng mới chỉ biết đến khoản vay của BAV với Tập đoàn Him Lam, thông qua một bài phỏng vấn của Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân trên Báo điện tử Chính phủ. "Trong thời điểm khó khăn ấy, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỉ đồng" - tờ báo dẫn lời ông Quân vào tháng 3/2023.

Vì BAV chưa công bố báo cáo tài chính nên không rõ Him Lam trực tiếp cho BAV vay tiền hay thông qua bên thứ ba. Lưu ý, số tiền 8.000 tỉ đồng mà Him Lam cho BAV vay - như chia sẻ của ông Quân - cũng không chênh lệch quá lớn với số tiền hơn 7.700 tỉ đồng mà ông Lê Thái Sâm cho BAV vay.

Lãnh đạo BAV không nêu thời điểm ông Lê Thái Sâm trở thành cổ đông lớn của Bamboo Airways, song dữ liệu VietTimes thu thập được cho thấy, thượng tuần tháng 3/2023, ông Lê Thái Sâm đã xác lập một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với nhà sáng lập Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 10/3/2023.

Nguồn tin từ một nhà băng chủ nợ của Bamboo Airways cũng xác nhận với VietTimes về việc chuyển tên sở hữu cổ phần BAV - được cầm cố tại đây - từ ông Quyết cho ông Sâm. Số cổ phần BAV này sau đó vẫn tiếp tục được cầm cố để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ.

bav-bamboo-airways.png

Trong một diễn biến đáng chú ý, trước thềm EGM 2023 lần 2 của Bamboo Airways ít tiếng, HĐQT FLC đã quyết nghị việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần BAV mà FLC đang sở hữu cho ông Lê Thái Sâm, đồng thời ủy quyền toàn bộ và không hủy ngang trong mọi trường hợp quyền cổ đông của FLC tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm.

Điều này đồng nghĩa ông Lê Thái Sâm sẽ sớm "thế chân" FLC nắm giữ 401,5 triệu cổ phiếu BAV. Cộng với 231,7 triệu cổ phiếu BAV đang nắm giữ (tính đến ngày 3/5/2023), ông Sâm có thể nâng lượng sở hữu lên 633,2 triệu cổ phần BAV, tương đương 34,2% vốn điều lệ Bamboo Airways.

Chưa dừng lại ở đó, theo phương án tăng vốn điều lệ do ông Sâm đề xuất và đã được EGM 2023 lần 2 của Bamboo Airways thông qua, hãng hàng không này dự kiến phát hành 772 triệu cổ phần cho các chủ nợ để hoán đổi nợ thành cổ phần và phát hành 378 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược.

Nếu toàn bộ 772 triệu cổ phần nêu trên được phát hành để hoán đổi nợ với ông Lê Thái Sâm, khi ấy, theo tính toán của VietTimes, tỷ lệ sở hữu của ông Lê Thái Sâm ở Bamboo Airways sẽ tăng mạnh lên mức 46,8%, tương đương với hơn 1,4 tỉ cổ phần.

Cơ cấu sở hữu Bamboo Airways dự kiến còn thay đổi nữa khi một số cổ đông đã lên kế hoạch chuyển nhượng cổ phần. Có thể kể đến như Ngân hàng NCB. Nhà băng này đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chuyển nhượng toàn bộ 203 triệu cổ phần BAV đang nắm giữ, vốn là tài sản đảm bảo cho các khoản vay trước đây.

Được đề cập đến nhiều trong câu chuyện tái cấu trúc Bamboo Airways, nhưng cơ cấu cổ đông lớn hiện tại của Bamboo Airways chưa thấy sự "ra mặt" của Him Lam Group, ngoài sự xuất hiện của nhà sáng lập Dương Công Minh trong vai trò Cố vấn cao cấp HĐQT BAV vào trung tuần tháng 8/2022.

Nỗ lực chuyển đổi số

Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng, việc tái cơ cấu khoản vay và tăng vốn điều lệ được xem là một trong những bước đi chiến lược của Bamboo Airways nhằm củng cố vị thế một trong ba hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.

Nguồn vốn mới được kỳ vọng sẽ giúp Bamboo Airways tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế, bổ sung lựa chọn dịch vụ hàng không chất lượng, cùng cung cách phục vụ tự tâm cho hành khách trong và ngoài nước.

Bamboo Airways hiện đang khai thác hơn 40 đường bay nội địa và 14 đường bay thẳng quốc tế thường lệ. Hãng hàng không này đặt mục tiêu nâng quy mô đội bay lên 65 chiếc vào năm 2025 và 100 chiếc vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng đang xúc tiến xây dựng từng bước hệ sinh thái bổ trợ cho hàng không, mở rộng các doanh nghiệp trong lĩnh vực như cung ứng phục vụ mặt đất, hạ tầng kỹ thuật, cung ứng suất ăn, vận tải hàng hóa.

Ngoài ra, hãng bay này cũng đang nỗ lực chuyển đổi số với mục tiêu nâng cao trải nghiệm số hóa cho khách hàng trên các nền tảng trực tuyến, tạo ra các trải nghiệm liền mạch và đồng bộ từ quy trình đặt vé, check-in tự động./.