Loạt bài “Bệnh nhân khổ sở vì thiếu vật tư y tế” phản ánh tình trạng nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức không được phẫu thuật kịp thời, phải chuyển vật do thiếu vật tư. Còn bệnh nhân của Bệnh viện K phải tự mua dao mổ, tìm đến bệnh viện khác để xét nghiệm vì lý do tương tự.
Trong khi nhiều bệnh viện nói thiếu thuốc, vật tư y tế là do chưa có hướng dẫn đấu thầu thì đại diện Bộ Y tế khẳng định Nghị định 24 mà Chính phủ mới ban hành đã tháo gỡ tối đa các bất cập. Để xảy ra thiếu thuốc, vật tư là trách nhiệm của bệnh viện.
Vì sao nhiều bệnh viện vẫn có thể mua sắm?
Con số Bộ Y tế đưa ra cuối 2023 cho thấy hơn 60% bệnh viện đảm bảo đủ hàng hoá y tế phục vụ khám, chữa bệnh. Có phải những bệnh viện này áp dụng cơ chế đặc thù trong đấu thầu nên chủ động được việc đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị?
Ông Phạm Xuân Thắng - Phó hiệu trưởng phụ trách tài chính Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết cơ chế tự chủ tài chính của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (đơn vị trực thuộc Trường Đại học Y Hà Nội) không khác các đơn vị khác. Để chủ động trong mua sắm, lãnh đạo bệnh viện và cán bộ chuyên môn phải nghiên cứu kỹ quy định pháp luật và thực hiện nghiêm.
“Nếu thực sự làm vì công việc, làm hết sức mình vì bệnh nhân, thì sẽ vận dụng được tốt nhất các chính sách vào cuộc sống. Trên thực tế, dựa trên Luật Đấu thầu và Nghị định 24, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội đã có thể triển khai được việc mua sắm, đấu thầu, để đảm bảo đủ hàng hoá phục vụ khám, chữa bệnh”, ông Thắng chia sẻ.
Bệnh viện Phổi Trung ương cũng là một trong những cơ sở không chờ đợi thông tư hướng dẫn mà vẫn đủ thuốc, vật tư, hoá chất. PGS.TS. Vũ Xuân Phú, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết từ lúc xảy ra COVID-19 cho đến lúc chuyển đổi các quy định như Luật khám, chữa bệnh, Luật Đấu thầu, đơn vị này vẫn tổ chức đấu thầu bình thường, theo đúng quy định của pháp luật. Tất nhiên cũng có những khoảng thời gian gặp khó khăn trong việc cung ứng thuốc, vật tư y tế.
Trong thực hiện cơ chế chính sách, cũng có khó khăn nhưng theo ông Phú, cần phải vận dụng tối đa hành lang pháp lý, chính sách vào thực tiễn, đặc biệt không được vi phạm pháp luật. Việc vận dụng các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định trong mua sắm đấu thầu sẽ phụ thuộc vào tư duy quản lý, điều hành của từng đơn vị để làm sao đúng pháp luật.
Bệnh viện Bạch Mai cũng đủ thuốc, vật tư, vì triển khai đấu thầu sớm và liên tục. Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - đơn vị đã kiện toàn ban phòng chống tham nhũng và truyền thông để cán bộ làm công tác đấu thầu có thể tự tin mua sắm, không vướng vào vấn đề "hoa hồng" với các nhà thầu.
Đơn vị cũng luôn tạo điều kiện bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng, không mua chuộc cán bộ của bệnh viện.
Trong các hợp đồng thầu, bệnh viện đưa hẳn vào bài thầu vấn đề phòng chống tham nhũng với các công ty tham gia mua sắm, để tránh tình trạng cán bộ thông đồng với doanh nghiệp. Vì vậy, một loạt gói thầu của bệnh viện đã được mua sắm thành công và giảm giá so với giá kế hoạch giảm từ 15 - 30%.
Lãnh đạo một bệnh viện thuộc Hà Nội (xin được giấu tên) cũng chia sẻ kinh nghiệm mua hết 100% hàng hoá đã ký hợp đồng và tính toán từng loại thuốc. Nếu dự liệu thuốc hết sớm, đơn vị mua thêm 20% theo văn bản hướng dẫn. Trường hợp vẫn thiếu thuốc, bệnh viện xin điều chuyển từ các bệnh viện có dư.
Đối với vật tư, Nghị định 24 cho phép mua 30% áp thầu nếu thiếu, tức là dùng một hợp đồng giá thấp nhất với cùng chủng loại trên địa bàn.
Giám đốc bệnh viện này bật mí: nhờ thực hiện chuyển đổi số nên bệnh viện đã biết được số lượng thuốc, vật tư, hoá chất sử dụng là bao nhiêu, dự kiến được thời gian sử dụng hết, để chủ động mua sắm sớm, không đợi hết mới triển khai.
"Phải cho bệnh viện được nói thật"
Có quan điểm giống một số đơn vị quản lý đã trả lời VietTimes ở kỳ trước, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho rằng cơ chế đấu thầu không còn vướng mắc, vì các văn bản hướng dẫn đã có. Luật Đấu thầu và Nghị định 24 đã tháo gỡ hết khó khăn mà các bệnh viện từng phản ánh.
Theo ông Khoa, tư duy chờ thông tư hướng dẫn mới mua sắm là sai, vì các quy định đã có. Tuy nhiên, một lý do nữa khiến nhiều bệnh viện thiếu vật tư là có những gói mua sắm không có nhà thầu tham gia vì thiếu nguồn hàng để cung ứng. Tình trạng này xảy ra do các công ty sản xuất hàng hoá y tế cũng bị ảnh hưởng sau dịch COVID-19.
Trong khi các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và đại một số bệnh viện cho rằng bệnh viện công hoàn toàn có thể đấu thầu thuốc và vật tư, thì gần 40% cơ sở y tế vẫn "kêu khó", khiến hoạt động khám chữa bệnh không thể diễn ra bình thường. Một đại biểu Quốc hội từng công tác trong ngành y tế cũng xác nhận thời gian gần đây, khi đi giám sát và tiếp xúc cử tri, các đoàn đại biểu cũng nhận thấy tình trạng nhiều nơi thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Đáng nói là khi cùng đoàn giám sát của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội về Nam Định, vị đại biểu Quốc hội này cũng ghi nhận tình trạng thiếu thuốc. Tuy nhiên, trong giấy tờ viết là “thiếu cục bộ một số thuốc”. "Và tôi đã phát biểu trong cuộc họp là ai tìm được 2 chữ 'cục bộ' mỹ miều đến thế”, vị đại biểu Quốc hội kể và cho rằng có tình trạng cơ sở y tế chưa dám nói thật.
Đại biểu này cho rằng để giải quyết vấn đề, lãnh đạo Bộ Y tế và các cục, vụ cần trực tiếp kiểm tra tại các bệnh viện ở cả 3 tuyến là Trung ương, tỉnh và huyện. Và quan trọng là phải cho lãnh đạo các bệnh viện nói thật, nói rõ nguyên nhân. Nếu vướng mắc đã được giải quyết trong luật thì Bộ Y tế cần chỉ cho các bệnh viện biết để thực hiện, trường hợp cố tình không mua sắm phải bị xử lý. Còn nếu luật và nghị định chưa quy định cụ thể thì phải tập hợp các ý kiến để ra thông tư hướng dẫn.
“Đặc biệt, phải làm điều tra khảo sát thật đối với bệnh nhân về tình hình thiếu thuốc”, vị đại biểu Quốc hội đề xuất thêm cách để nắm tình hình, tránh việc bệnh viện thiếu vật tư nhưng vì lý do nào đó không dám nói thẳng, nói thật.