Có thể thấy một thực tế rõ ràng triển vọng xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam đang đối diện với những rủi ro khó lường. Tôi cho rằng, các bộ, ngành cần có các biện pháp xử lý nhanh và kịp thời tình huống này.
I. Các biện pháp cấp bách
Nhóm các giải pháp ứng xử với Mỹ
Trên cơ sở các “gợi ý” trực diện của Đại diện Thương mại Mỹ, những giải pháp sau đây cần được cân nhắc ngay:
(i) Giải pháp tăng nhập khẩu từ Mỹ
Hiện tại các giao dịch mua, nhập khẩu hàng hóa phần lớn thuộc quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (ngoại trừ một số ít các doanh nghiệp Nhà nước cung cấp các dịch vụ công ích và các giao dịch mua sắm công của Nhà nước), do đó giải pháp Nhà nước can thiệp trực tiếp để buộc doanh nghiệp mua hàng Mỹ là không khả thi.
Do đó, Chính phủ có thể phải cân nhắc một số giải pháp khác như:
Giảm thuế MFN đối với các sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu lớn (chú ý là việc giảm thuế MFN đồng nghĩa với việc giảm thuế không chỉ cho Mỹ mà còn cho tất cả các đối tác WTO khác)
Giảm thuế nhập khẩu cho riêng Mỹ đối với các sản phẩm Mỹ có thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu lớn (chú ý giải pháp này có nguy cơ vi phạm cam kết MFN của WTO).
(ii) Giải pháp liên quan tới các rào cản với hàng hóa, dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ
Trên thực tế, việc giảm bớt các rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ, tăng cường sở hữu trí tuệ là việc mà Chính phủ thời gian qua đã triển khai thường xuyên, liên tục và đã có những kết quả ban đầu tích cực. Ví dụ:
- Về các rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu: các hành động cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại trong xuất nhập khẩu (đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu)
- Về các rào cản đối với dịch vụ: các đợt rà soát cắt giảm và minh bạch hóa các điều kiện kinh doanh; chủ động mở cửa cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài rộng hơn so với cam kết (ví dụ phân phối bán lẻ, dịch vụ chuyên môn, vận tải biển ven bờ…)
- Về sở hữu trí tuệ: sửa Luật sở hữu trí tuệ, các hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Tuy nhiên, những hành động này lại chưa được tổng hợp đầy đủ, chưa được chuyển tải ra bên ngoài để phía Mỹ có thể biết được.
Vì vậy, giải pháp cần thiết là xây dựng và công bố ngay Sách trắng về các Giải pháp gỡ bỏ rào cản với hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ của Việt Nam 2017-2019.
Về hình thức đây sẽ là ấn phẩm xuất bản chung, nhưng mục tiêu đằng sau là một kênh thông tin chính thức cho phía Mỹ (bao gồm Chính phủ Mỹ, ) về các nỗ lực của Việt Nam. Vì vậy các nội dung của Sách trắng cần tập trung vào những khía cạnh, lĩnh vực, vấn đề mà phía Mỹ quan tâm hoặc có lợi ích (đặc biệt là các vấn đề mà các cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở Việt Nam hoặc Amcham - Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đã từng nêu với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam).
(iii) Giải pháp thông tin cho phía Mỹ
Trong suốt thời gian từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Chính phủ ta đã có cách ứng xử rất hợp lý trước những “phàn nàn” của phía Mỹ về tình trạng thâm hụt thương mại của nước này với Việt Nam, ví dụ:
- Thủ tướng đích thân giải thích về giá trị và đối tượng thụ hưởng của các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ (lấy ví dụ giầy Nike)
- Ký kết các hợp đồng hợp tác, hứa mua có giá trị lớn các sản phẩm Mỹ (ví dụ máy bay Boeing) nhân các chuyến thăm của lãnh đạo hai Bên.
Những cách ứng xử uyển chuyển này đã mang lại hiệu quả rất có ý nghĩa, giúp Việt Nam cho tới nay vẫn giữ được quan hệ tốt với phía Mỹ.
Bamboo Airways ký hợp đồng mua 10 máy bay Boeing với sự chứng kiến của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 2/2019. (Ảnh: Internet)
|
Mặc dù vậy, trong bối cảnh nguy cơ cao như hiện nay, Việt Nam cần có những giải trình chính thức hơn về vấn đề này, để không chỉ Tổng thống Trump, Đại diện Thương mại Mỹ hay Chính phủ Mỹ mà cả các lực lượng khác có khả năng tác động tới chính sách thương mại của Mỹ với Việt Nam (ví dụ các nghị sỹ Mỹ, các lực lượng, các nhóm lợi ích khác có ảnh hưởng tới chính sách thương mại của Mỹ với Việt Nam) hiểu được thực tế này.
Vì vậy, giải pháp thích hợp có lẽ là xây dựng và công bố Báo cáo về Hiện trạng phân bổ lợi ích trong xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ với một số định hướng sau:
- Về nội dung: Giải thích rõ về cách thức/thực tế phân bổ lợi ích trong giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, qua đó chứng minh người được hưởng lợi nhất từ thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ thực ra lại là các doanh nghiệp Mỹ (các thương hiệu Mỹ thuê Việt Nam gia công, các nhà nhập khẩu Mỹ…);
- Về phạm vi: Việc giải trình về phân bổ lợi ích không thể và cũng không nên thực hiện với tất cả các nhóm sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ mà chỉ nên tập trung vào các nhóm hàng hóa có tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi chủ yếu.
(iv) Giải pháp ứng xử với các chủ thể Mỹ ở Việt Nam
Trên thực tế, các thông tin về Việt Nam và ứng xử của Việt Nam với hàng hóa, dịch vụ Mỹ thường được phía Mỹ thu thập thông qua nhiều kênh, trong đó đặc biệt là kênh Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Amcham. Vì vậy, thái độ của các chủ thể này có tác động đáng kể tới cách hiểu cũng như thái độ của phía Mỹ với Việt Nam.
Do đó, liên quan tới vấn đề thương mại-đầu tư, các cơ quan Việt Nam cần có ứng xử phù hợp với các chủ thể này, đặc biệt là có thái độ hợp tác, tiếp nhận cầu thị với các yêu cầu, đề xuất, phản ánh của các chủ thể này. Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp cho họ các thông tin liên quan tới các khía cạnh mà họ quan tâm
Tất nhiên, không phải yêu cầu nào của các chủ thể này cũng là hợp lý và có thể chấp nhận được. Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng là ở cách mà các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét và phản hồi họ. Ngay cả khi các yêu cầu của họ không được chấp nhận, thái độ hợp tác, giải trình thực chất và hợp lý sẽ có hiệu quả quan trọng trong hóa giải các khúc mắc. Ngoài ra, các thông tin phản hồi chủ động từ phía Việt Nam cũng sẽ giúp cho các chủ thể này có thông tin đầy đủ, chính xác để cung cấp về cho Chính phủ của họ.
(Ảnh: Internet)
|
II. Nhóm các giải pháp nội bộ Việt Nam
(i) Giải pháp chống gian lận thương mại
Tăng trưởng xuất khẩu vào bất kỳ thị trường nào, trong đó có thị trường Mỹ, là cơ hội lợi nhuận cho doanh nghiệp và người lao động Việt Nam. Vì vậy, giải pháp giảm thặng dư thương mại với Mỹ không thể và không nên theo hướng Việt Nam tự hạn chế việc xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, điều cần hạn chế là ngăn chặn hàng hóa nước khác lấy danh Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ, khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bị thổi phồng một cách giả tạo, gây thiệt hại cho quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ.
Nguy cơ lớn nhất là hàng hóa quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt thương mại có thể gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt mà Mỹ đang áp dụng với nước này. Do đó, các biện pháp chống gian lận xuất xứ cần tập trung vào các nguồn có nguy cơ cao:
- Về loại hàng hóa: Cần tập trung giám sát hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu đi Mỹ các loại hàng hóa cụ thể thuộc Danh mục hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế (ví dụ Mỹ đã áp thuế 25% đối với hàng xơ sợi, vải – nhưng chưa áp thuế đối với hàng may mặc; đã áp thuế đối với nhiều loại máy móc thiết bị nhưng chưa áp thuế đối với điện thoại di động…)
- Về chủ thể: Cần tập trung vào các nhóm chủ thể có nguy cơ cao gian lận xuất xứ trong trường hợp này như các doanh nghiệp FDI Trung Quốc hoặc có liên quan tới Trung Quốc; các doanh nghiệp nội địa có mối liên hệ chặt chẽ với nhà đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc; các các doanh nghiệp logistics có các hợp đồng dịch vụ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu đi Mỹ
Việc phòng chống gian lận xuất xứ trong trường hợp này cần được thực hiện một cách quyết liệt, với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan liên quan, như hải quan, cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài, cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ,…
Căn cứ vào các nhóm mục tiêu (hàng hóa, chủ thể), các cơ quan liên quan cần chia sẻ thông tin và trên cơ sở đó thiết lập kế hoạch riêng để giám sát chặt, kiểm tra chặt các trường hợp rơi vào nhóm mục tiêu trong phạm vi nhiệm vụ của mình và có báo cáo, tổng hợp và chia sẻ định kỳ về kết quả giám sát các trường hợp này.
(ii) Giải pháp tuyên truyền phổ biến
Để doanh nghiệp và người dân nhận thức rõ về các nguy cơ, qua đó có nhận thức đầy đủ về các thách thức cũng như có hành động cảnh giác, đấu tranh với các hiện tượng gian lận xuất xứ gây thiệt hại cho Việt Nam, cần có giải pháp tuyên truyền tích cực kịp thời, đặc biệt là về các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, Việt Nam đang bị thiệt hại chứ không phải đang được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Riêng về khía cạnh này thì việc tuyên truyền không chỉ giúp doanh nghiệp, người dân nhận thức rõ về các thách thức còn có ý nghĩa phát đi tín hiệu ngoại giao cần thiết cho Mỹ và Trung Quốc – Không ai muốn nhìn người khác hưởng lợi trong khi mình đang gặp khó khăn.
Thứ hai, gian lận xuất xứ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai xuất khẩu của chính doanh nghiệp và của cả nền kinh tế - do đó doanh nghiệp cần cảnh giác, phát hiện, đấu tranh với mọi hiện tượng gian lận xuất xứ.
Tác giả Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Internet)
|
III. Các biện pháp nhằm ứng phó với tình trạng giảm tốc xuất khẩu
Với suy đoán là căng thẳng thương mại sẽ còn tiếp diễn phức tạp, xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải sẵn sàng cho tương lai khó khăn hơn ở nhiều thị trường. Do đó, cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường xuất khẩu như:
Các giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả các FTA, qua đó giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có lợi thế trong cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu: Tuyên truyền phổ biến cam kết, nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi, tổ chức bộ máy và cơ chế để cấp chứng nhận xuất xứ hưởng ưu đãi thuế quan;
Các giải pháp nhằm trực tiếp gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp ở từng thị trường, đối với từng loại sản phẩm liên quan. Ví dụ đối với thị trường Trung Quốc, đối với nông thủy sản: Phổ biến thông tin và hướng dẫn nông dân, các cơ sở sản xuất thực hiện các yêu cầu/quy định mới của Trung Quốc; Phối hợp với cơ quan phía Trung Quốc để hỗ trợ đăng ký mã số cho hàng hóa, cơ sở sản xuất; Hỗ trợ nông dân và các cơ sở nông sản…
Các giải pháp hiệu quả, quyết liệt để tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp… qua đó tiếp tục thu hút FDI hiệu quả và hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế
Tình thế hiện nay của chúng ta đang khá cấp bách. Tôi cho rằng, các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp cần có những động thái khẩn trương, phù hợp để giúp ích cho nền kinh tế trong bối cảnh phức tạp này./.
Tư Giang (ghi)
(*) Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa XI, XII, XIII, XIV, là Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII, XIII, XIV.