ĐBQH Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên)
|
Đó là kiến giải của ĐBQH Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) về nguy cơ bị bạo hành tại các cơ sở y tế trong thời gian gần đây. Ý kiến này được đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vào hôm nay (30/10).
ĐB Nguyệt cho rằng vấn đề này tuy không mới, nhưng đã dấy lên sự bức xúc hiện hữu trong cuộc sống. Qua thực tế công tác và qua tiếp xúc cử tri với cán bộ của ngành y tế, vấn đề hành hung, bạo lực trong các cơ sở y tế vẫn là nỗi lo thường trực của các thầy thuốc, là nỗi trăn trở của những người làm công tác quản lý ngành và là băn khoăn của rất nhiều người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế .
“Có thể nói, do đặc thù môi trường hành nghề, những người làm việc trong ngành y tế đang đối diện với rất nhiều nguy cơ. Họ phải đứng giữa muôn trùng vây, từ vấn đề liên quan tới chuyên môn, quy trình, thủ tục hành chính khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, từ các quy định về tài chính tới điều kiện làm việc, từ thực hành chuyên môn tới kỹ năng giao tiếp. Vấn đề nào cũng tồn tại những bất cập và rất nhiều nỗi lo", ĐB Nguyệt lý giải.
Vấn đề bạo lực trong các cơ sở y tế vẫn là nỗi lo thường trực của cán bộ y tế
|
Sau mỗi vụ hành hung, ngoài nỗi đau về thể xác, cán bộ y tế còn phải mang theo một nỗi đau vô cùng to lớn về mặt tinh thần.
Tỷ lệ người trầm cảm ảnh hưởng tới công tác chuyên môn do vấn đề bạo hành y tế khá phổ biến. Nhiều nhân viên y tế sau các vụ bạo hành về y tế đã không thể trụ được với nghề, phải bỏ nghề hoặc là chuyển sang lĩnh vực ít liên quan tới người bệnh, như phòng hành chính hoặc các phòng ban chức năng.
Không chỉ những người bị bạo hành bị ảnh hưởng, mà cả những người làm trong lĩnh vực y tế cũng bị tổn thương về tinh thần. Những nỗi lo sợ mơ hồ dần xuất hiện, khiến tình yêu nghề vì thế mà phai nhạt dần.
ĐBQH đoàn Hưng Yên cho rằng, thực tế đã có nhiều thay đổi về nhận thức và thái độ theo chiều hướng tích cực của cán bộ y tế trong thời gian gần đây. Cán bộ y tế gần gũi hơn thấu hiểu hơn, chia sẻ nhiều hơn với người bệnh hoạt động, chăm sóc sức khỏe chuyển sang xu hướng phục vụ, chứ không phải là thái độ ban ơn và bàng quan. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người và khi làm việc với tài sản quý giá nhất này, thì đòi hỏi mỗi cán bộ y tế đều phải xác định cho mình kiến thức và tâm thế phù hợp để làm việc.
"Y tế là một nghề đặc thù, hành nghề y tế là một nghề cao quý. Hãy dành cho cán bộ y tế những điều kiện cần thiết, từ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ đãi ngộ, đặc biệt là cùng xây dựng một môi trường làm việc an toàn, thân thiện, cùng hưởng ứng chương trình "Bảo vệ blouse trắng" không chỉ trong năm 2019, mà cả các năm tiếp theo để cán bộ y tế yên tâm, tận tâm, tận lực phục vụ người bệnh. Tất cả đều hướng tới một mục đích chung là vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân", ĐB Nguyệt nói thêm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng từ 8 - 38% số nhân viên y tế đã từng bị tấn công bạo lực trong từ người bệnh và người nhà người bệnh trong khi làm việc. Số người bị đe dọa hoặc xúc phạm thậm chí còn cao hơn rất nhiều, Ở Việt Nam, theo một báo cáo thống kê từ năm 2010 đến năm 2017, có 22 vụ hành hung y bác sĩ. Trong năm 2018 có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê nhưng ở nhiều nơi vẫn tồn tại các vụ việc cán bộ y tế bị hành hung. Theo ĐBQH đoàn Hưng Yên, đây cũng chỉ là những con số bề nổi được phát hiện ra, được báo chí đưa tin. Còn rất nhiều những vụ bạo hành mà nhân viên y tế thầm lặng chịu đựng hoặc không báo cáo theo tuần. |