Sự hình thành của bong bóng
Sau một thời kỳ dài gần 7 năm đi ngang và tích lũy, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến một đợt sóng tăng cực kỳ mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 6/2014 và kéo dài liên tục đến nửa đầu năm 2015.
Đây là kết quả của các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ. Kể từ cuối năm 2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tiếp giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Lãi suất cho vay chủ chốt giảm 03 lần kể từ 11/2014 xuống còn 5,1%; lãi suất tiền gửi chủ chốt xuống mức 2,25%.
Mục đích của PBOC chủ yếu là để nhằm kích thích nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhưng lại cũng đồng thời đem lại niềm tin rằng nới lỏng tiền tệ sẽ giúp giá cổ phiếu tăng nhanh.
Trước đó, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất và tiến hành các gói nới lỏng định lượng (QE) đã giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh từ 2011 đến hiện tại.
Quả thật, chứng khoán nước này đã tăng rất mạnh chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây. Cụ thể, các chỉ số Shanghai Composite Index và Shenzhen Composite Index đã tăng tới 190%.
Bên cạnh việc tăng giá, thanh khoản thị trường cũng đã tăng trưởng đột biến. Giá trị giao dịch trong giai đoạn gần đây đạt gần 400 tỷ USD tăng gấp 10 lần so 12 tháng trước đó, đồng thời đã vượt qua thị trường chứng khoán Mỹ.
Và đổ vỡ
Tuy nhiên, đà tăng điểm kéo dài suốt 1 năm qua đã xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi TTCK Trung Quốc quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/06/2015 với tổng mức giảm lên tới trên 30%. Thị trường đã phải trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Riêng 2 tuần đầu, Shanghai Composite Index đã liên tiếp đánh mất 18% số điểm. Mặc dù xen kẽ xuất hiện những phiên phục hồi ngắn sau những biện pháp giải cứu của chính phủ, điều này đã không giúp thị trường thoát ra khỏi xu thế downtrend khi giá cổ phiếu sau đó tiếp tục lao dốc mạnh mất thêm 16% số điểm nữa.
Ba nguyên nhân chính
Đánh giá về sự sụp đổ của thị trường chứn khoán Trung Quốc, bộ phận phân tích của CTCK BIDV (BSC) cho rằng có ba nguyên nhân chính: đó là sự tăng trưởng của TTCK không thực chất, chất lượng nhà đầu tư thấp và cuối cùng là tỷ lệ đòn bẩy quá cao (margin).
Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc đang nằm trong chu kỳ suy giảm kéo dài. Tăng trưởng kinh tế chậm lại với tốc độ tăng trưởng giảm dần từ 2010. Hiện tại tăng trưởng GDP chỉ đạt 7%, bên cạnh đó, chỉ số PMI cũng liên tục giảm về sát mức 50 từ mốc 55 điểm năm 2009.
Giá cổ phiếu tăng không đi kèm với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã khiến chỉ số P/E thị trường bị đẩy lên quá cao. Ngay cả sau khi sụt giảm gần đây, chỉ số P/E của Shanghai Composite Index vẫn ở mức 23, trong khi đó Hang Shen Index của thị trường Hồng Kông – nơi mà nhiều trong số các công ty tương tụ của Trung Quốc niêm yết chỉ ở mức 12. Chỉ số Shenzhen Composite Index thậm chí sau khi đi một phần ba điểm số hiện có chỉ số P/E trung bình là 50.
Thứ hai, số lượng tài khoản chứng khoán tăng nhanh tuy nhiên các nhà đầu tư đa số đều là nhà đầu tư cá nhân và trình độ học vấn ở mức thấp. Theo khảo sát, hơn 2/3 (68%) số nhà đầu tư mới chưa học hết phổ thông, 25% học tiểu học và gần 6% mù chữ; tỷ lệ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 12%.
Trong khi đó, các NĐT nước ngoài đã rút dần ra khỏi thị trường Trung Quốc trong quá trình tăng điểm, để lại lớp NĐT cá nhân nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, chạy đua theo xu hướng đầu tư phong trào.
Cuối cùng, tỷ lệ vốn margin/ giá trị số cổ phiếu floating thị trường Trung Quốc đạt gần 9%, caogấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển. Điều này đồng nghĩa với khi tâm lý đảo chiều, giá cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh do áp lực giải chấp margin rất lớn của thị trường.
Theo Blomberg/Bizlive