Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ca ngợi việc khôi phục quyền kiểm soát các khu vực là một “chiến thắng lịch sử” và là một minh chứng cho “tinh thần bất khuất” của đất nước ông.
“Tất cả chúng ta đều sống với một ước mơ, và giờ chúng ta đã hoàn thành nó” – Tổng thống Aliyev nói trong một bài phát biểu trước toàn quốc – “Chúng ta đã giành được một chiến thắng trên chiến trường và trên chính trường, và chiến thắng đó mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước chúng ta. Đó sẽ là một kỷ nguyên phát triển, an ninh và tiến bộ”.
Nagorno-Karabakh nằm trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng người Armenia do Armenia hậu thuẫn kể từ khi cuộc chiến tranh ly khai ở đó kết thúc vào năm 1994. Cuộc xung đột đó không chỉ khiến Nagorno-Karabakh mà nhiều vùng đất xung quanh nằm dưới sự chiếm đóng của Armenia.
Trong 44 ngày giao tranh ác liệt bắt đầu vào ngày 27/9, quân đội Azerbaijan đã đánh tan các lực lượng Armenia và tiến sâu vào Nagorno-Karabakh, buộc Armenia phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian có hiệu lực vào ngày 10/11. Thỏa thuận chứng kiến sự trở lại của Azerbaijan tới một phần lãnh thổ đáng kể của Nagorno-Karabakh và cũng yêu cầu Armenia bàn giao tất cả các khu vực mà họ nắm giữ bên ngoài khu vực ly khai.
Khu vực Lachin, nằm giữa Nagorno-Karabakh và Armenia, là khu vực cuối cùng trong ba khu vực trên vành đai Nagorno-Karabakh được lực lượng Armenia trao trả hôm thứ Ba.
Nga đã triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình trong ít nhất 5 năm để giám sát thỏa thuận hòa bình và giúp đỡ sự trở lại của những người tị nạn. Quân đội Nga cũng sẽ đảm bảo quá cảnh an toàn giữa Nagorno-Karabakh và Armenia qua khu vực Lachin.
“Chúng tôi đã khôi phục lại sự thật lịch sử” – Tổng thống Aliyev nói – “Người dân Azerbaijan sẽ làm mọi thứ để xây dựng lại các thành phố và làng mạc đổ nát. Từ bây giờ, chúng tôi sẽ sống như một dân tộc tuyệt vời và đầy tự hào”.
Ông cho biết 94 thường dân Azerbaijan đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương trong trận giao tranh gần đây nhất, nhưng không công khai tổn thất quân sự.
Bộ trưởng Bộ Y tế Armenia cho biết vào tháng trước rằng ít nhất 2.425 quân nhân Armenia đã thiệt mạng, và nhiều người trong số họ vẫn chưa được xác định danh tính.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ mạnh mẽ đồng minh Azerbaijan, đã mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Hôm thứ Ba, các quan chức quân sự Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký các văn bản thiết lập một trung tâm giám sát chung để đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận hòa bình.
Thỏa thuận hòa bình được hoan nghênh như một chiến thắng ở Azerbaijan, nhưng lại làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn ở Armenia, với hàng nghìn người xuống đường ở thủ đô Yerevan để yêu cầu phế truất Thủ tướng Nikol Pashinyan. Vài trăm người biểu tình một lần nữa tập hợp ở Yerevan vào thứ Ba.
Sau khi chiến sự kết thúc, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã hỗ trợ đưa những người tị nạn trở về sau cuộc giao tranh mới nhất. Quân đội Nga cho biết hơn 25.000 người đã trở về Nagorno-Karabakh từ Armenia.
Armenia và Azerbaijan vẫn bế tắc trong các cuộc đàm phán khó khăn về việc trao đổi tù nhân chiến tranh, cáo buộc lẫn nhau về thực trạng ngược đãi.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bày tỏ hy vọng rằng “những khó khăn khách quan” cản trở việc trao đổi tù nhân sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Tổng thống Aliyev khẳng định rằng “không còn xung đột Nagorno-Karabakh nữa”, nói rằng Azerbaijan coi tất cả cư dân của Nagorno-Karabakh là công dân của mình và sẽ đảm bảo an sinh cho họ cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng của khu vực.
Khi các lực lượng Armenia chuyển giao lại quyền kiểm soát các khu vực Aghdam và Kalbajar sau thỏa thuận hòa bình, một số cư dân Azerbaijan đã chạy trốn khỏi quê hương hơn một phần tư thế kỷ trước cũng bắt đầu quay trở lại vùng đất này.
Gurban Hasanov, 56 tuổi, người buộc phải chạy trốn khỏi Lachin cách đây 26 năm cùng gia đình, cho biết anh khao khát được quay trở lại.
“Tôi và tất cả gia đình mơ ước được trở về ngôi làng quê hương của chúng tôi” – Hasanov nói với AP – “Tôi thiếu từ ngữ để giải thích việc chúng tôi khao khát muốn trở lại như thế nào. Tôi là một giáo viên và tôi muốn dạy địa lý cho trẻ em”.
Hasanov cho biết gần đây anh đã nhìn thấy ngôi làng của mình trên video với ngôi nhà của anh còn nguyên vẹn – một trong số một chục ngôi nhà còn sót lại.
Trước khi bàn giao lãnh thổ, một số người dân tộc Armenia đã đốt nhà của họ trong một cuộc chia tay cay đắng – một cử chỉ xúc phạm người Azerbaijan.
"Tôi hy vọng người Armenia không đốt nó như họ đã làm ở vùng Kalbajar" – Hasanov nói.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu