Armenia - Azerbaijan sát ngưỡng chiến tranh quy mô

Cả Armenia và Azerbaijan đều phát đi những tuyên bố cứng rắn, khi các cuộc giao tranh chết chóc tại khu vực tranh tranh Nagorny-Karabakh bước sang ngày thứ 3.
Phía Azebaijan sử dụng cả pháo phản lực đa nòng Grad trong các cuộc giao tranh vừa qua ở Nagorny-Karabakh. Ảnh: AP
Phía Azebaijan sử dụng cả pháo phản lực đa nòng Grad trong các cuộc giao tranh vừa qua ở Nagorny-Karabakh. Ảnh: AP

Xung đột leo thang, với việc Azerbaijan ngày 4/4 tuyên bố 3 binh sĩ nước này thiệt mạng trong 24 giờ qua. Cùng ngày, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cảnh báo chính quyền Yerevan có thể chính thức hóa quan hệ với Nagorny-Karabakh, thông qua tuyên bố chính thức công nhận độc lập đối với vùng lãnh thổ này.

Ông Sargsyan còn nói rằng, đối đầu leo thang có thể dẫn đến “một cuộc chiến tranh lớn”. Ở phía bên kia, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố, nếu các lực lượng được Armenia hậu thuẫn tiếp tục bắn phá vào các khu vực dân thường, quân đội Azebaijan sẵn sàng tấn công thủ phủ Stepanakert của Nagorny-Karabakh. 

Nagorny-Karabakh lại rơi vào tình cảnh đối đầu tồi tệ nhất sau quãng thời gian 22 năm tương đối yên tĩnh nhờ lệnh ngừng bắn được thiết lập năm 1994. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Azerbaijan Hikmet Hajiyev ngày 4/4 cáo buộc quân đội Armenia tiếp tục pháo kích các khu dân cư gần Nagorny-Karabakh, bất chấp việc trước đó một ngày Baku đơn phương tuyên bố ngừng bắn.

"Trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã có lệnh ngừng bắn. Trong tình huống như ngày hôm qua, các lực lượng vũ trang vẫn tuyên bố thực thi các biện pháp giảm căng thẳng, nhưng phía Armenia  lại tấn công dân thường Azerbaijan. Trong bối cảnh đó, phía Azerbaijan buộc phải viện tới tất cả các giải pháp phòng ngừa để bảo đảm an ninh cho dân thường, cũng như ngăn cản Armenia có các hành động gây hấn, khiêu khích”, ông Haijyev bày tỏ. 

Artsrun Ovannisian, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, lực lượng dân quân ở Karabakh đã mở rộng đà tiến trong đêm, “giải phóng” nhiều vị trí mới; đồng thời khẳng định pháo binh của Armenia đã pháo kích vào một số đơn vị của Azebaijan đang trên đường tiến quân ra tiền duyên.

Quan chức chính quyền tự xưng Karabakh tiết lộ, giao tranh diễn ra ác liệt trong buổi sáng ngày 4/4 ở khu vực phía đông, với việc Azerbaijan sử dụng vũ khí hạng nặng, trong đó có cả pháo phản lực đa nòng Grad. 

Các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang được đẩy nhanh. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/4 bày tỏ, Nga “đặc biệt quan ngại” trước việc giao tranh tiếp diễn tại Nagorny-Karabakh và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Cùng thời điểm, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với đồng cấp người Mỹ John Kerry về leo thang căng thẳng tại khu vực. Hai bên thống nhất Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đặc trách tình hình Nagorny-Karabakh cần gia tăng nỗ để hỗ trợ tìm ra một giải pháp chấm dứt xung đột. Hai ông Lavrov và Kerry cũng nhất loạt lên án các âm mưu của một số “thế lực bên ngoài” muốn kích động đối đầu ở Karabakh. 

Giới phân tích nhận định xung đột lần này dễ gây ra những hệ lụy thảm khốc hơn so với những năm đầu thập kỉ 1990. Mối nguy nằm ở chỗ, bất kì một chiến dịch quân sự được kích hoạt, giao tranh ở điểm nóng này có thể nhanh chóng leo thang, vượt khỏi tầm kiểm soát với sự tham gia của nhiều bên - chuyên gia Thomas de Waal thuộc Tổ chức Carnegie châu Âu nhìn nhận. 

Hiệp định Đối tác Chiến lược và Tương trợ lẫn nhau giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan (ký 2011) có điều khoản quy định, mỗi bên sẽ hỗ trợ và sử dụng “mọi công cụ có thể” trong trường hợp bên kia bị tấn công hay xâm lược. Còn Armenia lại được xem là đồng minh cốt yếu nhất của Nga tại Trung Á.

Chính quyền Yerevan đã quyết định từ bỏ “giấc mơ châu Âu” để gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga làm đầu tàu. Tuy tiềm lực quân sự khó có thể sánh được với Azerbaijan, nhưng Armenia lại nhận được bảo trợ an ninh từ Moskva, với việc để Nga đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình. 

Theo Aljazeera, RBTH, Tin tức