Apple cho biết các nhà phát triển bắt buộc phải sử dụng kênh thanh toán của App Store cho tất cả các giao dịch mua hàng trên App Store. Với chính sách này, Apple sẽ thu về 30% doanh thu của các nhà phát triển ứng dụng. Apple thậm chí còn có chính sách cấm các nhà phát triển ứng dụng thông báo cho người dùng về các phương thức thanh toán khác để mua hàng.
Việc làm này của Apple đã gây ra nhiều tranh cãi trong nhiều năm, nhưng phải đến khi Epic Games đứng lên đấu tranh thì vụ việc này mới được đưa lên tòa án. Cụ thể, Epic Games đã đẩy người dùng đến một cửa hàng dựa trên web thay thế, nơi họ có thể mua các vật phẩm trong tựa game Fortnine mà không thông báo với Apple. Apple đã phản ứng bằng cách loại bỏ "Fortnite'' khỏi App Store vì vi phạm chính sách thanh toán của mình.
Tòa án cho biết Apple không vi phạm các quy tắc chống độc quyền, nhưng yêu cầu công ty thay đổi chính sách thanh toán trên App Store. Apple đã nộp đơn kháng cáo để trì hoãn việc thực hiện thay đổi chính sách này và cuối cùng Apple đã được gia hạn thêm 90 ngày để có thể kháng cáo trước Tòa án tối cao.
Apple đang phải đối mặt với sức ép từ các cơ quan quản lý về các quy tắc thanh toán không chỉ ở Mỹ. Sau khi sửa đổi Đạo luật kinh doanh viễn thông ở Hàn Quốc vào năm 2021, Apple buộc phải cho phép các nhà phát triển cung cấp các phương thức thanh toán thay thế trong ứng dụng của họ. Vào tháng 12 năm 2021, Cơ quan quản lý thị trường và người tiêu dùng Hà Lan (ACM) ra phán quyết rằng các ứng dụng hẹn hò có thể cung cấp một phương thức thanh toán thay thế cho người dùng trên App Store.
Nhưng thách thức lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của Apple đang diễn ra ở châu Âu. Các quy định của Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) mang tính bước ngoặt có thể buộc Apple phải cho phép các hệ thống thanh toán của bên thứ ba hoạt động ở trên App Store. Tuy nhiên, điều này không nghiêm trọng bằng việc EU đang xem xét việc Apple không cho phép người dùng tải xuống ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng ngoài App Store.
Vào tháng 4, Bloomberg đã báo cáo rằng Apple cuối cùng cũng có thể cho phép ''sideloading'' lần đầu tiên sau khi phát hành iOS 17 vào cuối năm nay. Mặc dù Apple đã nhiều lần lập luận rằng sideloading sẽ ''làm suy yếu các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật'', nhưng điều đang bị đe dọa ở đây là doanh thu mà Apple tạo ra từ các quy tắc thanh toán trên App Store của mình. Các ứng dụng được tải xuống từ các cửa hàng của bên thứ ba hoặc các nguồn trực tuyến không phải tuân thủ quy tắc thanh toán trong ứng dụng bắt buộc, điều đó có nghĩa là các nhà phát triển có thể dễ dàng cung cấp các phương thức thanh toán bên ngoài cho các khoản thanh toán trong ứng dụng mà vẫn tránh được 30% thuế của Apple.
Theo Slash Gear