Ăn Tết, chơi Tết xưa và nay

VietTimes – Ăn Tết, chơi Tết xưa và nay, thời điểm thiêng liêng giao hòa trời đất, Tết nguyên đán qua những khảo luận của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, xâu chuỗi giữa nghi lễ và đời sống.
Tết nguyên đán qua những khảo luận của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng
Tết nguyên đán qua những khảo luận của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Tết Nguyên Đán là thời điểm thiêng giao hòa trời đất, nối kết sợi dây tình cảm thân ái với gia đình, gia tộc, bạn bè thân hữu, láng giềng và cộng đồng… Tập sách “Khảo luận về Tết” của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng mang đến cho bạn đọc điểm nhìn tổng quan về Tết.

Có thể xem Tết như một chuỗi nghi lễ từ các nghi lễ kết thúc năm cũ (chung niên) và các lễ đón mừng năm mới (tất niên) còn được xem là thời điểm tống cựu nghinh tân (đón những điều mới tốt đẹp và trừ bỏ những cái cũ xấu). Điển hình như tiễn Ông Táo về Trời, tảo mộ những ngày cận Tết, lễ rước ông bà, tiễn Thần Phật, tục xông đất đầu năm, …

Trong dân gian có câu “Ba ngày Tết, bảy ngày xuân”, song ngày xưa việc “ăn Tết” bắt nguồn từ cuối tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng, thậm chí hết tháng Giêng nên thường gọi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Xu hướng Tết trong thời buổi hiện đại ngày nay đơn giản hóa hơn và có phần rút ngắn hơn để bắt kịp nhịp sống hiện đại.

Không khí mùa xuân bắt đầu rộn ràng từ những ngày giáp Tết. Lúc ấy, nhà nhà lau dọn để sắm sửa đồ mới, bàn thờ gia tiên được lau dọn sáng bừng, những mâm bánh trái được đơm đầy, những phiên chợ đông đúc người mua đồ ăn để mấy ngày Tết ấm no, không khí gói bánh chưng bánh tét, nồi thịt kho hột vịt óng ánh vàng bên bếp lửa hồng, người lớn và trẻ con được dịp sắm quần áo mới, mua những bức thư pháp hay câu đối mang lời chúc tụng, những chậu hoa được sắm về trang hoàng làm thoảng hương Tết gần hơn nữa.

Những ngày đầu năm, chúng ta cùng chúc nhau những lời hay ý đẹp với ước vọng năm mới nhiều điều tốt đẹp và may mắn. Những ngày sum họp họ hàng thường gói gọn trong ba ngày như: Mùng Một Tết Cha/ Mùng Hai Tết Mẹ/ Mùng Ba Tết Thầy.

Những đứa trẻ nô nức vui đùa, tập hợp xếp hàng chúc Tết các bậc cao niên như ông bà, cha mẹ và những người lớn... trẻ con được mừng tuổi bằng những phong bao lì xì đỏ thắm mang hàm ý chúc mừng cát tường như ý.

Khảo luận về Tết của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng mang lại cái nhìn tổng quan về Tết
Khảo luận về Tết của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng mang lại cái nhìn tổng quan về Tết 


Những trò chơi truyền thống dịp Tết ngày xưa vốn là sợi dây kết nối vòng tròn văn hóa vô hình kết nối cộng đồng từ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Trong sách “Đồng dao và trò chơi truyền thống” do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) nhắc đến trò chơi truyền thống mang tính chất của một nghi thức xã hội nhằm biểu đạt nguyện vọng và điều cầu mong chung của cộng đồng, góp phần tang cường sự đồng nhất văn hóa, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đồng.

Có thể kể đến các trò chơi dành cho từ người lớn đến trẻ em như trò đánh đu, bịt mắt bắt dê, thi tài khéo, thi cỗ (thổi cơm thi), xúc xắc xúc xẻ, bịt mắt đập niêu, chơi pháo đất, ném còn, kéo co, đua thuyền, hát bài chòi, trò chơi cờ người, chơi cờ và chơi bài (cờ tướng, tứ sắc, tam cúc, xóc dĩa… sau này có lô tô)….

Bản thân Tết là một điểm nổi bật về văn hóa, văn hóa cũng luôn luôn cập nhật và thay đổi liên hồi theo nhịp sống. Có phải chăng Tết cũng thay đổi? Theo vòng quay thời gian, Tết thay đổi để hợp lòng người, hợp lòng thời đại. Nhưng chúng ta tin chắc rằng: Tết sẽ mãi tồn tại trong cuộc sống và trong trái tim mỗi người con nước Việt.

Ngày Tết, trong lòng chúng ta luôn hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Một năm mới trọn vẹn là khi gia đình quây quần bên nhau với những món ăn thơm thảo đậm vị quê nhà. Khoảnh khắc sum họp vô cùng quý giá, cũng là thời điểm chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất, những điều không vui năm cũ bỏ qua, nhìn nhận lại nhiều điều và đặt ra những ước vọng và phấn đấu sang năm mới.