Ẩn số lạm phát mới khiến giới chức Fed lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giới chức Fed có tới 5 lần đề cập tới tác động kinh tế bắt nguồn từ Trung Quốc trong cuộc họp về lãi suất gần nhất, cho thấy sự lo lắng của họ trước những biến số bên ngoài tới cuộc chiến chống lạm phát.

Giới chức Fed lo ngại về những tác động từ nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại (Ảnh: NYTimes)

Giới chức Fed lo ngại về những tác động từ nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại (Ảnh: NYTimes)

Những khí cầu của Trung Quốc không phải thứ duy nhất mà giới chức Mỹ lo ngại.

Các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn tỏ rõ sự quan ngại của họ về nhu cầu các loại hàng hoá có thể làm tăng lạm phát, như năng lượng và thực phẩm, sẽ tăng mạnh sau khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách zero-COVID, gây ảnh hưởng tới nỗ lực kiềm chế lạm phát của họ.

Mặc dù lạm phát đã giảm so với thời kỳ đỉnh cao năm 2022, nhưng nó vẫn ở mức cao, kể như dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà chính phủ công bố hôm 24/2.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed hiện nay đã vạch sẵn ra viễn cảnh mà lạm phát khó có thể trở về mức mục tiêu 2%, bởi người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu mạnh tay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm.

Đó là lý do vì sao mà họ quan sát kỹ lưỡng nền kinh tế Trung Quốc để nhanh chóng phát hiện ra tín hiệu tăng tốc nhu cầu hàng hoá và dịch vụ. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ củng cố quyết tâm duy trì lãi suất ở mức cao trong khoảng thời gian dài hơn của Fed – diễn biến có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào chỗ suy thoái trong cuối năm nay.

Xe tải không người lái vận chuyển container tại cảng Thiên Tân (Ảnh: AP)

Xe tải không người lái vận chuyển container tại cảng Thiên Tân (Ảnh: AP)

Hiệu ứng từ việc Trung Quốc mở cửa

“Có luận điểm cho rằng lạm phát sẽ kéo dài hơn so với kỳ vọng của chúng tôi. Và đến thời điểm hiện tại, tôi khá tin vào luận điểm này,” Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin, nói trong một cuộc phỏng vấn. “Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ gây sức ép cho giá cả hàng hoá".

Giới chức Fed có tới 5 lần đề cập tới những tác động kinh tế bắt nguồn từ Trung Quốc trong cuộc họp về lãi suất gần nhất.

Câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là: Trung Quốc mở cửa sẽ kích thích chi tiêu tới mức độ nào, và liệu nó có thể được bù đắp bằng những sự kiện khác hay không?

Báo cáo mà chính phủ Mỹ đưa ra hôm 24/2 cho thấy lạm phát đã tăng 0,6% trong tháng 1 và 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với kỳ vọng của các nhà kinh tế học.

Tuy nhiên, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có mặt tích cực. Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ nhận được cú hích khi các nhà máy sản xuất ở nước này đẩy mạnh sản lượng, và khách du lịch Trung Quốc bắt đầu tỏa ra khắp thế giới một lần nữa.

Tuy nhiên, tất cả những yếu tố nêu trên có thể đẩy giá dầu lên cao, đảo ngược đợt giảm giá nhiên liệu từng giúp lạm phát giảm đáng kể. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng nhu cầu dầu thô sẽ tăng thêm 2 triệu thùng/ngày trong năm nay – gần một nửa lượng cầu này đến từ phía Trung Quốc.

“Đây chính là nhân tố lớn nhất mà mọi người đang nhìn vào,” Andrew Lipow, giám đốc hãng tư vấn thị trường dầu Lipow Oil Associates, trụ sở tại Houston, nhận định.

Trong khi đó, chi phí nhập khẩu có thể sẽ tăng – từ đó làm tăng lạm phát – nếu như đà tăng trưởng kinh tế cao hơn ở các nước khác khiến cho đồng USD suy yếu so với các đồng tiền khác. Thêm nữa, quyết định nới lỏng hạn chế đối với một số hoạt động kinh tế có thể làm giảm nhẹ tình trạng khan hiếm nguồn cung vốn gây ra lạm phát.

“Tôi cho rằng không thể phóng đại về tầm quan trọng của nó,” Eric Robertsen, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered, cho hay. “Không chỉ là áo phông và mũ bóng chày. Rất nhiều trong số này còn là hàng hoá giá trị gia tăng. Điều này sẽ giảm sự bất cân bằng trong cung/cầu trên toàn thế giới, từ đó giảm lạm phát".

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu như xét về sức mua, và thương mại song phương với Mỹ đã đạt mốc kỷ lục 690 tỉ USD trong năm 2022. Điều này cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa hai nền kinh tế, mặc dù một phần trong mức tăng đó góp phần gây ra lạm phát.

Một cửa hiệu tại điểm du lịch có tiếng ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Một cửa hiệu tại điểm du lịch có tiếng ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Rủi ro đối với lạm phát

Bắc Kinh cũng là khách hàng lớn nhất của các loại hàng hoá toàn cầu, như quặng sắt và đồng, vốn là những nguyên liệu đầu vào quan trọng trong hàng loạt các hoạt động sản xuất và xây dựng. Và hoạt động mua sắm của họ có thể tăng nhịp độ khi nền kinh tế lấy lại tốc độ sản xuất. Thị trường bất động sản Trung Quốc đã bị chững lại kể từ khi chính phủ áp dụng một số biện pháp quản lý chặt hơn, làm chậm tiến độ xây dựng của những căn hộ chung cư đã bán.

“Có một câu hỏi đặt ra là, sẽ có bao nhiêu hoạt động công nghiệp sẽ tăng tốc – đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, vốn tiêu thụ rất nhiều dầu diesel – khi mà họ trải qua một cuộc khủng hoảng bất động sản,” ông Lipow nói.

Nhu cầu trên toàn thế giới cũng sẽ chịu tác động bởi những thứ diễn ra ở bên ngoài Trung Quốc, cụ thể như việc nhiều nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, tiếp tục nâng chi phí cho vay và có thể trải qua một cuộc suy thoái trong năm nay.

“Có quan điểm cho rằng các nền kinh tế phương Tây lao vào suy thoái, làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói quan điểm này là đúng hay sai,” ông Robertsen cho hay.

Thị trường dầu đặc biệt nhạy cảm trước những cú sốc bất ngờ, có nghĩa rằng giá cả trong lĩnh vực này sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình chiến sự ở Ukraine.

“Quan ngại thực sự, theo góc nhìn của Fed, không hẳn là những diễn biến chậm này, mà là liệu có xuất hiện những đợt tăng giá đột biến hay không,” Matthew Luzzetti, trưởng kinh tế giá tại Deutsche Bank, cho hay. “Và những đợt tăng như vậy bắt nguồn từ những sự kiện địa chính trị.”

Theo biên bản họp tháng 2 của Fed, các quan chức tham gia “trông thấy một số nguy cơ có thể tác động tới viễn cảnh lạm phát. Những nguy cơ này bắt nguồn từ nhân tố bên ngoài, như việc Trung Quốc nới lỏng chính sách zero-COVID và cuộc chiến ở Ukraine.”

Giới phân tích cũng dự báo về một đợt bùng nổ được gọi là “mua sắm trả đũa” có thể xảy ra, khi mà người tiêu dùng Trung Quốc được rảnh tay tiêu xài số tiền tiết kiệm dôi thừa mà họ tích luỹ được trong những năm bị hạn chế do dịch.

Nhưng hiệu ứng này cũng có thể bị ngăn chặn bởi người tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau cú sốc kinh tế./.

Theo Politico