Ấn Độ chính thức khởi động mạng dịch vụ 5G trên cả nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 1/10, Thủ tướng Narendra Modi khởi động dịch vụ 5G tại Đại hội Di động Ấn Độ (IMC) 2022 ở New Delhi, nói rằng “đây là ngày lịch sử của Ấn Độ trong thế kỷ 21”.
Mạng 5G. Ảnh minh họa News India
Mạng 5G. Ảnh minh họa News India

Trong bài phát biểu, thủ tướng Modi nói: “Việc ra mắt 5G là một món quà của ngành viễn thông dành cho 1.3 tỉ người Ấn Độ. Đó là một bước tiến tới kỷ nguyên mới trên đất nước. Đây là sự khởi đầu của những cơ hội vô hạn ”.

Bộ trưởng Liên minh Truyền thông, Điện tử & Công nghệ Thông tin Ashwini Vaishnaw cho biết, trong 6 tháng tới, các dịch vụ 5G sẽ có mặt tại hơn 200 thành phố, các nỗ lực đang được thực hiện để cung cấp dịch vụ này trong 80-90% đất nước trong 2 năm tới. Những dịch vụ 5G đặt mục tiêu cung cấp vùng phủ sóng liền mạch, tốc độ dữ liệu cao, kết nối internet ít bị trễ hơn và thông tin liên lạc có độ tin cậy cao. Nhưng liệu người dùng Ấn Độ có thể sớm tận hưởng trải nghiệm liền mạch hay không vẫn còn rất nhiều vấn đề về hạ tầng cơ sở kỹ thuật.

Ấn Độ đã có kế hoạch triển khai dịch vụ 5G vào năm 2018. Nhưng những khoản ngân sách rất lớn đầu vào cơ sở hạ tầng dường như đã làm trì hoãn quá trình này.

Những vấn đề về tài chính

Ấn Độ đã có một cuộc đấu thầu quốc gia để có thể phát sóng vào tháng 7 với các nhà thầu, những nhà khai thác mạng di động lớn của quốc gia này là Reliance Jio, Bharti Airtel và Vodafone Idea, Adani Enterprises của tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani.

Tổng cộng có 72.097,85 megahertz (MHz) hoặc 72 gigahertz (GHz) các dải tần số được sử dụng trong khối 5G bao gồm: tần số thấp (600 MHz, 700 MHz, 800 MHz, 900 MHz, 1.800 MHz, 2100 MHz, 2.300 MHz), tần số trung bình (3.300 MHz) và tần số cao (26 GHz).

Khi các nhà khai thác cung cấp dịch vụ 5G, cần sử dụng kết hợp các băng tần khác nhau, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định loại dịch vụ 5G mà khách hàng yêu cầu.

Jio, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất của Ấn Độ với hơn 420 triệu khách hàng, thu được quyền phát sóng trị giá 11 tỉ USD trong cuộc đấu giá phổ tần 5G trị giá 19 tỉ USD. Doanh nghiệp cũng huy động được hơn 25 tỉ USD để triển khai các dịch vụ 5G trong vòng hai tháng kể từ khi công bố vào tháng 8, nhưng việc triển khai quy mô lớn ở Ấn Độ cũng phụ thuộc vào nguồn tài chính của các đối thủ.

Theo Bloomberg, Airtel và Idea có tổng số nợ ròng là 37 tỉ USD, Vodafone Idea ngăn chặn phá sản bằng việc chuyển giao 36% vốn chủ sở hữu cho chính phủ Ấn Độ đầu năm 2022.

Airtel tuyên bố ra mắt các dịch vụ 5G tại 8 thành phố vào ngày 1/10, đặt tháng 3/ 2024 là thời hạn cuối cùng để phủ sóng toàn quốc cho 5.000 thị trấn.

Jio cho biết công ty sẽ bắt đầu bằng việc phủ sóng 5G bốn khu vực đô thị vào tháng 10 và hy vọng sẽ tiếp cận hầu hết các thành phố và thị trấn trong 18 tháng.

Thiếu cơ sở hạ tầng 5G

Nhưng cơ sở hạ tầng 5G của Ấn Độ, đặc biệt là fiberization, có thể là trở ngại lớn nhất đối với các tập đoàn viễn thông.

Fiberization là quá trình kết nối các tháp vô tuyến bằng cáp quang, giúp tận dụng tối đa dung lượng mạng và truyền tải lượng lớn dữ liệu khi dịch vụ 5G được triển khai.

Theo một báo cáo năm 2021 của Cơ quan Nghiên cứu Cơ sở hạ tầng Ấn Độ, chỉ có 33% các tòa tháp ở Ấn Độ được lắp đặt kết nối cáp quang so với 65-70% ở Hàn Quốc và 80-90% ở Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Số km cáp quang (fkm) tính trên đầu người của Ấn Độ cũng thấp hơn so với các thị trường trọng điểm khác. Lý tưởng nhất, một quốc gia cần 1,3 km cáp quang trên mỗi người để đảm bảo quá trình cáp quang hóa tốt. Nhưng fkm của Ấn Độ chỉ là 0,09 so với 1,35 ở Nhật Bản, 1,34 ở Mỹ và 1,3 ở Trung Quốc, bản báo cáo cho biết.

Nhà phân tích độc lập Sanjay Kapoor trong một cuộc phỏng vấn với CNBC cho biết: “Vào thời điểm mà chúng tôi thực sự có thể tự hào về việc mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng, tôi nghĩ rằng chúng tôi còn hai, ba năm nữa để đạt được khả năng triển khai mạng 5G”.

Theo CGTN