Việc Muangthong United (Thái Lan) bỏ ra nửa triệu USD để mời thủ môn tuyển quốc gia Đặng Văn Lâm sang thi đấu hay sau đó Xuân Trường tới Buriram United (Thái Lan), Công Phượng sang Incheon United (Hàn Quốc) theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm đều là tín hiệu vui.
Dấu chân của đàn anh
Thực ra, bộ ba trên không phải là những cầu thủ Việt đầu tiên ra nước ngoài thi đấu. Năm 2001, Lê Huỳnh Đức đã từng đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam với tư cách là cầu thủ đầu tiên đầu quân cho một đội bóng nước ngoài, đó là CLB Chongqing Lifan ở giải vô địch Trung Quốc.
Tuy nhiên, Huỳnh Đức chỉ thi đấu 4 trận cho Chongqing Lifan và ghi được vỏn vẹn 1 bàn. Thương vụ thi đấu 4 tháng của Huỳnh Đức gắn liền với việc PR thương hiệu xe máy Lifan hơn là chuyên môn, chính sau này cầu thủ gốc Huế này cũng tiết lộ như thế.
Muangthong United (Thái Lan) bỏ ra nửa triệu đô để mời thủ môn tuyển quốc gia Đặng Văn Lâm sang thi đấu (ảnh CLB)
|
Công Vinh, ngôi sao sáng nhất của đội tuyển Việt Nam cũng 2 lần xuất ngoại. Lần đầu tháng 8/2009, từ Hà Nội T&T Công Vinh đã gia nhập CLB Leixoes của Bồ Đào Nha theo dạng cho mượn có thời hạn 3 tháng. Thương vụ này được sắp xếp bởi Henrique Calisto, HLV từng một lần dẫn dắt Leixoes. Có lẽ Công Vinh cũng chỉ là “đại sứ sân cỏ không chính thức” của bóng đá Việt Nam đến Bồ Đào Nha hơn là làm được gì đó cho Leixoes.
Tháng 7 năm 2013, từ SLNA Công Vinh một lần nữa xuất ngoại khi anh đầu quân cho đội bóng thuộc J-League 2 Consadole Sapporo của Nhật Bản với thời hạn 5 tháng. Tuy nhiên, Vinh đã trở lại Việt Nam sớm hơn 1 tháng do Consadole Sapporo thất bại trong việc thăng hạng.
Người ra cũng chỉ thoáng qua Lương Trung Tuấn, trong thời gian bị cấm thi đấu ở Việt Nam đã sang Thái Lan hành nghề. Tuấn đã nhận lời thi đấu cho Cảng Thái Lan trong vòng 5 tháng, với mức lương chỉ 400 USD/tháng. Tại đây, Tuấn đã chơi tốt và giúp Cảng Thái Lan cán đích thứ tư ở Thai League mùa giải 2005.
Hay năm 2005, Việt Thắng được gửi đến học việc tại Porto B (Bồ Đào Nha) khi bị VFF cấm thi đấu 3 năm kể từ 2003 do cùng với Trung Tuấn dính vụ bê bối bán độ trong màu áo HAGL tại Cúp C1 Đông Nam Á.
Dù rất nỗ lực nhưng 2 lần xuất ngoại của CV9 cũng chỉ mang tính chất tập huấn (ảnh CLB Sapporo )
|
Thử thách nghề nghiệp
Không phải so với các thế hệ đàn anh mà so với năm 2016, khi Xuân Trường, Công Phượng và Tuấn Anh cũng xuất ngoại thì lần này kỳ vọng hơn nhiều. Sau 2 năm thành công của bóng đá Việt Nam, lập nhiều kỳ tích làm chấn động Đông Nam Á lẫn châu lục, đây chính là các hợp đồng nặng về yếu tố chuyên môn hơn là quảng cáo hay “chạy nạn”.
Đến giờ, những kỳ vọng của người hâm mộ đã liên tục bị dội những gáo nước lạnh. Thủ môn Đặng Văn Lâm vẫn được xỏ găng ra sân thường xuyên nhưng chìm nghỉm cùng phong độ tệ hại của Muangthong United đã ảnh hưởng tới King's Cup vừa diễn ra. Nhà cựu vô địch Thai League hiện đứng cuối cùng trên bảng xếp hạng.
Buriram United, đội bóng Xuân Trường đầu quân lại chơi ổn định nhưng tiền vệ thuộc biên chế HAGL không ra sân thường xuyên. Kể từ khi chuyển đến Thai League chơi bóng, Xuân Trường mới có 9 trận đấu với 316 phút thi đấu. Anh chỉ ghi 1 bàn thắng và kiến tạo 1 bàn, những con số quá ít ỏi.
Mới đây, đội bóng Thái Lan này đã ký thêm hợp đồng với Ingreso, như vậy 3 suất ngoại binh Đông Nam Á ở Buriram là Palla, Patino và Lương Xuân Trường sẽ có 1 người phải ra đi và nhiều khả năng là Lương Xuân Trường. Tình cảnh của Công Phượng tại Incheon còn tệ hơn, trong những lần hiếm hoi được trao cơ hội, chân sút HAGL cũng chơi nhạt nhòa và mới đây đã nói lời chia tay.
Thấp, bé, nhẹ cân là bất lợi cho các cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu (ảnh NV cung cấp)
|
Ngày vui qua mau
Phóng viên Peerapat Chatchai của tờ Siam Sports đã tiết lộ lý do Xuân Trường không được đăng ký 3 trận gần đây: "Theo nguồn tin của tôi, HLV của Buriram United chưa hài lòng với thể trạng của Xuân Trường trong bối cảnh Buriram United bước vào giai đoạn quan trọng nhất của mùa giải”.
Trong khi đó Công Phượng quả là không thể hợp với lối chơi bóng dài và bổng của Incheon. Nguyên nhân kể ra thì nhiều nhưng rõ ràng Công Phượng, Xuân Trường chưa đủ đẳng cấp để lắp vào lối chơi nào cũng có thể phát huy, chưa phải là ngôi sao khiến cả đội phục vụ cho riêng anh.
Chưa kể, Thai League chất lượng cao, cạnh tranh cao và chuyên nghiệp hơn V-League rất nhiều. Điều đó lý giải vì sao Chanathip Songkrasin của Thái Lan, cùng thời Công Phượng nhưng khi sang Nhật Bản khoác áo Sapporo Consadole đã tỏa sáng rực rỡ, mùa vừa rồi còn nằm trong đội hình tiêu biểu J-League.
Đúng như nhận định của BLV Vũ Quang Huy: “Họ không chứng minh được năng lực ở nước ngoài nhưng họ là người mở đường. Nếu ai cũng sợ, không ai dám dấn bước thì bóng đá Việt Nam mãi chỉ co cụm trong vỏ bọc của chính mình”.
Đây đều là những thất bại cần thiết, để biết chúng ta đang ở đâu và cần gì để tiếp cận trình độ quốc tế. Không phải Công Phượng, Xuân Trường thất bại mà Quang Hải, Văn Hậu và các cầu thủ Việt Nam khác lại chùn bước không dám tiếp tục xuất ngoại để thi đấu.
Ngày Xuân Trường chia tay Buriram United (Thái Lan) đang đến gần (ảnh CLB)
|
Có điều, từ nay các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài buộc phải tìm hiểu kỹ đội bóng đó có thực sự cần mình, có phù hợp và lối chơi ổn định không.
Đối với các cầu thủ thi đấu tại châu Âu, đôi khi cũng cần những lời tư vấn chuyên môn của các đàn anh, đồng nghiệp trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Không ai, ngoài chính các cầu thủ, phải viết tiếp những giấc mơ được thi đấu ở các nền bóng đá lớn hơn để khẳng định mình, để nâng cao vị thế bóng đá Việt Nam. Thất bại hôm nay để thành công ngày mai!