Có một thực tế là đến ngày nay các quốc gia vẫn chưa thôi tấn công lẫn nhau. Năm 2006, Ethiopia xâm lược Somali để ngăn quân khủng bố Hồi giáo cướp chính phủ. Israel tấn công Lebanon để ngăn các cuộc tấn công tên lửa của Hezbollah . Mỹ xâm lược Iraq vì mối đe dọa vũ khí hủy diệt. Ngoài ra còn có xung đột giữa các nước như giữa Ấn Độ và Pakistan, Iran và Ả Rập Xê-út, Trung Quốc với các nước láng giềng.
Nhưng đến nay tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn là dễ xảy ra căng thẳng nhất với gần 70 năm thù địch, hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh và những hành vi bạo lực vẫn tiếp diễn giữa hai bên, Business Insider nhận định.
Mối đe dọa tấn công hủy diệt trên phạm vi rộng chính là biện pháp răn đe giữ cho xung đột khỏi sôi sục trở lại. Nên nhớ rằng chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là một thảm họa cho cả hai phía và điều này là lý do chính thúc đẩy chính sách quân sự của Triều Tiên. Đó cũng chính là lý do khiến người dân nước này căm thù Mỹ và Hàn Quốc.
“Chỉ trong ba năm, chúng tôi đã khiến 20% dân số nước này thiệt mạng”, tướng không quân Curtis LeMay, người đứng đầu Bộ chỉ huy không quân chiến lược trong chiến tranh Triều Tiên đã trả lời Văn phòng lịch sử không quân vào năm 1984.
Dean Rusk, Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Kenedy và Johnson, cho biết Mỹ đã tấn công “tất cả mọi thứ có thể chuyển động ở Triều Tiên.” Người dân Triều Tiên cũng vẫn ghi nhớ cuộc chiến qua những câu chuyện từ ông bà kể lại. Chiến tranh giữa quân đội hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên diễn ra vô cùng khốc liệt, và kết quả là đến nay không ai tin rằng một trong hai bên sẽ lại gây chiến.
Business Insider cho rằng cả hai nước đều có sức mạnh quân sự khá đáng nể. Hàn Quốc là một trong những nước có nền quân sự mạnh nhất thế giới với 3,5 triệu quân. Còn Triều Tiên lại có tới 5 triệu quân thường trực, cùng với 5 triệu lính dự bị có khả năng chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài. Chính sách quân sự trên hết của Triều Tiên có nghĩa là quân đội phải được chu cấp lương thực, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác trước người dân. Chế độ tòng quân bắt buộc trong 10 năm đảm bảo hầu như mọi người dân Triều Tiên đều có kinh nghiệm quân sự.
Triều Tiên cũng luôn khoe về lực lượng 605 máy bay chiến đấu, 43 xuồng tên lửa, nhưng loại máy bay chiến đấu mà Không quân Triều Tiên sở hữu chỉ là tiêm kích MiG-21 lần đầu sử dụng vào năm 1953, trong khi đó chiến đấu cơ mới nhất cũng là MiG-29 sản xuất từ những năm 1970. Nói cách khác, nước này chỉ được trang bị vũ khí từ thời chiến tranh Việt Nam. Do đó, theo Business Insider, trong lĩnh vực công nghệ quân sự, Triều Tiên không thể so sánh được với Hàn Quốc vì Hàn Quốc là một trong những nước sở hữu công nghệ tiên tiến nhất thế giới.
GDP của Hàn Quốc cũng lớn gấp 50 lần Triều Tiên và chi tiêu vào quân sự cũng lớn gấp 5 lần Triều Tiên. Vì không thể theo kịp Hàn Quốc nếu tiến hành chiến tranh thông thường nên Triều Tiên đang tăng cường khả năng chiến đấu phi thông thường, bao gồm vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân, cùng tên lửa đạn đạo để phóng các loại vũ khí này. Triều Tiên không thể dùng không quân để sử dụng số vũ khí này vì lực lượng không quân lỗi thời của nước này sẽ là mục tiêu quá dễ dàng cho phi đội F-22 Raptor của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên cũng gặp bất lợi về liên minh. Trong chiến tranh Triều Tiên, quân đội Triều Tiên bị tướng Douglas MacArthur đẩy lùi về Sông Áp Lục. Chỉ sau khi được Trung Quốc hỗ trợ thêm nhân lực và vật lực, Triều Tiên mới có thể phản công. Sự can thiệp của Trung Quốc vào Triều Tiên đến giờ vẫn là câu hỏi lớn.
Giới quan sát nhận định, thực tế Trung Quốc còn có lợi hơn khi duy trì Triều Tiên như một vùng đệm, và nếu chính quyền Triều Tiên sụp đổ hoặc thậm chí tệ hơn, Trung Quốc sẽ chứng kiến quân Mỹ hiện diện ngay sát biên giới. Trong khi đó Hàn Quốc vẫn duy trì liên minh chặt chẽ với Mỹ, nước này có 30.000 quân đóng tại Hàn Quốc, 3.800 quân ở Nhật Bản và 5.700 quân ở đảo Guam, cùng với lực lượng không quân và hải quân hùng mạnh trong khu vực.
Business Insider nhận định một cuộc tấn công phủ đầu của Triều Tiên vào Hàn Quốc sẽ mang lại cho Triều Tiên một lợi thế nhỏ trong một vài ngày vì đây là cuộc tấn công chủ động và bất ngờ. Tướng hồi hưu James Marks cho rằng họ sẽ giữ thế chủ động trong nhiều nhất là bốn ngày. Khi cuộc chiến đầu tiên được tiến hành qua khu phi quân sự, khu vực này sẽ không thể đứng vững như hiện nay nữa.
Không một ai mong đợi cuộc tấn công như vậy xảy ra và phần lớn quân Mỹ đã rút sang Nhật Bản. Hiện nay, một cuộc tấn công vượt qua vĩ tuyến 38- ranh giới giữa hai nước- cũng đồng nghĩa với con số thương vong khủng khiếp.
(Còn tiếp)