Ai là chủ khoản nợ gần 8.000 tỷ của Đạm Cà Mau?

Với khoản nợ này, sau khi giao dịch chính thức trên HOSE từ 31/3, Đạm Cà Mau sẽ là doanh nghiệp niêm yết có nợ vay lớn thứ 4 trên sàn chứng khoán.
Ai là chủ khoản nợ gần 8.000 tỷ của Đạm Cà Mau?

Năm 2012, theo quyết định của PVN, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – PVCFC) được chấp thuận nhận bàn giao tài sản Nhà máy Đạm Cà Mau, trong đó tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay là 10.506 tỷ đồng. 

Vốn vay này được huy động từ nhiều ngân hàng. Tính đến cuối năm 2014, công ty còn khoảng 7.993 tỷ đồng vay nợ ngân hàng, bao gồm 1.254 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 6.739 tỷ đồng nợ dài hạn. 

(Đơn vị: tỷ đồng)

Hiện tại, chủ nợ của PVCFC gồm 3 nhóm chính: (1) Nhóm các ngân hàng BNP Paribas, ngân hàng XNK Trung Quốc, ngân hàng Credit Agricole; (2) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); (3) ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank). 

Đối với nhóm (1), số gốc vay là 220 triệu USD, ký ngày 15/9/2011 nhằm thanh toán chi phí đầu tư dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, thời hạn vay là 120 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên là 25/7/2012. 

Lãi suất nợ trong hạn là LIBOR 6 tháng cộng 2,6%/năm, lãi suất cho vay được điều chỉnh 6 tháng 1 lần kể từ ngày bên vay nhận được khoản vay đầu tiên. Lãi vay trả hàng tháng trên dư nợ vay, lãi vay trả 6 tháng/lần. 

PVN cũng ký hợp đồng vay vốn tín dụng với VietinBank (2) với gốc vay là 220 triệu USD với mục đích thanh toán chi phí đầu tư dự án Nhà máy Đạm Cà Mau. Thời hạn vay là 120 tháng, thời gian ân hạn là 30 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian trả nợ gốc là 90 tháng kể từ khi kết thúc thời gian ân hạn. 

Lãi suất nợ trong hạn bằng lãi suất huy động tiết kiệm USD kỳ hạn 3 tháng trả lãi sau của VietinBank cộng 2,5%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay trong hạn cộng 1%/năm. Lãi vay được trả 3 tháng/lần. 

Năm 2010, PVN cũng ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với gốc vay là 180 triệu USD. 

Thời hạn vay tối đa 120 tháng, lãi suất nợ trong hạn là 6%/năm đối với các khoản vay bằng USD. Đến tháng 5/2014, Đạm Cà Mau đã trả trước hạn 45 triệu USD. Đến tháng 10/2014, PVCFC đã tái cơ cấu khoản vay này với PVcomBank (3) với lãi suất được xác định theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,15%/năm. Lãi suất được trả hàng tháng, áp dụng cho năm đầu tiên là 4%/năm và được điều chỉnh hàng năm nhưng không vượt quá 5%/năm. 

Ngoài ra, công ty con là CTCP Bao bì dầu khí Việt Nam (PPC) cũng đang vay VietinBank chi nhánh Bạc Liêu 60 tỷ đồng từ 1/2011. Thời hạn vay là 96 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. PPC sử dụng toàn bộ tài sản được hình thành từ dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Bao bì dầu khí Bạc Liêu” để thế chấp cho khoản vay này. Tại 31/12/2013, PPC đã rút vốn với số tiền là 39,4 tỷ đồng. 

Ngày 20/6/2013, PPC tiếp tục ký hợp đồng vay dài hạn với VietinBank chi nhánh Bạc Liêu với số tiền là 3,5 tỷ đồng nhằm bổ sung, mua sắm tài sản cố định. Thời hạn là 6 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Ngày 31/12/2013, PPC đã rút vốn với số tiền là 2,7 tỷ đồng. 

Với khoản nợ từ 3 nhóm ngân hàng trên, số tiền phải trả trong 12 tháng của PVCFC là 1.254 tỷ đồng. Nợ dài hạn còn lại phải trả là 6.739 tỷ đồng. 

Hệ số nợ /Tổng tài sản của PVCFC là 66% trong khi đó hệ số thanh toán ngắn hạn và hệ số thanh toán nhanh của công ty lần lượt là 1,31 và 1,25, được duy trì lớn hơn 1, đảm bảo có thể hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.

Các khoản vay trên được hoàn trả theo lịch biểu sau:

 (Đơn vị: tỷ đồng)

Theo Bizlive