Ai cũng có thể làm phim trong thời đại kỹ thuật số nhưng cần học hỏi và suy nghĩ nghiêm túc

VietTimes – Ngày 15/1/2019 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã diễn ra hội thảo “Phim như một di sản văn hóa” do Hội đồng Anh phối hợp tổ chức với Viện Phim Việt Nam. Là một khách mời đặc biệt của sự kiện này, đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ – Giám đốc Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã có đôi lời tâm sự với VietTimes.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ - Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ - Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

Trước hết, xin ông cho biết giá trị của phim tài liệu với đời sống chính trị, xã hội ở nước ta?

Chúng ta đều biết, phim tài liệu là một thể loại điện ảnh và cũng là một thành phần của văn học nghệ thuật. Nói chung, phim tài liệu có sự xuất phát từ rất lâu rồi khi ngành điện ảnh ra đời. Riêng với Việt Nam thì phim tài liệu cũng có những bước đi khi ngành điện ảnh nước nhà ra đời và đã đóng góp những giá trị rất quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật của đất nước.

Phải nói rằng phim tài liệu ngay từ những ngày đầu tiên từ thời kỳ chiến tranh đã góp công sức của mình vào việc tuyên truyền đường lối chính sách cũng như cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của đất nước ta. Sau này, khi đã hòa bình thì phim tài liệu cũng có những đóng góp rất đáng kể vào đời sống văn học nghệ thuật cũng như công cuộc xây dựng đất nước. Phim tài liệu được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Từ khi ngành điện ảnh mới được thành lập cho đến nay phim tài liệu luôn có vai trò rất xứng đáng trong nền nghệ thuật của đất nước.

Ngày nay, bản thân các đài truyền hình và cả các hãng phim tư nhân cũng rất tích cực sản xuất phim tài liệu. Vậy những người làm phim tài liệu chuyên nghiệp đã và sẽ làm gì để khẳng định vị thế của mình?

Điện ảnh đã xuất phát từ lâu còn truyền hình thì những năm gần đây ngày càng phát triển và có một sự cạnh tranh đáng kể với điện ảnh. Và không chỉ có truyền hình mà rất nhiều hãng phim tư nhân, nhà làm phim độc lập đã tham gia làm phim tài liệu chứ không chỉ có Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương của chúng tôi.

Thực tế đó đã tạo ra thế cạnh tranh rất thú vị, có lúc thăng lúc trầm và chúng ta cứ nhìn vào các liên hoan phim hoặc Giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam là có thể đánh giá được. Trong lịch sử, hãng phim của chúng tôi gặt hái được rất nhiều thành công nhưng những năm gần đây đã phải cạnh tranh.

Theo tôi, cạnh tranh cũng là việc bình thường. Khi có cạnh tranh thì điều đòi hỏi những nhà làm phim tài liệu chuyên nghiệp là phải chú trọng đến chất lượng cho sản phẩm của mình. Chất lượng phim ở đây có hai mặt của vấn đề. Một là thông điệp, giá trị của phim đưa lại. Thứ hai là cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh của phim phải đổi mới, phải hấp dẫn thì phim mới có giá trị.

Vì thế, việc học hỏi cách thể hiện cũng như là rèn luyện tri thức của các nhà làm phim luôn luôn rất quan trọng. Trong những năm gần đây, hãng phim của chúng tôi rất trăn trở về điều này. Và chúng tôi cũng đã làm rất nhiều việc để nâng cao trình độ của các nhà làm phim và quảng bá các bộ phim mới của mình. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều khóa học và mời các chuyên gia quốc tế sang giảng dạy.

Không chỉ có vậy, chúng tôi cũng tự tổ chức các liên hoan phim tài liệu quốc tế và liên hoan năm 2019 này là lần thứ 10. Liên hoan phim lần đầu vào năm 2009 mới chỉ có 4 nước tham dự thì liên hoan phim năm nay đã có 10 nước Châu Âu đăng ký. Các liên hoan phim tài liệu mà chúng tôi tổ chức đã được truyền thông và những người làm phim tài liệu trong nước quan tâm. Qua những liên hoan này, phim tài liệu Việt Nam đã được quảng bá ngày càng rộng rãi hơn và các nhà làm phim cũng được dịp để trao đổi, học tập, xem phim của nhau cũng như là xem phim của đồng nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, sự nghiệp làm phim tài liệu cũng còn rất nhiều trăn trở, khó khăn cùng sự cạnh tranh quyết liệt.

Và chúng tôi cũng nhận thấy thực tế của phim tài liệu Việt Nam chưa theo kịp với đời sống chính trị, kinh tế xã hội của đất nước. Thực tế, phim tài liệu là vũ khí rất quan trọng có thể đi đầu trong các cuộc đấu tranh. Nhưng công bằng nhìn lại thì với cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt thì dường như chưa có những tác phẩm xứng đáng.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ (thứ hai từ bên phải) trong phần giao lưu tại hội thảo "Phim như một di sản văn hóa".
 Đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ (thứ hai từ bên phải) trong phần giao lưu tại hội thảo "Phim như một di sản văn hóa".

Ngày nay, với sự hiện diện của công nghệ thông tin và kỹ thuật số thì ngay cả những người bình thường trong xã hội cũng có thể làm phim tài liệu bằng các thiết bị không mấy đắt tiền. Ông nghĩ gì về thực tế này?

Làm phim với xuất phát điểm từ hàng trăm năm trước thì cũng nhờ vào và gắn liền với các thành tựu công nghệ. Từ những thước phim câm (không có tiếng) đầu tiên và sau này đến thời đại kỹ thuật số thì phim nhựa không còn sản xuất nữa. Và để quay được phim nói chung thì đã không còn là rào cản đối với bất kỳ công dân nào. Vì thế, một công dân bình thường có thể quay phim, thậm chí cả dựng phim cũng đã trở thành chuyện không còn lạ. Thực tế này cũng là thách thức với các nhà làm phim chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, để tác phẩm điện ảnh có thể tồn tại và phát huy tác dụng thì có hai thứ phài chú ý. Thứ nhất là thông điệp của phim tài liệu mà các tác giả muốn đưa ra. Thứ hai là phải đổi mới cách thể hiện để hấp dẫn người xem. Để làm được như thế, các nhà làm phim nghiệp dư sẽ phải trau dồi, học hỏi, rèn luyện và suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Cuối cùng, xin hỏi ông về thể loại phim tài liệu khoa học vì thực tế ở Việt Nam chúng ta vẫn chưa có nhiều phim của thể loại này. Ông nghĩ gì về thực tế đó?

Phim tài liệu khoa học là một thể loại phim tương đối đặc biệt trong lĩnh vực phim tài liệu vì nó đề cập đến những thực tế của khoa học. Những người làm phim khoa học không chỉ cần hiểu rõ quy trình làm phim mà còn phải hiểu về vấn đề khoa học đó. Vì thế, họ phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về lĩnh vực khoa học cần làm phim và thậm chí phải có sự tham gia của chuyên gia khoa học cho bộ phim của mình. Khi làm phim khoa học, hãng phim của chúng tôi luôn yêu cầu các biên kịch, đạo diễn phải có cố vấn khoa học.

Ngược lại, các nhà khoa học muốn tự làm phim thì đương nhiên họ hiểu rõ vấn đề khoa học của mình nhưng cũng phải nắm được về cách thức làm phim. Như vậy, các nhà khoa học muốn tự làm phim thì phải học về xây dựng kịch bản, quay phim, dựng phim, đạo diễn… phải rèn luyện, suy nghĩ về nó thì phim khoa học của họ mới thực sự có giá trị. Theo tôi, trong thời đại hiện nay, rất nên khuyến khích hoạt động làm phim nghiệp dư, trong đó có cả đối tượng là các nhà khoa học.

Xin cám ơn ông!