99% hộ dân Đà Nẵng đã có điện thoại thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số liệu vừa được Sở TT&TT TP Đà Nẵng cung cấp tại Phiên họp lần 9 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số quốc gia diễn ra chiều nay (10/7).

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) TP Đà Nẵng
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) TP Đà Nẵng

Theo đó, tính đến tháng 7/2024, Đà Nẵng có 97% thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình (trung bình toàn quốc là 48%); tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến là 90%; trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 66%, tăng 46% so với cuối năm 2023 (gần gấp 4 lần trung bình của các địa phương toàn quốc là 17%).

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, năm 2023, kinh tế số của Đà Nẵng chiếm tỷ trọng 20,69% GRDP, vượt chỉ tiêu năm 2025 là 20%. Hiện Đà Nẵng có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao hơn 3 lần bình quân toàn quốc); nhân lực công nghệ số chiếm 8,5% lực lượng lao động (toàn quốc là khoảng 3,7%).

Về xã hội số, Đà Nẵng có 99% hộ dân đã có điện thoại thông minh; gần 50% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số; mỗi học sinh có mã ID và có học bạ điện tử; mỗi người dân có mã ID y tế và có hồ sơ sức khỏe cá nhân,..

Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2024 là Đà Nẵng thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo để tiếp cận và triển khai ngay chủ trương của quốc gia về tham gia chuỗi vi mạch, bán dẫn toàn cầu.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn quốc tế (Intel, Synopsys,...); và triển khai các chính sách để tạo động lực phát triển như: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên, sinh viên; chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học; chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo,...

Đặc biệt, Đà Nẵng đã triển khai tái cấu trúc quy trình TTHC qua việc kế thừa dữ liệu số để thay thế, giảm thành phần giấy tờ người dân phải đi công chứng, phải nộp; hiện nay có khoảng 21% TTHC toàn TP công bố có sử dụng dữ liệu số. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã đưa vào 15 nhóm dữ liệu số phục vụ chỉ đạo, điều hành hàng ngày; với 150 dịch vụ thống kê, so sánh; 50 dịch vụ phân tích, cảnh báo sớm.

Định hướng cho 6 tháng cuối năm 2024, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp hơn nữa để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công.

Cụ thể, Đà Nẵng sẽ tái cấu trúc quy trình và ứng dụng công nghệ số chuyển hầu hết TTHC lên “toàn trình”; 15% tỷ lệ TTHC được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số; 70% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số; có 30 bộ dữ liệu mở tạo ra giá trị, sản phẩm mới; hỗ trợ người dân trang bị điện thoại thông minh để đảm bảo 100% hộ dân đã có điện thoại thông minh, thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ số;..

vt_cong vien phan mem so 2 19.png
Khu Công viên phần mềm số 2 TP Đà Nẵng chuẩn bị hoàn thiện, đưa vào hoạt động

Trong đó, Đà Nẵng kỳ vọng vào việc đưa Khu Công viên phần mềm số 2 vào hoạt động và triển khai các chính sách phát triển kinh tế số,... với mục tiêu đến năm 2030 sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kinh tế số chiếm 35-40% GRDP như Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao.

Theo Báo cáo chính tại Phiên họp Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 24/4/2024 đã ghi nhận Đà Nẵng là địa phương điển hình thành công về triển khai dịch vụ công trực tuyến (98% thủ tục hành chính (trong tổng số 1.900 TTHC) đã triển khai trực tuyến, toàn trình); trong khi đó toàn quốc có 80,44% TTHC đủ điều kiện được triển khai toàn trình.