90 phần tử đánh bom đe dọa khuynh đảo châu Âu

Theo thống kê từ Bộ Nội vụ Pháp, hiện có khoảng 90 phần tử có khả năng đánh bom liều chết sẵn sàng “khuynh đảo” châu Âu.
Nhà hát Bataclan nơi xảy ra thảm kịch đẫm máu (ảnh: Reuters)
Nhà hát Bataclan nơi xảy ra thảm kịch đẫm máu (ảnh: Reuters)

Thông tin mật từ cơ quan an ninh Pháp cho hay 90 “chiến binh cảm tử” đang hoạt động ngầm trong lòng châu Âu. Đằng sau họ là cả một kho kiến thức và kỹ năng khóa mã lẫn lập trình công nghệ kích nổ hiện đại nhằm phục vụ cho các mưu đồ của mình.

Bản báo cáo dài 55 trang phân tích sự kiện đẫm máu 13-11 tại Paris cho thấy nhóm khủng bố rất tinh vi trong việc sử dụng đoạn mã khóa chuẩn xác, làm giả giấy tờ, rồi thậm chí còn gửi được cả thiết bị chế tạo bom từ Syria đến châu Âu.

Đa phần băng nhóm IS toàn sử dụng loại bom tự chế bằng những vật dụng thông thường có chứa chất triacetone triperoxide, vốn là chất tẩy sơn móng tay. Nguyên liệu tạo bom thường là những vật liệu đơn giản có thể mua ở bất cứ đâu và dễ dàng vận chuyển đến nơi họ cần mà không bị các cơ quan điều tra EU nghi ngờ.

“Các nguyên vật liệu thô này khi kết hợp rất dễ kích nổ bất ngờ nếu hành động sơ suất” - New York Times dẫn lời Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc tổ chức New America Foundation ông Peter Bergen.

Ông Bergen phân tích thêm để chế tạo những loại bom tự chế cần rất nhiều thời gian và không gian tuyệt mật để đảm bảo mọi quy trình chế bom. Chỉ cần sơ sẩy nhóm khủng bố có thể bị phát hiện hoặc tự gây nổ chính sào huyệt của mình.

Ngoài ra bản báo cáo còn chỉ rõ hệ thống thắt chặt biên giới lỏng lẻo là một trong những nguyên nhân giúp nhóm đánh bom dễ dàng thâm nhập vào châu Âu mà không bị nghi ngờ gì. Trong khi đó, chính phủ liên quốc gia bất lực trong việc chia sẻ thông tin tình báo để ngăn chặn các mưu đồ thảm sát.

70 nhân viên an ninh tại sân bay Paris đều mang huy hiệu chống làm giả nhằm phòng trừ nguy cơ khủng bố (ảnh: RT)

Cựu lãnh đạo tình báo Pháp Alain Chouet xác nhận thông tin tuyệt mật của công tác tình báo. “Chúng tôi còn thậm chí không thể nhất trí trong việc dịch lại tên họ viết theo chữ cái Ả Rập hoặc chữ Kirin, thế nên nó giống kiểu như nếu ai đó đến châu Âu từ Estonia hoặc Đan Mạch, chúng tôi cũng không được quyền dịch tên hoặc sang tiếng Pháp hoặc Tây Ban Nha”.

Vì vậy IS hoặc nhóm cực đoan Hồi giáo dễ dàng bảo mật thông tin của mình. Việc che giấu danh tính là điều mà IS luôn đặt lên hàng đầu. Cảnh sát Pháp từng tìm thấy những mẫu điện thoại di động chưa qua sử dụng vẫn còn nguyên tem và đóng hộp mới toanh. Ngoài ra có những loại điện thoại tái sử dụng cho các cuộc gọi từ Pháp sang Bỉ. Điều này cho thấy IS đang hoạt động liên quốc gia trên khắp châu Âu.

Một số nhân chứng là nạn nhân trong vụ khủng bố tại nhà hát Bataclan (Paris) hồi tháng 11 năm ngoái cho hay phần tử IS tịch thu điện thoại của họ để nhắn tin qua lại và truy cập Internet.

Một số người sau thảm kịch kể lại bọn khủng bố còn dùng đến laptop cá nhân của họ để đọc tin nhắn đã được mã hóa.

Theo PLO