7 sai lầm thường gặp khi điều trị cảm lạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cảm lạnh gây ra các triệu chứng khó chịu như sổ mũi, ho, đau đầu, mệt mỏi cho người bệnh. Để giảm bớt các triệu chứng này, có nhiều cách điều trị khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hiểu lầm về cách chữa trị bệnh.

Cảm lạnh là do nhiễm virus ở mũi và họng, tuy không quá nguy hiểm nhưng lại làm bạn khó chịu. Các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện từ một đến ba ngày sau khi cơ thể nhiễm virus cảm lạnh.

Cảm lạnh do virus gây ra, đặc biệt là rhinovirus gây nên ở đường hô hấp trên, nhưng chủ yếu ảnh hưởng ở mũi, một số là ở họng và có khả năng lây từ người này sang người khác thông qua không khí, tiếp xúc gần, bề mặc các đồ vật…

Điều trị cảm lạnh không quá khó, nhưng vẫn có những sai lầm thường gặp khi chữa bệnh cảm lạnh:

1. Cho rằng thuốc kháng sinh có thể điều trị cảm lạnh

Cảm lạnh là do virus gây ra, chứ không phải do vi khuẩn. Do đó, thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị cảm lạnh.

Thuốc kháng sinh chỉ điều trị được các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, như viêm phế quản, viêm họng liên cầu... bằng cách tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

thuoc-khang-sinh-8395.jpg
Thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị cảm lạnh.

Do vậy, việc sử dụng kháng sinh khi bị cảm lạnh vừa không có tác dụng điều trị bệnh, còn có thể gây ra tác dụng phụ. Hơn nữa, lạm dụng kháng sinh có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc.

2. Cho rằng cảm lạnh có thể điều trị khỏi bằng thuốc

Cảm lạnh là bệnh do virus gây ra, nên không thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc. Các loại thuốc chỉ có thể làm giảm các triệu chứng do cảm lạnh như sốt, đau nhức cơ thể, ngạt mũi, sổ mũi...

3. Cho rằng Vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh

Vitamin C có lợi cho sức khỏe và hệ miễn dịch, nhưng việc uống vitamin C có thể ngừa cảm lạnh vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.

Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung vitamin C hàng ngày ở liều cao (200-2000mg/ngày) có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh ở những người bị cảm lạnh.

vitamin-c-2858.jpg
Uống vitamin C có thể ngừa cảm lạnh vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc bổ sung vitamin C và việc giảm nguy cơ hay mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh.

Bác sĩ Hasmukh Josshi - Phó Hiệu trưởng Trường Hoàng gia Bác sỹ đa khoa (GPs – General Practitioners) - cho biết: “Hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định Vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh. Mà, các nghiên cứu chỉ ra rằng Vitamin C mang lại rất, rất ít tác dụng. Tôi không khuyến cáo dùng cách này”.

4. Cho rằng thuốc không kê đơn an toàn khi trị cảm lạnh cho trẻ

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, các loại thuốc không kê đơn để giảm các triệu chứng của cảm lạnh như nghẹt mũi, sổ mũi và ho… không hiệu quả đối với trẻ em dưới 6 tuổi và có thể có tác dụng phụ có hại cho trẻ nhỏ.

Đặc biệt là khi trẻ uống quá liều thuốc được khuyến cáo. Ngoài các tác dụng phụ như khó ngủ, đau bụng, phát ban hoặc nổi mề đay, trẻ có thể bị nhịp tim nhanh, co giật, thậm chí gây tử vong.

5. Cho rằng phải điều trị ho khi cảm lạnh

Ho là cơ chế tự nhiên của cơ thể để đào thải dịch nhầy và các tác nhân gây hại ra khỏi đường hô hấp. Các thuốc chống ho thường chỉ làm giảm triệu chứng chứ không chữa khỏi bệnh.Lạm dụng thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón…

6. Cho rằng cảm lạnh là do cơ thể bị lạnh

Quan niệm cho rằng cảm lạnh là do cơ thể bị lạnh là sai lầm. Thực tế, cảm lạnh là do vi-rút gây ra chứ không phải do thời tiết lạnh.Lạnh có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể dễ bị vi-rút xâm nhập gây bệnh hơn, nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp.

7. Cho rằng cảm lạnh không gây nhiễm

Cảm lạnh là bệnh do virus gây ra nên hoàn toàn có khả năng lây từ người này sang người khác thông qua không khí, tiếp xúc gần, bề mặc các đồ vật…

Khi hít phải không khí có dịch tiết chứa virus, hoặc sau khi bắt tay người bệnh, sờ vào mồ hôi trên cơ thể người bệnh thì sẽ có nguy cơ bị bệnh.

Nguy cơ này xảy ra ngay cả khi người bệnh mới chỉ đang ở thời điểm ủ bệnh, chưa có hoặc chưa có nhiều triệu chứng của cảm lạnh. Vì vậy, trong một số trường hợp, người bị lây bệnh lại có biểu hiện bệnh trước cả người nhiễm bệnh đầu tiên.