Lực lượng Hồi giáo cực đoan thánh chiến mà phương Tây gọi là "đối lập ôn hòa" xé bỏ thỏa thuận ngừng bắn đánh chiếm đồi Bijo và chuẩn bị tấn công thị trấn Mahardeh, dân cư là người Kitô giáo.
Nếu các chiến binh Hồi giáo cực đoan đánh chiếm được thị trấn Mahardeh, chắn chắn tiếp theo sẽ là vụ thảm sát dân thường trong khu vực. Nhưng quân đội Syria và Lực lượng vũ trang địa phương (NDF) kịp thời tiến hành trận đánh phản công và chiếm lại được cao điểm Bijo. Giao chiến trong khu vực tiếp diễn căng thẳng.
Lực lượng chiến binh thánh chiến Jabhat Fateh Al-Sham (nguyên Al-Nusra Front, Al Qaeda Syria) và Harakat Ahrar al-Sham bác bỏ yêu cầu của chính phủ Syria buộc nhóm chiến binh tại địa bàn này đầu hàng, giao nộp khu vực Wadi Barada trên vùng nông thôn Damascus để được di chuyển an toàn về Idlib. Các tay súng Hồi giáo cực đoan tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng.
Al Masdar News dẫn nguồn tin quân sự ở Damascus cho biết, lực lượng chiến binh thánh chiến không chấp nhận điều kiện tất cả các chiến binh sẽ được chuyển đến tỉnh Idlib, các tay súng đòi được chuyển đến những khu vực thuận lợi cho việc tiếp tục chiến tranh.
Nhằm trả đũa chính phủ Syria và gây sức ép cho điều kiện của mình, các nhóm thánh chiến đã đóng đường ống dẫn khí gas vào Damascus, đẩy 5 triệu dân ở Damascus rơi vào thảm họa không có khí gas sưởi ấm và không có nước trong mùa đông giá rét.
Quân đội Syria buộc phải chuẩn bị một đợt tấn công mới vào khu vực làng Wadi Barada, quyết tâm tái chiếm khu vực này trên vùng nông thôn Damascus giáp với tỉnh Beqa'a của Lebanon. Cuộc tấn công nhằm mục đích giải quyết thảm họa nhân đạo mà lực lượng khủng bố gây ra cho người dân Damascus.
Những tình huống xảy ra cho thấy, mặc dù có nhiều tiến triển hơn trong thỏa thuận ngừng bắn được ký kết giữa chính phủ Syria và một số nhóm vũ trang (phương Tây gọi là “đối lập ôn hòa” với trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Thỏa thuận ngừng bắn (văn bản thỏa thuận ngừng bắn không được công khai trực tuyến) chỉ loại trừ một số ít đối tượng là Jabhat al-Sham (nguyên Jabhat al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda Syria) và IS, nhưng chỉ có 7 nhóm Hồi giáo cực đoan chính thức ký kết thỏa thuận này.
Các nhóm ký thỏa thuận có quân số ước tính từ 52.000 đến 62.000 tay súng. Tổng số các chiến binh thánh chiến ở Syria, bao gồm cả IS, theo ước tính của các chuyên gia là 120.000 - 130.000 tay súng. Như vậy, chỉ có khoảng một nửa các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ xác định là "đối lập" tuyên bố tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.
Điều đó có nghĩa là các tổ chức còn lại sẽ tiếp tục tấn công quân đội Syria ủng hộ cho Al Qaeda Syria và IS, cung cấp vũ khí cho các tổ chức khủng bố quốc tế này và lôi kéo các nhóm đã ký kết vào cuộc chiến.
Như vậy thỏa thuận ngừng bắn trên thực tế không có hiệu lực với đa số các nhóm thánh chiến cực đoan. Ngoài ý nghĩa nhân đạo và vạch trần bản chất cực đoan, khả năng ngừng bắn và đàm phán giữa “đối lập ôn hòa” với chính phủ Syria khá mỏng.
Các lực lượng thánh chiến sẽ nhân cơ hội này lại tái cơ cấu tổ chức và tiếp nhận thêm viện trợ từ nước ngoài. Đây về cơ bản vẫn là một biện pháp nhằm vạch trần bản chất của lực lượng thánh chiến với thế giới. Một sự thật hiển nhiên – các nhóm đó đều liên quan đến khủng bố, nhưng truyền thông phương Tây cố gắng bao che như một cuộc nổi dậy thông thường.
NT