5 năm phòng, chống tác hại của thuốc lá: Quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá vẫn còn

VietTimes – Bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đánh giá, sau 5 năm thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đã có những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn tồn tại những bất cập khiến cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và thi hành Luật chưa hiệu quả, người dân chưa thực sự quan tâm tới việc bỏ thuốc lá.
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn -Thứ trưởng Bộ Y tế.
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn -Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, do Bộ Y tế tổ chức sáng 14/11.

90% người dân đã hiểu về tác hại của thuốc lá

Theo PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, 90% cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức và người lao động các cơ quan, ban ngành và người dân được tiếp cận thông tin về tác hại của thuốc lá và Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Toàn cảnh hội nghị sơ kết 5 năm thi hành luật phòng, chống tác hại của thuốc lá
Toàn cảnh hội nghị sơ kết 5 năm thi hành luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 

ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Sau 5 năm thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc thuốc lá, 63 tỉnh, thành trên cả nước đều có Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương đã ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành để phòng, chống tác hại của thuốc lá.

ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Hiện, mạng lưới tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá quốc gia đã được thành lập với sự tham gia của 24 bệnh viện. Trong đó, 10 bệnh viện đã xây dựng kế hoạch tư vấn cai nghiện thuốc lá hằng năm.

Đến nay đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà, 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại khu vực trong nhà,…

Truyền thông chưa hiệu quả, người dân chưa quan tâm bỏ thuốc

“Tuy vậy, hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính chưa được duy trì thường xuyên, việc thực thi môi trường không khói thuốc tại các nhà hàng, khách sạn,… chưa đạt kết quả tốt, tình trạng quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá vẫn còn, thuế và giá thuốc lá thấp, dẫn đến tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam còn cao” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Ths. Trần Thị Trang, các quy định xử lý thuốc nhập lậu chưa phù hợp, còn thiếu quy định về các sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung,… Ngoài ra, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá cấp tỉnh đều giao cho Sở Y tế thực hiện; sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn.

"Để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó, thời gian tới, kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2019-2020 sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi hành vi, nhận thức của người dân. Cùng với đó, các bệnh viện cần nỗ lực tăng cường hơn nữa trong công tác hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá.” - PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho hay.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã có xu hướng giảm. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GATS 2015) cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam đã giảm 2,1% so với năm 2010.

Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm đáng kể so với năm 2010 ở hầu hết các địa điểm: tại gia đình (từ 73,1% xuống còn 59,9%), tại nơi làm việc (từ 55,9% xuống còn 42,6%), tại các trường đại học, cao đẳng (từ 54,3% xuống còn 37,9%), trên phương tiện giao thông công cộng (từ 34,4% xuống còn 19,4%) và tại trường học (từ 22,3% xuống còn 16,1%).