Sáng 11/7, Google phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) khởi động chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam”, nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam.
Theo đó, trụ cột “Kiến tạo cho nhân tài” với chương trình Phát triển nhân tài số cung cấp 40.000 suất học bổng với 10 khoá học trí tuệ nhân tạo (AI) của Google trang bị các kỹ năng AI mới nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam là cán bộ, giảng viên và sinh viên của hơn 80 trường đại học, cao đẳng trong nước.
Trụ cột thứ hai “Kiến tạo cho doanh nghiệp” thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp cho của các startup địa phương. Google đã cam kết hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam với các sáng kiến từ năm 2019 đến nay.
Trong đó, Google for Startups Accelerator hỗ trợ, thúc đẩy startup Việt Nam trong kỷ nguyên AI thông qua 3 chương trình chính: Đào tạo trực tuyến kéo dài 8 tuần trang bị kiến thức kinh doanh cho hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ các startup AI thông qua việc tạo điều kiện để họ nhanh chóng chế tạo mẫu thử (prototyping) và thương mại hóa các ứng dụng AI.
Đáng chú ý, chương trình đào tạo trọng tâm về AI nhằm hỗ trợ các startup AI tiềm năng của Việt Nam phát triển, thương mại hóa và mở rộng sản phẩm AI của họ sang các thị trường mới.
Các startup được lựa chọn tham gia chương trình sẽ nhận được tài khoản Google Cloud trị giá lên đến 350.000 USD và quyền truy cập vào Google Startup AI Space - một sáng kiến mới từ Google cung cấp cho startup quyền truy cập miễn phí lên đến 3 tháng vào bộ công cụ AI toàn diện trên Google Cloud, bao gồm cơ sở hạ tầng được tối ưu hóa cho AI, nền tảng Vertex AI, các mô hình Gemini và các công cụ phát triển low-code.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho biết NIC đã phối hợp cùng Google tổ chức các chương trình hỗ trợ và tăng tốc khởi nghiệp, cung cấp hàng chục nghìn suất học bổng phát triển kỹ năng số, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến AI giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và thúc đẩy ứng dụng AI tại Việt Nam.
"Chương trình cho phép người học tự chủ về thời gian, có thể hoàn thành khóa học trong 3, 6 tháng hoặc bất kỳ thời gian nào, hoàn toàn trực tuyến", ông Đỗ Tiến Thịnh nói.
Khan hiếm nhân sự AI trầm trọng
Theo đánh giá của Google, nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc, đạt giá trị kinh tế 100 tỷ USD. Sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng này, kết hợp với sự sẵn sàng về AI của khu vực giúp Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam dự báo có thể đạt được lợi ích kinh tế lên tới 835 tỷ USD từ AI vào năm 2030.
Tuy có cộng đồng khởi nghiệp năng động, có vị thế tốt để tận dụng cơ hội AI nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với một thách thức quan trọng, đó là sự thiếu hụt nhân sự và chuyên gia AI.
Ước tính hiện nay chỉ có khoảng 300 chuyên gia AI trong lực lượng lao động Việt Nam. Sự khan hiếm nhân lực này cùng với việc thiếu hụt cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo AI chất lượng cao càng làm nới rộng khoảng cách giữa nhu cầu của thị trường và sự đáp ứng nguồn nhân lực.